Quản lý

Nhập nhèm tiền giữ ôtô: Đấu thầu công khai để loại bỏ tư lợi

11/08/2017, 08:15

Chuyên gia cho rằng, cần phải đấu thầu công khai dịch vụ trông giữ xe và phải minh bạch mức phí với người dân.

12

Hình thức gửi xe trả phí qua tin nhắn điện thoại đang áp dụng trên một số tuyến phố ở Hà Nội đã hạn chế tối đa thất thoát - Ảnh: Khánh Linh

Buông lỏng quản lý, vi phạm tràn lan

Tại Báo cáo kiểm toán số 1293 ngày 17/10/2016 của Kiểm toán Nhà nước thông báo kết quả kiểm toán của Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ cũng chỉ ra nhiều mặt hạn chế của công tác trông giữ xe, trong đó có việc thực hiện theo dõi một số khoản phải thu, phải trả chưa phù hợp với nội dung tài khoản. Việc sử dụng sổ ghi chép tại các điểm trông giữ xe của các xí nghiệp trực thuộc còn có hiện tượng không đóng dấu giáp lai liên tục giữa các trang sử dụng bút xóa. Tại một số điểm đỗ, dù được cấp giấy phép 24/24h nhưng chỉ thực hiện trông xe và thu tiền theo giờ hành chính. Thông tin việc không trông giữ ngoài giờ hành chính chưa được công khai.

"Việc đậu xe trên lòng đường sẽ hạn chế dòng xe lưu thông. Vì vậy, chính quyền cần xây dựng chính sách thu phí đậu xe theo giờ và theo vùng. Cùng đó, phải xây dựng các bãi đậu xe thông minh thực hiện được các chính sách thu phí nói trên. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc đậu xe sai quy định. Nếu thực hiện tốt cả 3 vấn đề này, trước mắt giao thông tĩnh tại các thành phố lớn sẽ có nhiều chuyển biến tích cực."

TS. Chu Công Minh
giảng viên Đại học Bách khoa TP.HCM

Trao đổi với Báo Giao thông về những bất cập trong việc trông giữ xe hiện nay, PGS. TS. Từ Sỹ Sùa, nguyên Trưởng Bộ môn Vận tải đường bộ và thành phố, trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, thực trạng cấp phép cho các công ty, đơn vị trông giữ xe dưới lòng đường tại Hà Nội rất lộn xộn. “Dù nhiều tuyến phố khá chật hẹp, lưu lượng giao thông cao, đường chật chội, nhưng vẫn bố trí bãi đỗ xe dưới lòng đường thì cần phải xem công năng con đường đó có bố trí bãi gửi xe không. Nếu không, người dân và dư luận có quyền đặt câu hỏi có hay không tình trạng mập mờ đánh lận con đen và lợi ích nhóm trong lĩnh vực này”, TS Sùa nói.

Theo PGS. TS. Sùa, sử dụng lòng đường làm điểm trông giữ xe cần phải rõ ràng, minh bạch, không phải hôm trước không có, hôm sau lại mọc ra doanh nghiệp kẻ vẽ lòng đường một cách tùy tiện nhằm thu tiền gửi xe. “Quy hoạch mỗi con đường phải công khai, thống nhất, tránh xung đột giữa tĩnh và động. Tham gia lưu thông phải đảm bảo an toàn, tốc độ, đặc biệt liên quan đến quyền của người tham gia giao thông. Bởi vậy, việc bố trí các điểm đỗ xe bất hợp lý, gây ảnh hưởng đến giao thông động cần phải rà soát lại và thu hồi giấy phép”, ông Sùa khẳng định.

Luật sư Quách Văn Chanh, Văn phòng Luật sư Long Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật GTĐB quy định, trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến TTATGT. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trông giữ xe quá giá quy định, sử dụng vé viết tay hoặc không đưa vé vẫn đang diễn ra khá phổ biến là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. “Việc phân cấp quản lý, cấp phép, xử phạt các điểm trông giữ phương tiện chồng chéo đã khiến các đơn vị liên quan lúng túng trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Hơn nữa, do khoản lợi nhuận khá lớn từ dịch vụ này mang lại nên có không ít tổ chức, cá nhân sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục tồn tại, vi phạm”, LS. Chanh cho biết thêm.

Phải minh bạch dịch vụ trông giữ xe

Kinh doanh trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội lâu nay vẫn được dư luận cho rằng, dễ “hốt bạc”, một “mỏ vàng” mà doanh nghiệp nào cũng muốn “đào”. Chỉ cần xin được giấy phép trông giữ xe, kẻ vạch sơn, căng dây và thu lời. Theo một số chuyên gia, đã đến lúc Hà Nội nên thay đổi mô hình khoán quản trong hoạt động trông giữ xe bằng hình thức đấu thầu, cần xây dựng mô hình mới, hiện đại, minh bạch trong quản lý. Thực tế, khoảng 180 điểm trông giữ xe nhưng số tiền nộp ngân sách chỉ 17-18 tỷ đồng/năm là rất khó được chấp nhận. Với hàng triệu xe ô tô trên địa bàn thành phố, nếu quản lý tốt, ngân sách có thể thu về gấp nhiều lần con số đó.

Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để quản lý, thu được thuế, yêu cầu đầu tiên là phải kiểm soát chặt việc nhân viên xuất vé, đây sẽ như hóa đơn để tính thuế. Bản thân cơ quan chức năng sẽ không đủ sức để kiểm soát được từng vé doanh nghiệp xuất cho khách gửi xe. “Đấu thầu diện tích bãi đỗ xe là hình thức cạnh tranh, khắc phục được chuyện “đi đêm” theo hình thức khoán doanh thu, họ có thể thỏa thuận ngầm với nhau để có mức khoán thấp hơn so với giá trị thực của diện tích bãi đỗ xe đó. Hình thức đấu thầu sẽ rất công khai minh bạch, người gửi xe không bị thua thiệt.

Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, chính quyền cần đấu thầu diện tích đỗ xe theo nguyên tắc giá trong trung tâm cao, ngoại ô giá rẻ hơn, trong đó tính bao gồm cả khi giờ cao điểm giá gửi xe tăng, giờ thấp điểm ít người đỗ giá giảm. Hiện nay, chúng ta chưa quy định giờ cao điểm được phép thu giá vé gửi xe cao hơn so với ngày thường. Đơn cử, vào ngày lễ, Tết khu vực hồ Hoàn Kiếm, nhu cầu gửi xe cao thì giá phải tăng theo vì đây là nguyên tắc thị trường.

“Để làm được việc này, điều quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch, phải được công bố giá gửi xe trên website của thành phố để người dân biết trước. Thậm chí, là cả các yếu tố như chi phí đầu vào, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp quản lý bãi đỗ xe cần tính toán song phẳng và minh bạch với dân. Điều quan trọng nữa, do đây là tài nguyên công nên phải quản lý được thuế và doanh nghiệp nộp thuế bao nhiêu cũng cần phải được công khai. Người dân bức xúc vì giá gửi xe cao, trong khi đơn vị trông giữ xe nộp thuế rất thấp. Để minh bạch hóa hoạt động cung cấp dịch vụ trông giữ xe, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước, xu hướng tất yếu là phải ứng dụng công nghệ”, ông Hùng khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.