Ông Bùi Sỹ Lợi |
Theo kết quả báo cáo, đa số ĐBQH đồng ý việc Quốc hội ra Nghị quyết về Điều 60 Luật BHXH. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Vì sửa luật thì phải theo quy trình nên việc ra Nghị quyết là hình thức xử lý nhanh nhất cho người lao động. Quốc hội đã lắng nghe tâm tư của một bộ phận người lao động gặp khó khăn, giải quyết cho một bộ phận người lao động khi họ cảm thấy không còn con đường nào khác, muốn nhận BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống. Đây là quyền của người lao động và chúng ta phải lắng nghe điều đó. Nhưng về cơ bản, như nhiều ĐB đã khẳng định, Điều 60 Luật BHXH là điều luật nhân văn, hướng tới chuẩn mực quốc tế và chúng ta nên đi theo thực hiện điều luật này. Theo nội dung Nghị quyết của Quốc hội thì sau 5 năm nữa, chúng ta sẽ đánh giá lại chính sách.
Liệu có phải do chính sách tiền lương bất cập nên người lao động không đủ sống? Chính phủ đang yêu cầu Bộ Tài chính xem xét tăng lương cho công chức Nhà nước, ông đánh giá thế nào về việc này?
Theo lộ trình lẽ ra chúng ta đã phải hoàn thành chính sách tiền lương, nghĩa là thu nhập khu vực công chức phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu người lao động, nhưng hiện nay chúng ta mới tạm điều chỉnh từ năm 2013 được 100 nghìn đồng/tháng. Muốn có tiền cải cách chính sách tiền lương thì kinh tế phải tăng trưởng, nếu không tăng trưởng, trượt giá tăng lên thì cũng phải điều chỉnh tiền lương. Rất may giai đoạn vừa rồi kinh tế kiềm chế được mức trượt giá nên cũng tác động tới tiền lương ít hơn.
Trong vài năm gần đây kinh tế tăng trưởng liên tục, năng suất lao động cũng tăng bình quân 3,7%/năm giai đoạn 2013-2014, có nghĩa đã đến lúc Chính phủ phải nghĩ tới chuyện khi nguồn thu tăng lên thì cũng phải dành một phần cho tăng lương để cải cách tiền lương cho cán bộ công chức để hướng tới mục tiêu tiền lương phải là “đòn bẩy” cho tăng ngân sách lao động.
Nếu xét về bản chất, bao giờ tiền lương tăng bình quân cũng chậm hơn tăng năng suất lao động. Thế nhưng, vài năm gần đây năng suất lao động tăng mà tiền lương không tăng nên đã ảnh hưởng tới người lao động.
Phải chăng tiền lương thấp khiến bộ phận cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” đang có chiều hướng gia tăng, thưa ông?
Tỷ lệ công chức “cắp ô” chính xác là bao nhiêu thì không ai biết mà chỉ là trong dự báo. Ai cũng nói do cuộc sống khó khăn, lương thấp nên tỷ lệ này tăng lên, nhưng tôi cho rằng không hẳn như vậy. Chất lượng cán bộ công chức phải do các cơ quan đơn vị tự đánh giá. Hiện nay, một bộ phận công chức chất lượng thấp, đào tạo không đến nơi đến chốn, sử dụng không đúng ngành đúng nghề… cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngân sách lao động thấp. Không biết được con số cụ thể, nhưng đúng là về bản chất chúng ta đang có một bộ phận không nhỏ công chức chất lượng thấp, nói nôm na là cán bộ “cắp ô”, làm cho bộ máy bị kìm chế, tác động tới nền công vụ và cải cách thủ tục hành chính của đất nước...
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận