Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tiền lương, thu nhập của người lao động hàng năm cho thấy, chỉ có khoảng trên 15% người lao động làm việc có tích lũy, còn lại đa phần cuộc sống khó khăn, tằn tiện, “ráo mồ hôi là hết tiền”.
Chính vì thế, khi phải nghỉ việc, hầu hết NLĐ buộc phải lựa chọn hưởng BHXH 1 lần để có một khoản tiền lo cho sinh hoạt trước mắt.
Hơn 80% người lao động hưởng chế độ BHXH 1 lần đều đang độ sung sức từ 20 - 40 tuổi (Ảnh minh họa)
Đặc biệt từ khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lơn đến các hoạt động kinh tế - xã hội, việc NLĐ đi rút tiền bảo hiểm để hưởng “tiền tươi” hầu hết xuất phát từ cuộc sống khó khăn, mất việc, thậm chí không nhìn thấy cơ hội được làm việc, đóng bảo hiểm tiếp theo.
Có trường hợp người tham gia bảo hiểm chỉ được đóng được thời gian ngắn từ 3 - 5 năm, tương lai họ xác định không đi làm công ty, nhìn thấy còn hàng chục năm phải đóng nữa nên quyết định rút.
Cũng có trường hợp đóng trên 10 năm, số tiền tích lũy bảo hiểm khá lớn, họ có nhu cầu đầu tư hoặc làm việc riêng nên quyết định rút tiền về.
Còn với những người đã đóng từ 18 - 20 năm thì có lẽ số người quyết định rút tiền rất ít, trừ trường hợp hãn hữu.
Như vậy, cần phải nhìn nhận rằng, việc người tham gia bảo hiểm rút tiền về là do sự kém hấp dẫn của bảo hiểm, gánh nặng cuộc sống và niềm tin vào lương hưu.
Thậm chí, bên cạnh đó là quy định cho rút có phần còn dễ dãi. Nhưng dù gì đi nữa thì việc hưởng BHXH 1 lần ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của NLĐ, có thể hưởng một lần nhưng lo cả đời. Sâu xa hơn nữa là mục tiêu đảm bảo an sinh về lâu dài không đạt được.
Do đó cần phải có giải pháp căn cơ, tầm chính sách vĩ mô để NLĐ có việc làm, thu nhập ổn định lâu dài.
Song song với công tác tuyên truyền để NLĐ thấy rõ lợi ích tham gia BHXH đảm bảo an sinh lâu dài, cơ quan chức năng cần phải siết lại hoạt động thanh tra, kiểm tra và chế tài liên quan tới việc thực hiện chính sách BHXH nói riêng và an sinh xã hội nói chung.
Thời gian qua, thực trạng DN nợ đọng, trốn đóng BHXH, khiến NLĐ lo sợ bị ảnh hưởng tới quyền lợi nên muốn rút để hưởng cho chắc.
Liên quan tới giải pháp sửa đổi Luật BHXH, cần phải thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH theo hướng “linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế”; tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí; giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 10 - 15 năm; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH…
Lâu nay, chúng ta chỉ áp dụng nguyên tắc đóng- hưởng mà rất coi nhẹ nguyên tắc chia sẻ trong cách tính mức hưởng lương hưu. Chính vì thế mới dẫn đến khoảng cách chênh lệch mức lương hưu lên tới 10 lần.
Trong khi đó, ở các nước đều duy trì sàn lương hưu để đảm bảo mức sống tối thiểu, đối với các bậc cao hơn, mức chênh lệch cũng không đáng kể, làm sao để từ người công nhân tới Bộ trưởng khi về hưu, ai cũng đủ sống.
Để thu hút NLĐ gắn bó với BHXH, một mặt cần giảm thời gian đóng để hưởng lương hưu, mặt khác cần nâng mức hưởng tối thiểu. Đây chính là bài toán nan giải khi thực hiện sửa đổi Luật BHXH.
Lê Đình Quảng
Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận