Chiều nay (5/2), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đã tiếp và làm việc với bà Kathy Whimp, Giám đốc điều hành hoạt động dự án tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB).
Cảm ơn Thứ trưởng dành thời gian tiếp đoàn, bà Kathy Whimp cho biết, vừa qua đoàn công tác của WB đã tiến hành khảo sát các dự án đường sắt đang chuẩn bị đầu tư mà phía WB quan tâm tài trợ vốn, đánh giá mức độ sẵn sàng của các dự án và khả năng hỗ trợ tài chính.
Cũng theo bà Kathy Whimp, dự kiến giữa tháng 3/2024 tới đây, Chủ tịch WB sẽ cùng Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) thăm Hà Nội.
Một phương án đang được xem xét là công bố cam kết của hai ngân hàng trong việc hỗ trợ phát triển ngành đường sắt Việt Nam, bao gồm đồng tài trợ cho một hoặc hai dự án.
"Giám đốc Cơ sở hạ tầng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB sẽ đến Hà Nội vào trung tuần tháng 2 để thảo luận thêm vấn đề này.
Vì vậy, phía WB mong muốn được trao đổi với Bộ GTVT để làm rõ thông tin về các dự án đường sắt: Dự án đường sắt vành đai phía Đông TP Hà Nội; Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ; Dự án an toàn giao thông đường sắt", đại diện WB chia sẻ.
Tại buổi làm việc, phía WB đề nghị làm rõ khả năng ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị 4 dự án đường sắt nêu trên khi Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được xem xét, điều chỉnh, các quy hoạch khu vực, chi tiết đang được nghiên cứu xây dựng.
"Việt Nam cũng cần thực hiện một số cải cách về quản lý dự án ODA để chuẩn bị các dự án ODA một cách hiệu quả, nhanh chóng như: bỏ quy trình đề xuất dự án đối với các dự án đang sử dụng vốn trong nước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-Fs), sau đó chuyển sang dự án ODA; Tăng mức trần các dự án do Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; Cho phép sử dụng vốn vay ODA cho các hoạt động nghiên cứu và tăng cường thể chế, một số thiết bị.
Bên cạnh đó là điều hòa những khác biệt giữa chính sách của WB và luật pháp Việt Nam, đặc biệt là vấn đề chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư", đại diện WB đề nghị.
Các thành viên đoàn công tác WB cũng nêu một số vấn đề kĩ thuật cần làm rõ với các dự án cụ thể như: Thiết kế đảm bảo khả năng tiếp cận người tham gia giao thông phi cơ giới (người đi bộ...) với dự án an toàn giao thông đường sắt; Hình thức đầu tư dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Với dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đoàn công tác của WB đề nghị làm rõ kế hoạch đầu tư theo từng giai đoạn...
Đồng quan điểm với một số đánh giá, nhận định của WB, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy khẳng định, 4 dự án Bộ GTVT đề xuất WB tài trợ vốn ODA đã được quy hoạch.
Việc điều chỉnh quy hoạch không ảnh hưởng đến kế hoạch tiến độ các dự án.
Về các đề xuất, khuyến nghị của WB với từng dự án, lãnh đạo Bộ GTVT giao các đơn vị nghiên cứu kĩ lưỡng.
"Ban QLDA Đường sắt, Ban QLDA 2 lập kế hoạch tiến độ, thời gian triển khai cụ thể từng dự án theo hướng tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành.
Trong trường hợp nếu có các chính sách cải thiện sẽ rút ngắn được bao nhiêu thời gian cũng cần được làm rõ để có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền", Thứ trưởng Huy yêu cầu, đồng thời khẳng định, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với phía WB để có thể triển khai các bước tiếp theo, thúc đẩy tiến trình hợp tác các dự án đường sắt.
"Bộ GTVT mong muốn phía WB cung cấp gói hỗ trợ kĩ thuật để đánh giá các Pre-Fs bốn dự án đường sắt đã đề cập", Thứ trưởng Huy đề nghị.
Kết thúc cuộc làm việc, hai bên thống nhất duy trì trao đổi thông tin, họp thường xuyên để thống nhất được các nội dung, đảm bảo có thể hiện thực hóa hợp tác các dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận