Bị cáo Ngô Thị Ngân nói lời sau cuối: "bị cáo chỉ là cháu dâu thôi chứ không có họ hàng gì với bà Phấn cả... xin HĐXX giảm tội" |
Trợ thủ của bà Hứa Thị Phấn: Khóc lóc nhận tội, xin lỗi các cơ quan tố tụng
Sáng 30/10 vụ đại án liên quan đến bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi) cùng đồng phạm bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái… xảy tại Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) đã khép lại phần tranh luận giữa VKS và các luật sư. Những lời nói cuối cùng nghẹn ngào mang đầy sự hối hận, ăn năn của các bị cáo.
Trong vụ án này, người chịu mức án cao thứ 2 sau bà Phấn là Bùi Thị Kim Loan, kế toán Công ty CP Phú Mỹ kiêm thư ký bà Hứa Thị Phấn. Loan cũng được xác định là cánh tay phải, giúp sức đắc lực cho bà Phấn thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn rút ruột ngân hàng. Tại phiên sơ thẩm, mặc dù hầu hết các bị cáo nhận sự truyền đạt của Loan thực hiện theo chỉ đạo của bà Phấn đã thừa nhận nhưng bị cáo Loan một mực không nhận tội. Tuy nhiên, đến phiên tòa phúc thẩm lần này, đứng trước tòa Loan thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Là người đầu tiên được nói lời sau cuối trong phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Loan nghẹn ngào trong nước mắt thừa nhận: Khi phiên tòa sơ thẩm đưa ra xét xử, là lúc bị cáo vừa sinh con được 2 tuần tuổi, hơn nữa cả hai vợ chồng đều là bị cáo trong vụ án nên tâm trạng lúc này vô cùng hoang mang, bấn loạn.
“Bị cáo gần như không nhận thức được sự việc cũng như không làm chủ được bản thân. Vì thế đã dẫn đến hành động bột phát tại phiên tòa sơ thẩm (ngày đầu xét xử phiên sơ thẩm vụ án này, bị cáo Loan bồng con thơ 2 tuần tuổi đến tòa - PV). Bị cáo vô cùng ăn ăn hối hận. Bị cáo đã làm mất đi cơ hội cho các con và gia đình. Suốt cuộc đời này bị cáo không bao giờ tha thứ cho mình”, bị cáo nghẹn ngào xúc động nói.
Sau nhiều lần chủ tọa nhắc nhở bị cáo bình tĩnh, Loan tiếp tục nói lời sau cuối: “Tại phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo gửi lời xin lỗi đến các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, bị cáo chân thành cảm ơn sự đánh giá của đại diện VKS đã áp dụng hình thức giảm nhẹ tội cho bị cáo. Nhưng bị cáo cũng xin HĐXX và VKS giảm nhẹ một phần tội cho bị cáo. Mong được xem xét lại hành vi sai phạm của bị cáo, do học thức hạn chế”.
Bị cáo Loan cũng thừa nhận, chỉ là người làm công ăn lương, không họ hàng thân thuộc gì với bà Phấn, không hưởng lợi gì từ việc này.
“Bị cáo biết sai thì bị xử lý. Nhưng mức án mấy chục năm tù thì quá nặng nề với bị cáo. Mong HĐXX và VKS thương cho 3 đứa con còn nhỏ của bị cáo. Xin cho bị cáo được hưởng khoan hồng với mức án thấp nhất. Cho bị cáo được hưởng mức án giống như bị cáo Ngô Kim Huệ - người cùng 2 tội danh như bị cáo. Mong giảm nhẹ hình phạt cho chồng bị cáo được hưởng án treo. Xin cứu xét cho gia đình vợ chồng bị cáo”, Loan nói trước tòa.
Tương tự, bị cáo Ngô Thị Ngân thừa nhận hành vi của mình “nhưng là vì vô tình, bị cáo không biết xảy ra sự cố như thế này. Mong HĐXX, VKS xem xét công minh lại giảm nhẹ một phần hình phạt của bị cáo và xem xét số tiền bị cáo phải chịu trách nhiệm là 208 tỷ đồng. Bị cáo chỉ là nhân viên, là cháu dâu thôi chứ không có họ hàng gì với bà Phấn cả. Bị cáo không hưởng lợi lộc gì từ khoản tiền này ngoài đồng lương…
Tại phiên tòa, cựu chủ tịch Trustbank bị cáo Hoàng Văn Toàn thừa nhận: khi điều hành Trustbank với sự áp lực và chỉ đạo của bà chủ NH (bà Phấn). Nhưng ông Toàn cũng thừa nhận mình có cái sai trong việc quản lý NH và mong được xem xét các tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
Sau khi các bị cáo đã có mặt tại tòa nói lời sau cùng, HĐXX cho biết trong phiên tòa này: có bị cáo Ngô Nguyễn Đoan Trang, bị cáo Lâm Hứa Huỳnh Trinh kháng cáo nhưng kháng cáo về mặt dân sự. Nếu hai bị cáo có mặt ở tòa chúng tôi cũng cho nói lời sau cùng theo luật định. Nhưng rất tiếc hai bị cáo tại ngoại không có mặt tại tòa hôm nay nên tự tước đi quyền của mình. Bị cáo Hứa Thị Phấn xét xử vắng mặt nên không thực hiện được quyền nói lời sau cùng.
Cựu CEO VNCB đề nghị khởi tố bà Phấn thêm tội danh khác
Trước đó, ông Phan Thành Mai, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng VNCB không có kháng cáo nhưng xin có ý kiến. Ông Mai đề nghị HĐXX ghi nhận ý kiến của VKS tại phiên sơ thẩm chưa được ghi trong bản án sơ thẩm là hành vi của bà Phấn là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của VNCB khiến NH Nhà nước phải mua lại 0 đồng.
Thiệt hại vụ án này chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng 70 người phải ra tòa. Nếu vụ án này xảy ra năm 2012 và xử trước vụ án Phạm Công Danh, số tiền 3.851 tỷ mà ông Danh đưa vào ngân hàng có đủ cơ sở pháp lý để thu hồi.
"Mặc dù ý kiến của chúng tôi đã được ghi nhận tại sơ thẩm, tuy nhiên, mức độ chưa đúng với thực sự những gì ngày hôm nay tại phiên tòa phúc thẩm VKS đã luận tội. Và điều này cũng đúng trên cơ sở chúng tôi đã trình bày khẳng định rằng bà Phấn đã vi phạm thêm tội nữa: là tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản 3.851 tỷ đồng, kiến nghị khởi tố tại tòa bà Phấn đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản 3.851 tỷ đồng. Mức độ đấy mới xứng đáng với hành vi của bà Hứa Thị Phấn", ông Mai nói.
Liên quan đến ý kiến luật sư về một số sai sót trong hồ sơ, tại phần đối đáp lần 2 với các luật sư, VKS khẳng định: Hồ sơ vụ án trên 60.000 bút lục thì việc có một vài biên bản ghi sai ngày giờ là sai sót không nghiêm trọng, không làm sai lệch nội dung vụ án. Mặt khác, tại phiên tòa cũng đã hỏi các bị cáo và người liên quan đều thừa nhận phạm tội.
Liên quan đến khoản 208 tỷ đồng của bị cáo Ngân mà luật sư đề cập tới, VKS cho rằng bị cáo thừa nhận là người nhận tiền từ NH Nhà nước về giao cho bà Phấn. Tuy nhiên số tiền 208 tỷ không có chứng từ việc thu chi nên mới buộc Ngân bồi thường. Việc quy kết và xử phạt với bị cáo Phấn về hình sự và dân sự là có căn cứ. Một lần nữa VKS đề nghị HĐXX chấp nhận quan điểm của VKS tối cao.
Theo quy tắc VKS chỉ đối đáp tranh luận một lần, vấn đề còn lại là do HĐXX căn cứ vào quy định pháp luật để thi hành án.
Theo HĐXX, lịch dự kiến vụ án xét xử từ 22/10 đến 31/10. Tuy nhiên, do bảo đảm quyền bào chữa của các bị cáo, quyền của luật sư, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bị kéo dài, nên HĐXX quyết định lại sẽ nghị án và tuyên án vào 9h30 ngày 2/11/2018.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận