Sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) giả đang khá nhức nhối và được các cơ quan chức năng liên tục phát hiện thời gian qua. Vậy, cách nào để nhận biết GPLX thật hay giả? |
Mới đây nhất, ngày 30/6 vừa qua tại Can Lộc, Hà Tĩnh, lái xe container Phan Thành Hưng (SN 1995) sau khi bị bắt giữ do chống người thi hành công vụ, đã xuất trình GPLX giả mang tên Lưu văn Châu (SN 1991) nhằm che mắt cơ quan chức năng. Đáng nói, việc sử dụng GPLX giả trên diễn ra rất phổ biến, thời gian qua, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện hàng nghìn GPLX giả, chủ yếu là GPLX mẫu mới bằng vật liệu PET.
Việc người điều khiển phương tiện sử dụng GPLX giả gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc xác minh, xử lý. Cùng đó, vì sử dụng GPLX giả nên người điều khiển phương tiện giao thông không nắm rõ các quy định của Luật GTĐB, các quy tắc lái xe an toàn khi phải xử lý tình huống, không thể nhận biết các biển báo hiệu, biển chỉ dẫn... nên nguy cơ gây TNGT cao, là hiểm họa khôn lường đối với người tham gia giao thông. Lực lượng chức năng cũng đang gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra phát hiện và xử lý người sử dụng GPLX giả.
GPLX giả được các đối tượng vi phạm sản xuất tinh vi, quan sát bằng mắt thường rất khó phát hiện giữa GPLX thật và GPLX giả. Do vậy, phải qua nghiên cứu, quan sát, so sánh để tìm ra những điểm khác biệt giữa GPLX thật với GPLX giả. Từ việc tìm tòi, bằng kinh nghiệm thực tiễn, các cơ quan chức năng đã tìm ra quy luật và những điểm khác biệt. Thực tế đã chứng minh điều đó. Những trường hợp GPLX được phát hiện thông qua xử lý vi phạm nghi là GPLX giả, khi được gửi giám định tại cơ quan chức năng (PC54) thì đều có kết luận đó là “GPLX giả”.
Để kịp thời phát hiện GPLX giả, chủ động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm hình sự trong lĩnh vực làm giả GPLX, có nhiều cách nhận biết nhanh cùng với cách tra cứu cụ thể như sau:
Với GPLX bằng vật liệu PET, tem dán hình tròn trên góc phía dưới bên phải của ảnh được scan trên GPLX khi ta nhìn nghiêng sẽ thấy chữ “Đường bộ Việt Nam” lấp lánh trên tem. Nếu là GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp không thấy điều này.
Hơn nữa, một điểm khác cần lưu ý là số thứ tư và số thứ năm của số GPLX trùng với hai số cuối của năm trúng tuyển GPLX. Ví dụ, năm trúng tuyển 1998 thì số GPLX sẽ là 01098234556 hoặc năm trúng tuyển 2014 thì số GPLX sẽ là 01214358956. Nếu số thứ tư và số thứ năm không trùng với hai số cuối của năm trúng tuyển, có thể là GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Để xác định chính xác GPLX đó là do cơ quan có thẩm quyền cấp hay không, bằng điện thoại di động có kết nối 3G - Wifi, smartphone hoặc máy tính cá nhân có kết nối wifi, có thể tiến hành tra cứu trên Google theo các bước sau: Thứ nhất, gõ “Tra cứu GPLX”; Bước hai, vào mục “Trang thông tin Giấy phép lái xe”; Tiếp theo nhìn vào góc trên bên phải của màn hình có ô trống để nhập số GPLX, số seri, loại GPLX rồi nhấp chuột vào “tra cứu” sẽ cho ngay kết quả dữ liệu quản lý thông tin đầy đủ của chủ nhân. Nếu dữ liệu kết quả tra cứu trùng với thông tin trên GPLX cần xác minh thì đó là GPLX do cơ quan có thẩm quyền cấp. Ngược lại, nếu kết quả tra cứu không ra kết quả hoặc không trùng với dữ liệu trên GPLX cần xác minh thì đó là GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp (GPLX giả).
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận