Ngày 10/2 tại cuộc vận động tranh cử ở bang Nam Carolina, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thuật lại cuộc gặp của ông với các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Trump cho biết tổng thống “một nước lớn” đã hỏi: “Thưa ông, nếu chúng tôi không chi đủ tiền và bị tấn công, liệu Hoa Kỳ có bảo vệ chúng tôi không?”.
Trước câu hỏi đến từ nguyên thủ của một nước lớn giấu tên, ông Trump đáp: “Bạn không trả tiền sao? Bạn chậm trễ đóng các khoản ngân sách sao? Nếu có chuyện gì xảy ra, tôi sẽ không bảo vệ bạn, tôi thậm chí còn khuyến khích đối phương làm bất cứ điều gì họ muốn. Mấu chốt là bạn phải trả tiền”.
Những lời phát biểu của ông Trump vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Chính phủ Mỹ.
“Khuyến khích các lực lượng bên ngoài tấn công các đồng minh thân cận nhất của chúng ta là hành động vô căn cứ, không thể chấp nhận được, gây nguy hiểm đến nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ, đe dọa sự ổn định toàn cầu”, người phát ngôn Nhà Trắng Andrew Bates phản hồi sau bình luận gây tranh cãi của ông Trump.
Thực tế, điều 5 trong Hiệp ước NATO quy định bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào một nước thành viên NATO chính là tấn công vào toàn bộ các nước NATO, do đó toàn bộ khối NATO sẽ phối hợp đáp trả.
Trong khi đó, ông Donald Trump khi còn đương nhiệm đã nhiều lần chỉ trích hoạt động của NATO và đe dọa rút khỏi hiệp ước nếu các nước thành viên không đóng góp đủ ít nhất 2% GDP. Ông từng cắt tài trợ quốc phòng cho NATO và thường xuyên phàn nàn rằng Mỹ đang phải trả nhiều hơn mức công bằng.
Hiện nay, theo kết quả thăm dò, ông Trump đang dẫn trước đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Điều này khiến nhiều đồng minh châu Âu quan ngại nếu ông Trump đắc cử, có thể đe dọa cam kết của Mỹ với liên minh NATO.
Tuy vậy vào tháng trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, việc ông Trump tái đắc cử sẽ không gây ảnh hưởng lớn tới tư cách thành viên NATO của Mỹ.
Vị tổng thư ký cho biết các đồng minh châu Âu thời gian qua đang nỗ lực tăng cường đóng góp quốc phòng và đi đúng hướng.
Ông Stoltenberg cho biết kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, viện trợ của Mỹ cho Ukraine đã đạt tổng cộng khoảng 75 tỷ USD, trong khi viện trợ từ các nước NATO và các đối tác khác cộng lại đã vượt 100 tỷ USD.
Về phần mình, cựu Tổng thống Mỹ liên tục kêu gọi hạ nhiệt và tiến hành đàm phán, cũng như phàn nàn về hàng tỷ USD viện trợ quân sự Mỹ đã chi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận