Tranh chấp kéo dài về mức lương
Theo hãng tin Reuters, với đường sắt, lái tàu tại công ty vận tải đường sắt Đức Deutsche Bahn bắt đầu đợt đình công thứ 5 trong đợt tranh chấp kéo dài với công ty chủ quản vào 2h (giờ địa phương) ngày 7/3. Trước đó, đêm 6/3, lái tàu chở hàng tại tập đoàn đã bắt đầu đình công.
Theo nhà vận hành đường sắt Deutsche Bahn, chỉ một trong 5 tuyến tàu đường dài vẫn vận hành trong ngày 7/3.
Theo hãng tin Reuters, cuộc đình công của lái tàu dự kiến kéo dài tới chiều 8/3 mở màn cho loạt cuộc đình công do công đoàn GDL lên kế hoạch nhằm yêu cầu giảm giờ làm nhưng vẫn giữ nguyên mức lương.
Trong khi đó, tập đoàn Deutsche Bahn cáo buộc công đoàn từ chối thỏa hiệp.
Về hàng không, trong ngày 7/3, nhân viên phục vụ trên mặt đất của hãng hàng không quốc gia Lufthansa của Đức và nhân viên an ninh tại một số sân bay trên khắp nước Đức, bao gồm tại các thành phố Hamburg, Duesseldorf và Frankfurt cũng bắt đầu đình công.
Nhà vận hành Fraport tại cảng hàng không bận rộn nhất nước Đức - Frankfurt cho biết 650 trong số 1.750 chuyến bay được lên lịch trình vào ngày 7/3 đã bị hủy.
Cuộc đình công này dự kiến kéo dài hai ngày. Trước đó, vào ngày 6/3, nhân viên tổ bay tại Lufthansa cũng bỏ phiếu thống nhất sẽ tổ chức đình công. Công đoàn UFO đang đánh giá những bước thực hiện cụ thể trong thời gian tới.
Riêng đường sắt, đình công 1 ngày thiệt hại 107 triệu USD
Theo hãng tin Reuters, các cuộc đình công của lái tàu hỏa, nhân viên sân bay bắt đầu vào ngày 7/3 là đợt đình công mới nhất của lao động trong lĩnh vực vận tải tại Đức.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh mức lạm phát cao và tình trạng thiếu nhân sự nghiêm trọng, khiến nhiều công đoàn thuộc lĩnh vực vận tải, bao gồm tập đoàn đường sắt quốc gia, hàng không, vận tải công cộng tại Đức tổ chức loạt hoạt động nhằm đàm phán về mức lương.
Các chuyên gia cảnh báo các cuộc đình công của lao động trong lĩnh vực vận tải có thể gây hậu quả nặng nề trong bối cảnh sản lượng kinh tế của Đức sụt giảm 0,3% trong năm 2023 và mấp mé ngưỡng suy thoái. Chính phủ Đức cảnh báo đà phục hồi của nền kinh tế nước này chậm hơn kỳ vọng.
Trao đổi với hãng tin Reuters sau cuộc đình công của công đoàn GDL vào tháng 1, ông Michael Groemling - chuyên gia tại tổ chức IW Koeln, cho biết cuộc đình công kéo dài một ngày của công nhân đường sắt trên khắp nước Đức ước tính gây thiệt hại khoảng 107 triệu USD về sản lượng kinh tế.
Chỉ tính riêng hãng hàng không quốc gia Lufthansa, trong báo cáo thường niên, hãng Lufthansa cảnh báo các cuộc đình công là một trong những yếu tố khiến tình hình thua lỗ trong quá trình vận hành cao hơn dự kiến trong ba tháng đầu năm 2024.
Hiệp hội sân bay ADV cảnh báo các cuộc đình công trong lĩnh vực hàng không đang gây tổn hại tới danh tiếng trung tâm kinh doanh và du lịch tại châu Âu của Đức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận