Trước đợt đại dịch lớn chưa từng có từ Thế chiến II, các hãng hàng không Mỹ đứng trước nguy cơ cạn kiệt tiền mặt, không thể cầm cự nếu không quyết định thỏa thuận nhận trợ cấp của chính phủ dù việc này cũng không dễ dàng gì. Đây là thông tin đáng chú ý nhất được trích từ báo cáo của công ty dịch vụ tài chính Raymond James.
Chỉ có thể cầm cự khoảng 8 tháng
Theo báo cáo tài chính được Raymond James công bố ngay đầu tháng 4, trung bình, ngành hàng không Mỹ chỉ đủ tiền mặt để trang trải các khoản cần thiết trong trung bình 7,9 tháng. Cụ thể, phân tích của công ty Mỹ chỉ ra, American Airlines - hãng bay đang vướng nợ nhiều nhất, chỉ đủ tiền để trang trải cho khoảng 4,8 tháng. Trong khi đó, hãng SkyWest Airlines còn đủ tiền mặt để chi tiêu trong gần 1 năm.
Ước tính trên chưa bao gồm số tiền hỗ trợ từ Đạo luật Hỗ trợ, cứu trợ và An ninh Kinh tế vì dịch Corona (CARES) mà ít nhất 8 hãng hàng không đã nộp đơn xin được hưởng vào ngày 3/4 vừa qua.
Các nhà phân tích từ Raymond James khẳng định, nhờ khoản trợ cấp đó, các hãng bay sẽ hạn chế được một nửa nhu cầu phải dùng tới tiền mặt. Như vậy, về lý thuyết, các công ty hàng không ở Hoa Kỳ có thể cầm cự thêm gấp đôi thời gian so với khi không được trợ cấp - tức là ở mức 16 tháng.
Dù vậy, trong bối cảnh khó khăn mà ngành hàng không thế giới đang phải đối mặt như hiện nay, các hãng hàng không Mỹ vẫn được nhận định nắm trong tay lợi thế về vốn hơn nhiều so với các hãng khác.
Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) ước tính, trung bình các hãng bay trên toàn thế giới chỉ đủ tiền mặt để cầm cự thêm trong 3 tháng. Tổ chức này cảnh báo, khoảng một nửa các hãng hàng không sẽ sụp đổ hoặc sáp nhập lại nếu không có sự hậu thuẫn từ chính phủ. “Ở thời điểm này, việc cân bằng các khoản chi tiêu là cực kỳ quan trọng quyết định sự sống sót của các hãng hàng không”, nhà kinh tế trưởng của IATA Brian Pearce cho biết trong một cuộc họp báo.
Mức độ thanh khoản kém - nói cách khác là thiếu tiền mặt - chính là nhân tố quyết định khiến nhiều hãng hàng không sụp đổ trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, các hãng Thomas Cook và WOW air vừa phá sản năm 2019, hãng hàng không khu vực Ravn Air Group tại Alaska phải dừng bay và nộp đơn phá sản vì không thể đảm bảo các khoản chi tiêu vận hành cần thiết. Đây cũng là lý do tại sao nhiều hãng hàng không chỉ phát hành phiếu chứng nhận giá trị chuyến bay bị hủy chứ không bồi thường tiền mặt cho khách dù điều này khiến rất nhiều người tiêu dùng khó chịu. Mục đích của động thái này là để giữ lại càng nhiều tiền mặt càng tốt.
Các hãng xoay xở vốn thế nào?
Kể cả có nguồn vốn tốt và có thể tiếp cận nguồn hỗ trợ từ CARES trong tương lai, các hãng hàng không Mỹ cũng không thể chủ quan, phóng tay chi tiêu.
Mới đây, American Airlines đã phải quyết định trả phần lớn tiền máy bay mới dự kiến giao trong vài năm bằng hình thức nợ. Như vậy, tính đến cuối tháng 12, hãng phải gánh 21,5 tỷ USD nợ dài hạn.
Song, cả hai công ty dịch vụ tài chính là J.P. Morgan và Raymond James đều lưu ý trong các báo cáo của họ rằng, các hãng hàng không Mỹ kể cả American Airlines vẫn chưa khai thác hết mọi nguồn tín dụng tiềm năng. Nhiều hãng có tài sản như máy bay có thể sử dụng làm thế chấp để vay thêm.
Có lẽ các hãng sẽ để dành lựa chọn đó cho tình huống dịch bệnh kéo dài hơn nữa cũng như hồi phục sau các tác động nghiêm trọng trong trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm. Giới phân tích ước tính, sau khi dịch bệnh qua đi, ngành hàng không cũng chưa thể quay trở lại hoạt động như trước khi có dịch.
Một số chuyên gia từ Wall Street cho rằng, có thể phải tới năm 2021, số lượng hành khách mới tăng trở lại bằng 4/5 lượng khách năm 2019. Khi đó, các hãng hàng không sẽ phải co hẹp quy mô trên mọi phương diện từ tuyến bay cho đến dàn phương tiện và lực lượng lao động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận