Bóng đá

Nhiều đội bóng châu Âu có thể phá sản nếu mùa giải bị hủy

15/04/2020, 07:10

Nếu bị hủy mùa giải 2019-2020, nhiều CLB châu Âu đối diện với nguy cơ phá sản do nguồn thu rất lớn bị mất.

img
CLB Burnley (áo sẫm) đứng trước nguy cơ phá sản

Mùa giải 2019-2020 của bóng đá châu Âu đang đứng trước nguy cơ bị hủy do tác động của đại dịch Covid-19. Nếu kịch bản này xảy ra, nhiều CLB đối diện với nguy cơ phá sản do nguồn thu rất lớn bị mất.

Nín thở chờ phán quyết vào giữa tháng 5

Giải Vô địch quốc gia Đức (Budesliga) theo chia sẻ của Giám đốc điều hành Christian Seifert sẽ trở lại vào tháng 5. Giải vô địch quốc gia Hà Lan cũng được ấn định thời gian trở lại là 19/6. Tuy nhiên, với động thái mới nhất từ Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), kế hoạch của hai nền bóng đá này khó có thể thực hiện. Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã phát đi thông điệp, các trận đấu chỉ trở lại trong điều kiện an toàn và không có danh hiệu nào quan trọng bằng tính mạng con người.

Thực tế, động thái cẩn trọng của FIFA là không thừa bởi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức khó lường, đặc biệt tại châu Âu. Việc tổ chức các trận đấu trong bối cảnh như vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro. FIFA cũng khuyến cáo, mỗi liên đoàn thành viên nên chờ sự cho phép của Chính phủ trước khi quyết định để trái bóng lăn trở lại.

Trong một diễn biến khác, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đang đau đầu tìm giải pháp cho phần còn lại của mùa giải 2019-2020. Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin nhấn mạnh, bất chấp khó khăn, mùa giải phải được hoàn thành. Người đứng đầu UEFA thậm chí còn tiết lộ, những giải vô địch quốc gia kết thúc sớm mà chưa được UEFA cho phép có thể mất suất dự cúp châu Âu. Mặc dù vậy, bản thân ông Ceferin cũng phải thừa nhận, nếu không thể trở lại vào cuối tháng 6, kết thúc vào tháng 8, mùa giải năm nay có thể đổ vỡ.

Tờ New York Times nhận định, bằng cách này hay cách khác, UEFA vẫn muốn các giải đấu quốc nội và Champions League hay Europa League về đích trọn vẹn. Có thể là phương án thi đấu tập trung, không khán giả. Mặc dù vậy, khi mọi hoạt động của đời sống xã hội vẫn bị đình trệ, bóng đá trở lại là điều không khả thi. “Các đội bóng thậm chí không thể tập luyện vào lúc này trong khi dịch bệnh ở châu Âu chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Trường hợp xấu nhất, thậm chí coronavirus có thể ảnh hưởng tới thể thao nói chung, bóng đá nói riêng sang tận năm 2021”, tờ báo nhận định.

Cũng theo New York Time, nếu mùa giải năm nay vượt qua tháng 8 sẽ ảnh hưởng lớn tới mùa kế tiếp. Các CLB không có sự chuẩn bị cần thiết, bên cạnh đó là những rắc rối về hợp đồng, chuyển nhượng giữa cầu thủ và CLB. FIFA đang nghiên cứu để đưa ra các quy định phù hợp nhưng điều này không hề đơn giản bởi các vướng mắc pháp lý. Vào giữa tháng 5 tới, UEFA sẽ có cuộc nghị sự chính thức để đưa ra kết luận cuối cùng về số phận mùa giải 2019-2020.

Phân tích của New York Times càng có cơ sở khi tờ Al Arabiya dẫn lời chuyên gia y tế Mỹ - Ezekiel Emanuel cho rằng, khó có cuộc sống bình thường trở lại từ nay tới cuối năm 2020 và 2021, bởi thế giới vẫn chưa thể tìm ra vaccine điều trị coronavirus cho đến lúc đó. “Lễ Phục sinh, mùa giải bóng đá mới khởi tranh vào tháng 9 và nhiều sự kiện khác sẽ không thể diễn ra. Nếu mọi thứ lạc quan, coronavirus có thể sẽ được khống chế vào khoảng tháng 7 hoặc tháng 8 năm 2021”, ông Ezekiel Emanuel, người từng làm cố vấn cho chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Hoa Kỳ cho biết.

Những tác động tiêu cực có thể ập đến

Đứng trước tình hình hiện tại, tờ EuroNews đưa ra gợi ý, các giải đấu có thể sử dụng các trận play-off để xác định danh hiệu hoặc đội xuống hạng khi dịch bệnh tạm yên ắng. Phương án này sẽ hạn chế các trận đấu, đảm bảo giải quyết phần còn lại trong một thời gian ngắn. Dẫu vậy, EuroNews cũng cho rằng, rất nhiều đội bóng vẫn tổn thất nặng nề bởi bản quyền truyền hình và bán vé giảm. Ưu điểm duy nhất của phương án trên là khép lại được mùa giải theo kịch bản ít tranh cãi nhất.


Đặt giả thuyết nếu mùa giải 2019-2020 không thể hoàn thành, bóng đá châu Âu sẽ chịu những tác động ra sao? Tờ EuroNews tin rằng, bản thân các giải đấu chắc chắn gặp nhiều khó khăn trong việc phân chia thứ hạng: “Ai sẽ công nhận nhà vô địch? Ai chấp nhận xuống hạng? Thứ hạng khác nhau sẽ ảnh hưởng lớn tới thu nhập của các đội bóng. Đặc biệt, những đội bóng rớt hạng chịu tổn thất lớn nhất. Đó là lý do tại sao West Ham - đội đang ở top cuối Ngoại hạng Anh đề xuất hủy kết quả mùa giải 2019-2020 ngay từ tháng 3.

Ngoài ra, các đội trong nhóm dự cúp châu Âu cũng đem về các khoản thu khổng lồ, vì thế chắc chắn sẽ có xung đột giữa các nhóm CLB trong từng giải đấu. Khi không tìm được tiếng nói chung, mùa giải 2020-2021 cũng sẽ bị đe dọa”.

Liên quan tới vấn đề tài chính, EuroNews cũng cho hay, nếu giải Ngoại hạng Anh kết thúc ở thời điểm hiện tại, họ sẽ mất khoảng 1,3 tỷ euro. Số tiền này gồm tiền bản quyền truyền hình, tiền bán vé và dịch vụ giá trị gia tăng (chiếm tỷ trọng lớn nhất). Trong khi đó, Giải Vô địch quốc gia Tây Ban Nha (La Liga) cũng sẽ bốc hơi khoảng 600 triệu euro, phần lớn liên quan tới bản quyền truyền hình. Câu chuyện tương tự diễn ra ở Serie A (Italia), Ligue 1 (Pháp), Bundesliga (Đức)… Tổng số tiền 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu tổn thất lên tới khoảng 4 tỷ euro.

“75% số đội bóng ở châu Âu và Italia trông chờ vào tiền bản quyền truyền hình. Hủy mùa giải, khoản thu này sẽ bị cắt đứt và có thể tạo nên sụp đổ nghiêm trọng. Ngoại trừ một nhóm các CLB giàu có, sẵn tích lũy, phần còn lại chắc chắn đối diện với bài toán sống còn”, Giám đốc Thể thao CLB Lazio (Serie A) Igli Tare nói trên Goal.

Thậm chí, nhiều CLB nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản. Tờ International khẳng định, có tới 4 đội bóng ở Bundesliga và 9 đội bóng hạng Nhất của Đức sẽ phải giải thể nếu không nhận được sự trợ giúp từ Chính phủ vào tháng 6. Tờ New Straits Times thì tiết lộ, phân nửa trong số các đội bóng chuyên nghiệp của Pháp có thể lâm vào cảnh phá sản nếu mùa giải năm nay bị hủy bỏ.

Chủ tịch Mike Garlick của CLB Burnley (Ngoại hạng Anh) cho hay, đội bóng này sẽ lỗ khoảng 60 triệu euro nếu mùa giải sớm khép lại. Họ sẽ không có tiền trả lương cho cầu thủ và các chi phí thiết yếu. “Khó khăn không phải của riêng chúng tôi mà của rất nhiều CLB khác”, ông Mike Garlick nói.

Nghiêm trọng hơn cả là nhóm các CLB ở hạng thấp. Giám đốc điều hành CLB Dagenham & Redbridge (Giải hạng 5 Anh) Steve Thompson nói: “Gần như tất cả các đội bóng tương tự chúng tôi đều sống dựa vào tiền bán vé và tổ chức sự kiện. Nếu không có bóng đá, chúng tôi không có gì và khó duy trì được trong thời gian dài. Ngân sách hoạt động của chúng tôi chỉ bằng tiền lương 1 mùa của ngôi sao chơi ở Ngoại hạng Anh nhưng thật khó để trông chờ sự trợ giúp từ họ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.