Một phần đất rừng bị chiếm đoạt để xây dựng trên đất rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ |
UBND tỉnh Gia Lai vừa đề nghị cơ quan chuyên ngành chuyển hồ sơ việc mất 2.471 ha đất lâm nghiệp, và có dấu hiệu tham nhũng 2,4 tỉ đồng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (Ban QLRPH) sang cơ quan điều tra thụ lý.
Chiếm đất rừng làm của riêng
Theo kết luận số 06/KL-TTr của cơ quan Thanh tra tỉnh Gia Lai cho biết, năm 2011, Ban QLRPH Bắc Biển Hồ được tỉnh Gia Lai bàn giao quản lý là 9.148,6 ha đất lâm nghiệp. Sau nhiều lần chỉnh lý biến động liên tiếp trong khoảng thời gian từ năm 2011-2016, quỹ đất của Ban QLRPH này hao hụt 2.471 ha. Nguyên nhân số đất hao hụt trên là do người dân và cán bộ Ban QLRPH Bắc Biển Hồ lấn chiếm. Tất cả số đất bị chiếm dụng trái phép đều nằm tại Tiểu khu 389 (xã Diên Phú, TP. Pleiku), cách trung tâm TP. Pleiku chỉ khoảng 4 km.
Trong số 2.471 ha đất bị lấn chiếm, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã phát hiện 15 cán bộ đã chiếm hơn 84.000 m2 số đất để làm trang trại, xây nhà kiên cố. Cụ thể: ông Nguyễn Đức, Trưởng ban, đã lấn chiếm 22.000 m2 đất lâm nghiệp. Trong số này có hơn 16.700 m2 đã được ông Bùi Tiến Dũng, khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP Pleiku (nay Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Pleiku), cấp sổ đỏ vào năm 2012.
Ông Tưởng Tín, nguyên trưởng BQL, cũng lấn chiếm hơn 10.400 m2 đất lâm nghiệp. Ông Tín lý giải diện tích này ông nhận chuyển nhượng từ người khác vào năm 1985 nhưng không cung cấp được giấy tờ liên quan. Đáng chú ý, bà Mai Thị Ngọc Thỏa, nguyên viên chức BQL, đã chiếm hơn 30.000 m2. Sau khi có sổ đỏ, bà Thỏa đã chuyển nhượng số đất trên cho ông Đặng Xuân (Phó trưởng BQL), ông Đặng Văn Cườm (kế toán BQL) và một người khác.
Khai khống để trục lợi
Cũng theo kết luận Thanh tra tỉnh Gia Lai, giai đoạn năm 2012-2016, Ban QLRPH Bắc Biển Hồ tiếp nhận các nguồn vốn về các dịch vụ môi trường rừng hơn 25 tỉ đồng, đã quyết toán được hơn 20 tỉ đồng. Tuy vậy, Ban này đã chi sai nguyên tắc tài chính khi không nhập quỹ với số tiền hơn 3,6 tỉ đồng. Trong đó, hơn 1,2 tỉ đồng bán vườn cây không đưa vào sổ sách, nhập ngân sách; riêng 2,4 tỉ đồng sai phạm có dấu hiệu tham nhũng khi không có chứng từ chứng minh mục đích sử dụng.
Riêng trong năm 2016, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai có hợp đồng với BQL để xây dựng hiện trường diễn tập chữa cháy rừng và cung cấp dịch vụ, hàng hóa liên quan đến công tác PCCC rừng, với số tiền chỉ 123 triệu đồng. Tuy nhiên, cán bộ BQL ký khống và hưởng 10 triệu đồng; còn lại 113 triệu đồng bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Gia Lai), chiếm đoạt; Dù không có diện tích rừng hoặc rừng đã bị cháy nhưng BQL vẫn kê khai khống 548 ha, rồi lập hợp đồng giao khoán quản lý để trục lợi gần 150 triệu đồng. Ngoài ra, BQL chi sai nguyên tắc hơn 336 triệu đồng tiền chế độ công tác phí, hội nghị, hội thảo...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận