Nhân viên máy móc
Mới đây, trên các diễn đàn mạng xã hội chia sẻ clip ghi lại cảnh một khách hàng bức xúc khi nhân viên cây xăng số 75 (địa chỉ Linh Đàm, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) không bán xăng theo can, có thái độ phục vụ chưa chuẩn mực.
Nhân viên cây xăng này giải thích "đó là quy định từ trên, có gì không rõ thì gặp chủ cửa hàng".
Dù được khách hàng giải thích là xe ô tô đang chết máy do hết xăng, không thể đưa đến để đổ trực tiếp, bắt buộc phải đổ can mang đi, song nhân viên cây xăng nhất nhất từ chối và cho rằng “đi bất cứ cây xăng nào cũng sẽ không bán theo can”,…
Xăng dầu không chỉ phục vụ cho nhu cầu về phương tiện đi lại như xe ô tô, xe máy, mà còn phục vụ các sinh hoạt khác của người dân như vận hành máy phát điện, chạy ghe, chạy thuyền, đánh bắt thủy sản, sản xuất công nghiệp.
Vậy, theo quy định, khách hàng có được mua xăng bằng can, chai nhựa?, chủ cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 75 cho rằng, nếu khách hàng mua xăng sử dụng trực tiếp thì cửa hàng sẽ phục vụ nhu cầu của khách.
Nhưng khi mua xăng theo can với dung tích 20 lít xăng, cửa hàng không biết được khách hàng sử dụng với mục đích như thế nào. Điều này cũng liên quan đến công tác phòng chống cháy nổ nên không thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Về vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện phía Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, việc bán hàng theo can liên quan đến vấn đề an toàn cháy nổ, và vấn đề tích trữ trong bối cảnh hàng khan cũng là việc cẩn trọng.
Tuy nhiên, sự việc ở cây xăng 75, nhân viên đã máy móc. “Nếu bán lượng ít, khi họ đã giải thích xe chết máy, không thể đưa đến trực tiếp được thì cũng bình thường”, vị này nói.
Vị này cũng cho biết, Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị phải có sự yển chuyển hơn, không cứng nhắc quá trong bán hàng.
Pháp luật không cấm bán can mang đi, chỉ cấm tích trữ
Nói rõ hơn về quy định pháp luật, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hiện tại pháp luật không có điều khoản nào cấm người tiêu dùng mua xăng bằng chai, bằng can đem về.
Bởi xăng dầu không chỉ phục vụ cho nhu cầu về phương tiện đi lại như xe ô tô, xe máy, mà còn phục vụ các sinh hoạt khác của người dân như vận hành máy phát điện, chạy ghe, chạy thuyền, đánh bắt thủy sản,…
Song, do việc tích trữ xăng dầu vào thùng, can, chai tại gia đình cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy, nổ cho gia đình và cộng đồng,... Vì thế, theo ông Hùng, các cơ quan chức năng chỉ có thể khuyến khích, nâng cao ý thức của người tiêu dùng nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trường hợp cây xăng không bán cho người mang can thì cây xăng sẽ bị xử phạt hành chính. Đây được xác định như hành vi găm hàng của cây xăng. Ảnh: Vụ việc cây xăng Petrolimex 75 không bán xăng theo can cho khách (chụp màn hình clip)
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết thêm, hành vi đầu cơ được xác định là hành vi mua tích trữ để bán giá cao kiếm lời. Còn người dân mua tích trữ để sử dụng dần thì không vi phạm pháp luật.
Do đó, trường hợp cây xăng không bán cho người mang can thì cây xăng sẽ bị xử phạt hành chính. Đây được xác định như hành vi găm hàng của cây xăng.
Theo quy định tại Điều 15, Luật giá thì xăng, dầu thành phẩm là hàng hóa thực hiện bình ổn giá, do đó hành vi găm hàng của các cửa hàng xăng dầu có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 31, 32, Nghị định 98 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể, hành vi đầu cơ hàng hóa quy định tại Điều 31 với mức phạt tiền thấp nhất là 5-10 triệu đồng và cao nhất là 80-100 triệu đồng về hành vi đầu cơ hàng hoá cùng với mức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm.
Ngoài ra, có thể tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 6-12 tháng.
Tích trữ xăng dầu vi phạm về phòng cháy chữa cháy sẽ bị chịu trách nhiệm hình sự
Theo Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 (sửa đổi bổ sung năm 2013), việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ là hành vi bị nghiêm cấm.
Nếu tích trữ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo khoản 4, Điều 32, Nghị định 144 quy định rõ: Phạt tiền từ 15-25 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (khoản 2, Điều 4, Nghị định 144)
Hành vi tàng trữ xăng dầu có thể chịu trách nhiệm về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" theo quy định tại Điều 313, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Về trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ thiệt hại về người và tài sản, người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy có thể bị phạt từ 1-20 năm hoặc chung thân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận