Công tác GPMB diện tích còn lại của một số dự án còn chậm, nhất là tại các địa phương: Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu trong Thông báo kết luận số 271/TB-VPCP của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 12 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Phản ánh về khó khăn liên quan đến mặt bằng, đại diện một nhà thầu thi công dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang cho biết, dự án có chiều dài khoảng 77km được chia thành 6 gói thầu xây lắp (từ gói XL19 đến XL24).
Trong đó, gói thầu XL24 thi công 22 cây cầu với tổng trị giá khoảng 736 tỷ đồng, công địa thi công trải dài 77km trên toàn tuyến.
Khởi công từ tháng 10/2023, đến nay, nhà thầu mới chỉ được bàn giao 50% mặt bằng so với yêu cầu, đường công vụ tiếp cận khó khăn.
Riêng công trình cầu Hàm Yên - hạng mục quan trọng nhất của toàn dự án, là cây cầu lớn nhất với chiều dài 343m dù đã được địa phương bàn giao một phần mặt bằng nhưng mặt bằng lại "xôi đỗ". Nhà thầu đã sẵn sàng nhân sự, máy móc thiết bị, song, việc tổ chức thi công gặp nhiều trở ngại.
Một dự án khác là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài gần 54km, trong đó, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai là hơn 34km.
Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026. Mặc dù vậy, báo cáo đến nay, công tác GPMB đối với đoạn qua địa bàn TP Biên Hòa mới bàn giao cho chủ đầu tư gần 20ha trên tổng số gần 60ha toàn dự án, đạt hơn 33% tổng diện tích.
Đoạn qua địa bàn huyện Long Thành, địa phương đã bàn giao khoảng 56ha trên tổng diện tích đất cần thu hồi gần 230ha.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, phát động phong trào thi đua GPMB, tuy nhiên, mục tiêu của địa phương bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trước ngày 30/6 đã không thể hoàn thành.
Là một trong những dự án cao tốc lớn đang được triển khai ở "miền ngược", dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 cũng đang gặp không ít vướng mắc về mặt bằng thi công.
Theo thiết kế được duyệt, dự án có tổng chiều dài hơn 93km đi qua 2 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng.
Phục vụ mục tiêu đẩy nhanh tiến độ dự án ngay từ giai đoạn đầu, công tác GPMB tại Cao Bằng hiện đạt 35,36/41,55km, tương đương 85% đáp ứng tiến độ triển khai thi công.
Đối nghịch với những tín hiệu tích cực ở Cao Bằng, phạm vi dự án đi qua tỉnh Lạng Sơn mới được bàn giao hơn 7km trên tổng chiều dài gần 52km, tương đương 13%.
Cũng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tại dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 60km khởi công từ ngày 21/4/2024, đến nay, mặt bằng được bàn giao có thể tiếp cận thi công là 5,6/60km.
Thúc đẩy tiến độ GPMB, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền và vận động người dân có đất bị thu hồi, tổ chức phát động phong trào thi đua trong 5 huyện, thành phố có 2 tuyến cao tốc đi qua là Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định và TP Lạng Sơn.
Địa phương này đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ GPMB, thống nhất chủ trương phê duyệt phương án tạm thời để chi trả cho người dân, đẩy nhanh thủ tục tiểu dự án GPMB, nỗ lực để hoàn thành công tác GPMB.
Đặc biệt quan tâm đến công tác GPMB các dự án giao thông lớn, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã liên tục có chỉ đạo, đề nghị các địa phương có dự án đi qua bám sát các mốc tiến độ, đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB để hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, 2 dự án đường vành đai và 3 dự án cao tốc trục Đông - Tây…
Các địa phương cũng được yêu cầu tăng cường làm việc trực tiếp với người dân, thực hiện công tác dân vận để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các quy định của pháp luật để giải quyết các khiếu nại, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân; Phối hợp với các chủ đầu tư để ưu tiên GPMB tại các vị trí quyết định tiến độ dự án như: Khu vực xử lý nền đất yếu, công trình cầu, hầm lớn, khu vực đường tiếp cận thi công.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận