Sau thời gian giãn cách xã hội, để bù lại thời gian bị tạm ngưng do ảnh hưởng dịch Covid-19, hàng loạt dự án trọng điểm trên địa bàn TP.HCM tăng tốc để đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó, các đơn vị liên quan cũng tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn nhằm đưa các dự án về đích.
Nhộn nhịp công trường thi công
Vào những ngày cuối tháng 11, tại công trường xây dựng mới cầu Bưng (nối quận Tân Phú và quận Bình Tân), công trình đã hiện rõ hình hài của một nhánh cầu. Nhánh cầu bên quận Bình Tân đã hoàn thành tráng nhựa, còn nhánh bên quận Tân Phú nhiều công nhân và máy móc đang tập trung thi công.
Công trường dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh vẫn thi công thời gian giãn cách xã hội. Ảnh Đỗ Loan
Không khí làm việc hối hả trong điều kiện an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng được ghi nhận tại công trường mở rộng, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9, huyện Hóc Môn).
Theo quan sát của PV, hai bên đường đã được lắp đặt cống thoát nước, bó vỉa hè. Nhân công chia theo từng nhóm thi công, nhóm đổ bê tông bó vỉa cho đoạn đường trải nhựa, nhóm khác lu đường và lắp đặt cống thoát nước…
Tương tự, tại dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) cũng sôi nổi không kém. Phía nhánh hầm hướng quận 7 sang huyện Bình Chánh công nhân thi công các hạng mục bê tông, tường đốt hầm… còn máy móc vận hành liên tục.
Bên cạnh đó, các dự án cầu cũng được tăng tốc thi công trở lại như cầu Mỹ Thủy 3 (TP Thủ Đức), cầu Hang Ngoài (quận Gò Vấp)…
Tháo gỡ khó khăn về lao động, mặt bằng
Máy móc được huy động tối đa để đảm bảo công suất, đẩy nhanh tiến độ dự án. Ảnh: Đỗ Loan
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện nay các dự án giao thông trọng điểm có vướng mắc chính là công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, để đảm bảo các tiêu chí cho phép công trình thi công trở lại thì việc huy động lao động, mua và vận chuyển nguyên vật liệu cũng được ngành Giao thông đặc biệt quan tâm.
Theo ông Bằng, để bù lại tiến độ các dự án đang triển khai chậm thì cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng dự án và di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Điều này được thực hiện thông qua các cuộc họp giao ban thường xuyên, định kỳ với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.
Ví dụ như hiện dự án mở rộng, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn) ngoài vướng mặt bằng thì công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần thúc đẩy nhanh từ nay đến giữa năm 2022. Còn công trình nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ cũng đang tập trung tháo gỡ các khó khăn trong công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM cho biết, để đẩy nhanh tiến độ cũng như đạt được những mục tiêu đề ra, Ban giao thông đã đưa ra những giải pháp trong thời gian này.
Thứ nhất là tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành đưa lao động về TP.HCM để đủ nguồn lao động cho các dự án. Thứ hai là dự trữ suất tiêm vaccine cho công nhân, phối hợp các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Cuối cùng, Ban giao thông duy trì họp giao ban hai tuần/lần với lãnh đạo TP để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh khi thi công lại các dự án trọng điểm.
Cũng theo ông Phúc, từ thời điểm nới lỏng giãn cách đến nay, có 45 công trường chính thức thi công trở lại với khoảng 850 công nhân, giám sát, kỹ sư, đạt khoảng 60 - 80% yêu cầu lao động. 45 công trình thi công trở lại đều là những công trình trọng điểm, góp phần tăng năng lực giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho TP.
Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM đặt mục tiêu trước Tết Nguyên đán này phải hoàn thành 11 gói thầu. Điển hình như dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen; nhánh 1 dự án xây dựng mới cầu Bưng và sửa chữa, nâng cấp đường tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh).
Gói thầu cầu vượt số 3 dự án xây dựng cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới; gói thầu XL1, XL2 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; cầu Hang Ngoài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận