Chậm thanh quyết toán, bệnh viện khó khăn
Mới đây, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong năm 2019 - 2021, chi phí khám chữa bệnh thực tế tại bệnh viện trên địa bàn chưa được quỹ BHYT thanh toán là 1.088 tỉ đồng. Riêng tám tháng đầu năm 2022, ước tính phần chi phí chưa được thanh toán này đã vượt 400 tỉ đồng.
Điều này dẫn đến tình trạng mất cân đối thu chi, làm tăng thời gian giải quyết công nợ thuốc, vật tư y tế theo quy định.
Sở Y tế TP.HCM cho rằng quy định thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh năm sau vượt mức năm trước buộc bệnh viện giải trình quá chi tiết, bệnh viện mất rất nhiều thời gian và công sức nhưng có khi không đáp ứng được yêu cầu của BHXH TP.
Sau Covid-19 gia tăng bệnh nhân khám chữa bệnh
Được biết, từ năm 2019, BHXH thực hiện thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo Nghị định 146 (hướng dẫn thi hành Luật BHYT).
Theo đó, ở điều 24 có quy định về tổng mức thanh toán, được xác định dựa vào tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT của năm trước liền kề để tạm ứng cho năm sau.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng, đặc biệt sau dịch Covid-19, đồng nghĩa với chi phí khám chữa bệnh cần thanh toán BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước.
Theo các cơ sở y tế, với phần chi phí phát sinh theo thực tế cơ sở y tế phải thuyết minh, giải trình nhưng BHXH chậm thanh toán, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khám chữa bệnh.
Trước khó khăn của các cơ sở y tế về việc “treo” thanh quyết toán này, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết: “Năm 2021, vượt tổng mức thanh toán là trên 4 nghìn tỷ đồng. Hiện Bộ Y tế đang trình Chính phủ xử lý về việc này. Thẩm quyền giải quyết không thuộc BHXH Việt Nam vì chúng tôi chỉ làm đúng văn bản quy định của Bộ Y tế và Chính phủ”.
Ông Phúc cho biết thêm, năm 2022, TP.HCM có 190 có cơ sở khám chữa bệnh đăng ký khám BHYT nhưng chỉ có 30 cơ sở vượt tổng mức thanh toán. Vượt tổng mức thanh toán có nhiều nguyên nhân, nhưng không thể không xem xét đến việc cơ sở khám chữa bệnh tăng chỉ định, điều trị, trong đó sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, biệt dược gốc…
TP.HCM có tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc cao nhất cả nước 45-50%, trong khi Hà Nội và các địa phương khác trung bình chỉ khoảng 30%...
Đề xuất bãi bỏ quy định “tổng mức thanh toán”
Vướng mắc trong thanh quyết toán nằm ở quy định tổng mức thanh toán trong điều 24, Nghị định 146; đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua khiến số lượng bệnh nhân tăng lên và số bệnh nhân tăng cũng tăng… mất quy luật thông thường.
Trước những tồn tại này, Bộ Y tế cũng đã có dự thảo và Bộ Tư pháp đã thẩm định về việc bãi bỏ điều 24, Nghị định 146, không áp dụng tổng mức thanh toán.
Chia sẻ về vấn đề bày, ông Lê Văn Phúc cho rằng: “Chúng ta phải thực hiện điều 24, bởi nguồn lực luôn hữu hạn, do vậy không thể chi bao nhiêu cũng được, chỉ định thế nào cũng được, phụ thuộc vào bác sĩ. Thực tế giá thuốc chênh nhau nhiều lần, ví như thủy tinh thể có thể xê dịch giá 3-4 triệu đồng, stent cũng từ 30-50 triệu đồng, do vậy cần có hạn mức để thanh toán.
Kể cả các nước rất giàu Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, hay gần nhất là Thái lan, họ cũng phải tính toán kinh phí chi trong khám chữa bệnh… Do vậy cần có quy định về giới hạn chi. Khi chưa áp dụng Nghị định 146, đã xảy ra tình trạng bội chi ở một số địa phương… khiến phải mượn từ quỹ BHXH để chi trả BHYT”.
“Với những vướng mắc của Nghị định 146, chúng tôi cùng với Bộ Y có ý kiến phần xác định yếu tố tăng, giảm để các cơ sở khám chữa bệnh chủ động thực hiện nhưng vẫn đảm bảo định mức thanh toán.
Phần vượt định mức cần phải có giải trình, chứng từ đầy đủ, thuyết mình để BHXH báo cáo Chính phủ để bổ sung nếu chi phí đó là khách quan. Qua đó mới đảm bảo cân đối thu chi của cơ quan BHXH Việt Nam”, ông Phúc cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận