Người bị đề nghị án tử xin cơ hội được sống
Là người đầu tiên trình bày, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng dành gần 10 phút để giãi bày những tâm tư, nguyện vọng mà ông cảm thấy đau đớn, tủi hổ khi phải nói trước bục dành cho bị cáo trong vụ án.
"Suốt hơn 30 công tác tại Bộ Ngoại giao, tôi luôn cố gắng sống tốt với anh em, đồng nghiệp, đồng chí và luôn nỗ lực, tận tụy phục vụ công tác", ông Tô Anh Dũng nói với ánh mắt rưng rưng như chực khóc. Nhờ những nỗ lực đó, ông có nhiều thành tích và đạt được sự tín nhiệm trong ngành.
Ông Tô Anh Dũng bị đề nghị mức án 12-13 năm tù.
Ông Dũng nói rằng, bản thân chưa bao giờ có khái niệm về chạy chọt, động cơ nào gây khó khăn cho đồng nghiệp, cũng chưa bao giờ trục lợi chính sách khi làm việc. Khi xuất hiện các chuyến bay combo đưa công dân về nước, ông Dũng đã phạm phải sai lầm rất nghiêm trọng.
"Bị cáo vô cùng ăn năn hối hận, nhận thức được sai lầm", cựu Thứ trưởng nói và khẳng định mình không gây khó khăn cho doanh nghiệp. Quá trình điều tra, ngoài khai báo thành khẩn, ông Dũng cho biết đã cùng gia đình khắc phục toàn bộ hậu quả.
Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, người duy nhất bị đề nghị mức án tử hình do nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng) một lần nữa nhận tội khi nói lời sau cùng. Gửi lời xin lỗi đến Bộ Y tế cùng các đơn vị và cá nhân có liên quan, ông Kiên cũng xin lỗi gia đình và người thân.
"Bị cáo không nghĩ rằng mình lại vi phạm đến mức bị đề nghị loại trừ ra khỏi cuộc sống", Kiên nghẹn ngào và mong HĐXX xem xét, đánh giá hoàn cảnh khi xảy ra vụ án trước khi đưa ra hình phạt.
Nói về gia cảnh, Phạm Trung Kiên bật khóc, cho biết mình có hoàn cảnh éo le khi một số người thân mang bệnh, phải điều trị nhiều năm qua. Người này nói khi nhận được tin khởi tố vụ án, bị cáo nhận thức được sai phạm nhưng lúc đó, bản thân mắc Covid-19, Kiên sợ mình phải đi tù nên không đủ nghị lực ra nhận tội.
Sau thời gian đó, Kiên đã khai báo thành khẩn và thừa nhận toàn bộ sai phạm, chủ động khai báo thêm để giúp cơ quan điều tra có thêm căn cứ giải quyết vụ án. Ngoài ra, cựu thư ký Thứ trưởng Y tế cũng cho rằng bị cáo đã tích cực tác động gia đình nộp khắc phục hậu quả.
"Xin HĐXX cho bị cáo có cơ hội được sống, được hưởng hình phạt tù có thời hạn để có ngày trở về", Phạm Trung Kiên mong mỏi.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Đến lượt mình, Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) bày tỏ trong suốt 27 năm công tác, bị cáo luôn vì lợi ích của nhân dân, tập thể lợi ích quốc gia, dân tộc. Theo nữ bị cáo, bản thân chưa bao giờ có tư tưởng vụ lợi, cá nhân trong công cuộc bảo hộ công dân.
"Bị cáo rất chua xót vì mình nhận thức chưa đầy đủ về việc nhận quà, tặng quà, cho nên bị cáo phải đứng trước HĐXX", nữ cựu cục trưởng nói trong nghẹn ngào.
Bày tỏ nỗi ân hận khi vướng sai phạm, bà Lan giải thích đáng lẽ ra, bà không nên gặp đại diện doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không cần liên hệ bị cáo nhưng Cục Lãnh sự vẫn kiến nghị cho họ được phê duyệt chuyến bay.
Tiếp tục trình bày, bà Lan kể gia đình mình rất neo người, bị cáo lại là mẹ đơn thân. Từ khi bà này bị bắt, cả nhà không có ai làm trụ cột.
"Bị cáo biết mình có tội với Nhà nước và nhân dân, mong HĐXX phán xét để bị cáo có cơ hội sớm trở về bên gia đình, về với các con", nữ cựu cục trưởng nói.
Ông Trần Việt Thái, cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia nhận lỗi khi nói lời sau cùng. Ông Thái thừa nhận sai phạm và sẵn sàng khắc phục những hậu quả thiệt hại phát sinh nếu có.
Bị cáo Thái mong HĐXX xem xét, đánh giá động cơ, hoàn cảnh mà ông cho rằng đó là đặc thù của ngành nhưng lại dẫn đến sai phạm của mình, đồng thời mong tòa sơ thẩm giảm nhẹ hình phạt cho cấp dưới và nhiều bị cáo khác.
"Bị cáo công tác trong ngành ngoại giao hơn 25 năm và có nhiều thành tích. Bị cáo xin chịu mọi trách nhiệm", ông Trần Việt Thái bày tỏ.
Hoàng Văn Hưng tiếp tục kêu oan
Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng (cựu trưởng phòng thuộc Cục An ninh điều tra, Bộ Công an) tiếp tục khẳng định mình bị truy tố oan khi nói lời cuối trước lúc tòa nghị án.
Đứng trước tòa, Hưng nói anh ta "sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng của mình" để chứng minh cho quan điểm nêu trên của bị cáo.
Tin rằng cấp sơ thẩm sẽ xem xét, đánh giá vụ án thận trọng, khách quan và đầy đủ, Hoàng Văn Hưng bày tỏ mong muốn HĐXX đưa ra phán quyết chính xác nhất và không oan sai.
Ông Tuấn là một trong những bị cáo được VKS đề nghị lại mức án thấp hơn mức đề nghị cũ.
Cũng trong lời nói sau cùng, cựu thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn (62 tuổi, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội) nói rằng ông rất đau xót khi phải đứng hầu tòa. Ông Tuấn nói bản thân ân hận, ăn năn do lỗi lầm gây ra.
Nhắc lại lý do thương người và tin người, ông Tuấn cho rằng đó là nguyên nhân khiến ông vi phạm pháp luật.
"Với 44 năm công tác, bị cáo luôn cố gắng rèn luyện, cuối cùng lại vấp ngã khi chuẩn bị nghỉ", cựu thiếu tướng công an tiếc nuối.
Sau ít phút trình bày, ông Tuấn chững giọng, nói run run và nhìn nhận những sai phạm của ông đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của lực lượng công an nhân dân. Về phía mình, ông Tuấn mong HĐXX cho bị cáo hưởng mức án nhẹ nhất, phù hợp nhất.
Còn cựu Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng khi nói lời sau cùng, tiếp tục thừa nhận những sai phạm của ông trong vụ án. Bị cáo nói đây là sai lầm làm ảnh hưởng đến quá trình công tác của bản thân, ảnh hưởng đến gia đình và các cơ quan, đơn vị chức năng của Hà Nội.
Gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân, ông Dũng cũng xin lỗi những công dân đến cách ly ở Hà Nội trong đợt dịch bệnh bùng phát. Bị cáo mong muốn HĐXX cho ông ta và những cá nhân khác được hưởng khoan hồng.
Sáng mai (22/7), các bị cáo còn lại tiếp tục trình bày lời nói sau cùng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận