Báo Giao thông có cuộc trao đổi với GS. Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 xoay quanh các vấn đề liên quan đến chứng rối loạn trầm cảm, và hệ lụy dẫn tới hành vi tự tử như 2 vụ việc đáng tiếc liên tiếp xảy ra trong thời gian qua ở trẻ vị thành niên.
Gia tăng trẻ vị thành niên mắc chứng trầm cảm
Hầu hết bệnh nhân trầm cảm luôn có ý nghĩ về cái chết
Liệu có phải cứ trầm cảm sẽ dẫn tới hành vi tự sát không, thưa ông?
GS. Cao Tiến Đức: Rối loạn trầm cảm là một bệnh lý tâm thần thường gặp. Các lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh, nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới.
Trầm cảm làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng lao động, học tập, gây tốn kém về chi phí điều trị.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh rất phức tạp, việc nhận biết rất khó khăn; Người mắc trầm cảm rơi vào buồn chán, bi quan, thất vọng.
Yếu tố tâm lý xã hội làm cho tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm có ý tưởng và hành vi tự sát cao.
Tự sát là nguyên nhân gây chết thường gặp nhất trong lâm sàng tâm thần, thậm chí còn có hành vi tự sát mở rộng (giết người trước khi tự sát). Việc điều trị đòi hỏi chẩn đoán đúng, điều trị kiên trì mới đạt được kết quả tốt.
Ở Việt Nam, người bệnh trầm cảm chiếm khoảng 4% dân số.
Hầu hết bệnh nhân trầm cảm luôn có ý nghĩ về cái chết, 50% có hành vi tự sát và 10% chết vì tự sát. Hành vi tự sát thường được lập kế hoạch, có các bước thực hiện kế hoạch như chuẩn bị phương tiện, thời gian, địa điểm, viết thư để lại, chào mọi người… Có trường hợp ý tưởng tự sát ập đến nhanh và bệnh nhân thực hiện ngay hành vi nguy hiểm này.
Với trẻ vị thành niên, làm sao để nhận diện ra chứng trầm cảm, thưa ông?
GS. Cao Tiến Đức: Rối loạn trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể biểu hiện bằng tâm trạng buồn chán, cáu giận hoặc rất nhạy cảm. Một số dấu hiệu của trầm cảm là thường xuyên cảm thấy tuyệt vọng, vô dụng, có lỗi hoặc tự ti, ít quan tâm hơn đến các hoạt động mà trước đây các em đã từng ưa thích; Mệt mỏi, thiếu nhiệt tình và thường xuyên cảm thấy chán nản, khó tập trung chú ý; thay đổi đáng kể về khẩu vị hoặc cân nặng, xa lánh những người lớn hoặc giao tiếp kém.
Trẻ thường nghĩ tới cái chết, gây tổn thương cho bản thân, hoặc tự sát; thường xuyên cảm thấy khó chịu trong cơ thể (như là đau đầu, nhức mỏi cơ, đau bụng…); Có tâm trạng tức giận, cáu gắt, thù hận hoặc có các hành vi nguy hiểm nghiêm trọng hơn (khóc, la hét, kêu la hoặc cáu giận mà không rõ nguyên nhân), hay nghỉ học hoặc học tập kém...
Trẻ có thể khó nhận biết và mô tả về cảm xúc và cảm giác của mình, các em có thể vẫn chưa biết cách bộc lộ bản thân bằng từ ngữ nên có thể biểu hiện cảm xúc của mình qua hành vi. Đôi khi những người lớn hiểu lầm những hành vi này là hành động không vâng lời hoặc thích thể hiện, nhưng đó có thể là các dấu hiệu của chứng trầm cảm.
Trong nhiều trường hợp, việc nhận biết trầm cảm, và các bệnh lý như như rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, phổ tự kỷ hoặc các khuyết tật về nhận thức ở trẻ em rất khó. Gia đình cần gần gũi quan tâm, sớm nhận biết bất cứ dấu hiệu bất thường nào ở trẻ để chia sẻ, tìm sự tư vấn hoặc được khám kỹ lưỡng để chẩn đoán chính xác từ bác sĩ chuyên khoa.
Đại dịch Covid-19 khiến gia tăng trẻ mắc trầm cảm
Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn tới trầm cảm ở trẻ vị thành niên, thưa ông?
GS. Cao Tiến Đức: Ở trẻ đi học và sinh viên, trầm cảm được cho là kết quả từ các yếu tố di truyền và những căng thẳng về môi trường (đặc biệt là sự thiếu thốn và mất mát trong cuộc sống), áp lực học tập...
Thực tế có rất nhiều yếu tố có thể tác động tới sức khỏe tâm thần của trẻ, ví như những trẻ có thể lực yếu, gia đình có nhiều mối bất hòa, bố mẹ ly hôn - ly thân, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ, mất người thân, mất tiền, tài sản.
Một số yếu tố khác là áp lực học tập căng thẳng, gia đình hoặc bản thân kỳ vọng hoặc đòi hỏi quá khả năng của trẻ; ngủ ít do khó ngủ hoặc do học, do chơi quá nhiều ảnh hưởng thời gian ngủ; hoặc trẻ lạm dụng game…
Dường như ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến gia tăng hơn số trẻ bị trầm cảm?
GS. Cao Tiến Đức: Trong đại dịch Covid-19, tỷ lệ trẻ em bị trầm cảm tăng lên do nhiều yếu tố: bị cách ly, học online, hạn chế giao tiếp với người thân và bạn bè, căng thẳng tâm lý trong gia đình như bố mẹ bất hòa, thiếu thốn về kinh tế, áp lực học tập.
Nhiều trẻ chơi game hoặc sử dụng điện thoại, máy tính nhiều, sử dụng chất như bóng cười, rượu, ma túy, cỏ…
Bản thân việc nhiễm Covid -19 cũng làm tăng trầm cảm lo âu, rối loạn stress. Và vì vậy, tỷ lệ tự sát cũng tăng lên.
Trẻ cần sự thấu hiểu, bao dung của bố mẹ
Với các trường hợp trẻ có ý định tự sát, cha mẹ cần nhận diện ra sao và nên làm gì thưa ông?
GS. Cao Tiến Đức: Đối với nhóm trẻ thanh thiếu niên nguyên nhân tự sát rất đa dạng, trẻ có thể mắc các bệnh lý tâm thần như: trầm cảm, lo âu, tâm thần phân liệt và rối loạn nhân cách, nhân cách yếu, nghiện game…
Thông thường, tự sát là kết thúc một quá trình có vấn đề, có ý tưởng và có chuẩn bị (kế hoạch, phương tiện, thời gian, địa điểm…); Có trường hợp hành vi tự sát xảy ra đột ngột, tuy nhiên những trường hợp này hiếm gặp. Có những trẻ tự sát, đôi khi lại vì những lý do rất tầm thường.
Tôi đã từng gặp 2 câu chuyện rất đau lòng, một trẻ 10 tuổi, đi qua suối đánh rơi một chiếc dép, khi về bị mẹ mắng cho vài câu, trẻ đã tìm cái chết. Hay như một trường hợp khác đi học mất một cái bút, do sợ bị bố mẹ đánh, mắng nên cũng đã tự tử.
Trẻ ở lứa tuổi thanh thiếu niên nhân cách chưa hoàn thiện, dễ phát sinh những ý nghĩ tiêu cực, do vậy rất cần sự thấu hiểu, bao dung của bố mẹ. Đứng trước một vấn đề bố mẹ nên cân nhắc và tìm những từ ngữ phù hợp để dạy bảo cho con đúng, sai.
Bố mẹ cũng không nên quá kỳ vọng gây ra những áp lực tâm lý không đáng có cho con. Bố mẹ cần phải biết khả năng của con đến đâu và con có thể làm được những gì.
Sự yêu, thương gần gũi, dành đủ thời gian cho con chính là cách giúp cho cha mẹ phát hiện ra những bất thường và hành vi tự sát của trẻ.
Chân thành cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận