Đầu tháng 10, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cưỡng chế thu hồi đất của hộ dân duy nhất chưa bàn giao để thực hiện thủ tục đầu tư dự án Nam Vĩnh Yên giai đoạn 3 (còn gọi là Doji Land Vĩnh Yên).
Dự án này có diện tích 70,68ha do Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI làm chủ đầu tư.
Doji Land Vĩnh Yên được tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2015, thuộc địa bàn các phường Đồng Tâm, Hội Hợp (thành phố Vĩnh Yên) và xã Đồng Cương (huyện Yên Lạc). Công tác bồi thường được thực hiện từ năm 2017 nhưng vướng mắc tồn tại kéo dài.
Tương tự, dự án Khu đô thị mới DIC Nam Vĩnh Yên (191ha) do Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) làm chủ đầu tư cũng đang hoàn tất các thủ tục để triển khai.
Trong cuộc họp sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh quý III và triển khai công việc quý IV/2023, lãnh đạo DIC cho biết Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu A4. Đây là cơ sở để doanh nghiệp trình hồ sơ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500.
DIC đang tập trung hoàn thiện pháp lý dự án, xác lập rõ quyền của chủ đầu tư dự án được triển khai đúng kế hoạch vào năm 2024.
Ở khu vực phía nam, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Bcons (Tập đoàn Bcons) cũng tổ chức lễ ra quân để chuẩn bị phát triển dự án chung cư tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Dự án gồm khối nhà cao 26 tầng và 2 tầng hầm xây dựng trên khuôn viên 3.820m2, cung cấp cho thị trường 522 căn hộ.
Novaland và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons cũng sẽ tái khởi động xây dựng dự án The Grand Manhattan tại quận 1, sau khi được chính quyền TP.HCM gỡ vướng pháp lý.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian qua, riêng TP Hà Nội và TP.HCM đã có gần 500 dự án được tháo gỡ. Trong đó, Hà Nội đã chỉ đạo, giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu), và đang tiếp tục giải quyết cho 293 dự án.
Còn TP.HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu).
Chia sẻ với Báo Giao thông, lãnh đạo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), cho biết hiệp hội đã khảo sát hơn 500 doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy 43% doanh nghiệp cho rằng cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đã có tác động tích cực, rất tích cực tới nguồn cung bất động sản.
Trước những diễn biến của thị trường, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhìn nhận từ quý III năm nay đến hai quý đầu năm 2024, các điểm sáng tích cực sẽ ngày càng nhiều hơn, rõ ràng hơn. Trong đó, dấu hiệu tích cực nhất của thị trường sẽ thuộc về nhà ở xã hội và bất động sản công nghiệp.
Sang quý II, quý III/2024, mức độ phục hồi sẽ cao hơn. Nhà ở xã hội và bất động sản công nghiệp tiếp tục chiếm ưu thế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận