Thích ứng sản xuất
Bến Tre, Hậu Giang là các tỉnh được biết đến là hằng năm sản xuất hàng chục nghìn quả dừa Tài - Lộc, bưởi hồ lô cung ứng cho thị trường tết. Tuy nhiên, năm nay các nhà vườn nơi đây đã phải tạm dừng sản xuất các loại trái cây “độc - lạ” này.
Anh Huỳnh Thanh Tâm (ngụ thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết, ngay thời điểm vào khuôn tạo hình quả dừa là lúc bùng phát dịch Covid-19. Lo ngại khó khăn nên năm nay anh tạm dừng sản xuất và chuyển sang trồng hoa lan để thích ứng.
Những loại trái cây độc - lạ chưng Tết, năm nay sẽ hiếm.
Tương tự, ông Huỳnh Trung Thành, Chủ nhiệm CLB Sản xuất trái cây tạo hình ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) cùng 26 thành viên cũng hoãn lại việc tạo hình bưởi với kiểu dáng hồ lô, thỏi vàng.
Ông Thành chia sẻ, những năm trước đây, CLB của ông cung ứng thị trường tết trên 10.000 quả bưởi hình dáng hồ lô có in chữ “Tài - Lộc” với giá khoảng 2 triệu đồng/cặp. Nhưng vì lo ngại thị trường cuối năm nên ông cũng chuyển sang trồng bưởi trái.
Cùng chung nỗi lo về thị trường cuối năm, các hộ dân Trương Văn Dững, Nguyễn Tấn Khanh, Phạm Hồng Phương… ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long từng phát triển từ nghề trồng bưởi cũng chủ động giảm sản xuất bưởi vụ tết. Bên cạnh đó, nhiều nông dân khác đã đốn hạ những cây bưởi già cỗi (khoảng 20 năm tuổi) không còn khả năng cho trái tốt, thay vào đó là trồng xen canh sầu riêng, vú sữa…
Tại tỉnh Vĩnh Long, thời điểm này nông dân trồng bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh tập trung các khâu chăm sóc để trái ngay vụ Tết.
Ông Nguyễn Văn Tâm (ngụ ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh) cho biết, gia đình có 10 công (1 công = 1.000m2) trồng khoảng 1.000 gốc bưởi Năm Roi.
Trung bình mỗi năm, ông Tâm thu hoạch hơn 50 tấn bưởi trái, trừ mọi chi phí thì ông tự tin “bỏ túi” hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, cộng với giá phân bón tăng cao và lo ngại thị trường cuối năm nên ông Tâm cũng như những hộ nông dân khác trong vùng đã phải giảm sản lượng sản xuất vụ tết.
Để tiết kiệm chi phí, ông Tâm tạm dừng bón phân cho cây tự sinh trưởng trong điều kiện bình thường. Gia đình ông chỉ tập trung nuôi dưỡng, chăm sóc khoảng 5 tấn bưởi trái. Hiện, cây cho quả đẹp, da căng bóng, cành lá xanh um, sẵn sàng chờ ngày xuất bán.
Ông Nguyễn Văn Tâm cho biết năm nay chuẩn bị khoảng 5 tấn bưởi trái phục vụ thị trường Tết.
Ông Nguyễn Tấn Phát - Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Mỹ Phước 1 (xã Mỹ Hòa) chia sẻ, đứng trước những khó khăn, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã thích ứng với tình hình mới, tạm dừng sản xuất bưởi cung ứng thị trường Tết, chủ yếu bán theo thời vụ.
Theo ông Phát thời tiết năm nay không mấy thuận lợi, với đợt nắng nóng khiến một số vườn cây bị ảnh hưởng. Nông dân đã phải khá vất vả với các khâu chăm sóc như bón phân, tạo mầm, tưới nước liên tục.
Ngay thời điểm vào khuôn tạo hình quả dừa là lúc bùng phát dịch Covid-19 nên nhiều nhà vườn quyết định chuyển hướng.
Chỉ tính riêng gia đình ông, với 7,5 công trồng bưởi, mỗi năm thu hoạch trên 30 tấn trái thì năm nay giảm đến 60% sản lượng. Thời điểm này cùng kỳ, ông Phát đã có bước chuẩn bị khoảng 5 tấn bưởi để bán tết thì năm nay ông chỉ chăm sóc chừng 2 tấn bưởi trái.
“Thời điểm hiện tại, thương lái đến tận nhà vườn thu mua bưởi xô với giá từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Trong khi đó, họ về phân loại bán bưởi chưng tết loại 1 (khoảng 1,2 kg mỗi trái) thì giá lên đến hơn 25.000 đồng/kg. Với những biến động trong năm nên hầu như nông dân sản xuất huề vốn hoặc có lãi rất thấp”, ông Phát nói.
Kết nối tiêu thụ
Tại tỉnh Đồng Tháp, ngoài quả xoài truyền thống, bà con trồng quýt hồng Lai Vung đang tập trung các khâu chăm sóc trái đạt chất lượng. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, toàn huyện hiện có trên 300 ha quýt hồng đang cho trái.
Để có những quả bưởi Năm Roi đẹp chưng Tết, các nhà vườn phải tuyển chọn thật kỹ các quả khi còn non.
Thời tiết năm nay được xem khá thuận lợi, quýt hồng phát triển tốt, quả màu sắc đẹp. Dự kiến cây cho trái đúng dịp Tết với sản lượng đạt từ 1.500 - 2.000 tấn nên bước đầu bà con nông dân khởi sắc.
Bên cạnh quýt trái, năm nay nông dân huyện Lai Vung đã chuẩn bị cả sản phẩm quýt hồng trồng chậu đế bán tết. Chỉ tính riêng 2 hộ nông dân ở xã Vĩnh Thới dự kiến cung ứng thị trường tết trên 400 chậu.
Trong đó, ông Hà Thanh Hồng cung ứng khoảng 200 chậu và ông Lưu Văn Khiêm, thành viên tổ hợp tác trồng quýt chậu xã Vĩnh Thới cung ứng khoảng 170 chậu quýt hồng.
Hiện tại các nhà vườn trồng quýt hồng chậu đang tập trung các khâu tạo dáng, chăm sóc trái sao cho bóng, đẹp. Theo nhà vườn, tùy vào hình dáng và số lượng trái quýt hồng ở chậu nên có giá bán khác nhau, thường dao động từ 2 - 7 triệu đồng/chậu.
Dự báo về thị trường cuối năm, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung nhận định, các loại trái cây khác như quýt đường, cam có thể bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đối với sản phẩm quýt hồng thì ít nơi trồng được giống này nên được xem khan hiếm, giá quýt hồng năm nay khả năng không tụt giảm.
Dù vậy, một số nhà vườn vẫn còn lo ngại về giá bán vụ tết nên địa phương đã kết nối với các HTX, hội quán, siêu thị, Sở Công thương… để giúp nông dân tiêu thụ quýt.
Ông Huỳnh Thanh Sơn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ, với diện tích trồng xoài trên địa bàn huyện khá lớn, ước vài trăm tấn trái phục vụ dịp tết. Năm nay, do ảnh hưởng thời tiết nên sản lượng xoài tết giảm đáng kể so với hằng năm.
Riêng xoài có in chữ thư pháp Tài - Lộc những năm gần đây không còn mới nên rất ít nông dân sản xuất theo mô hình này, họ chủ yếu sản xuất xoài trái.
Theo ông Sơn, năm nay giá vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đầu vào tăng cao nên dự kiến giá xoài bán tết cũng sẽ tăng theo. Nhiều khả năng các nhà vườn sẽ giảm đi phần lợi nhuận.
Một khu vườn bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Hiện, ngành nông nghiệp địa phương đang phối hợp với các tổ hợp tác, HTX tổ chức hội nghị trực tuyến liên kết đầu ra cho nông dân. Ngoài tiêu thụ thị trường nội địa tại các hệ thống siêu thị, các vựa trái cây, địa phương còn hỗ trợ kiên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp thu mua trái cây để xuất bán xoài sang thị trường các nước như: Nhật, Nga…
Bên cạnh những thuận lợi từ các địa phương hỗ trợ liên kết đầu ra, song song đó, không ít nông dân đã gặp trở ngại về nguồn vốn phục vụ đầu tư sản xuất.
Nhằm vượt qua khó khăn, nhất là thời điểm này, các nhà vườn ở ĐBSCL đều mong muốn được ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi như hỗ trợ về nguồn vốn ưu đãi, kết nối đầu ra ổn định để họ an tâm tái sản xuất, duy trì tạo ra các loại trái cây đặc sản truyền thống vốn không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của dân tộc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận