Kỳ vọng vào thị trường Mỹ, Trung Quốc
Là một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực, dệt may đã có những đơn hàng cho quý I/2024. Với hợp đồng đủ để chạy toàn công suất, Công ty May 10 đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 4.500 tỷ đồng, vượt 6,6% so với năm 2023.
Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cũng đạt khoảng 90% kế hoạch, còn Công ty CP Sợi Phú Bài đã có đủ đơn hàng hết tháng 1/2024 để chạy đủ công suất của 3 nhà máy.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thị trường dệt may dự kiến sẽ cải thiện hơn năm 2023, do tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu lớn đang có dấu hiệu phục hồi. Toàn ngành dự kiến tăng trưởng mức 6% năm 2024, với kim ngạch khoảng 44 tỷ USD (năm 2023 là 40,3 tỷ USD).
Xuất khẩu rau quả - mặt hàng tăng trưởng dương duy nhất trong năm 2023 cũng được kỳ vọng tiếp tục tăng tốc. Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 đạt kỷ lục 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2022, vượt xa mục tiêu đặt ra trước đó của Bộ NN&PTNT là năm 2024 sẽ đạt 4,5 tỷ USD và đến năm 2025 là 5 tỷ USD. Các doanh nghiệp cho biết việc thị trường Mỹ phục hồi đang đem lại triển vọng sáng hơn.
Tiên phong xuất khẩu trái cây tươi vào Mỹ và là chủ doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch bán nông sản vào nước này, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group cho hay, Mỹ là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc). Trong đó, riêng Vina T&T Group năm ngoái đóng góp 73 triệu USD, gần 60% thị phần xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Mỹ.
Theo ông Tùng, mối quan hệ hợp tác vừa được nâng tầm giữa Việt Nam – Mỹ đang được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt tăng tốc ở thị trường Mỹ.
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, cũng nhận định, năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sẽ đặt hy vọng vào hai thị trường là Mỹ, Trung Quốc. Việc thúc đẩy hợp tác với Mỹ thời gian qua đã giúp cánh cửa vào thị trường Hoa Kỳ của hàng hóa Việt Nam được mở rộng hơn.
Còn với Trung Quốc, từ khi nước này mở cửa sau thời gian dài đóng băng vì Covid-19, xuất khẩu Việt Nam đã tăng tốc. Nhất là sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, các cơ hội cũng ngày càng mở rộng hơn.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, điểm sáng xuất khẩu trong năm 2023 là nhờ khai thông hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc Trung Quốc trở thành thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,4% là tiền để để phát triển thêm số lượng đơn hàng, nâng kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.
Sản xuất xanh là mệnh lệnh
Bước sang 2024, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước…
Nhìn vào những thay đổi của thị trường, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, là mệnh lệnh của thị trường.
"Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp", đại diện Tổng cục Thống kê nói và cho hay, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải vượt qua bài toán này trong sản xuất, với nhiều tiêu chí liên quan đến xử lý chất thải phát sinh, tiết kiệm năng lượng...
Ngoài ra, vấn đề hàng tồn kho tại nhiều quốc gia cũng đang dần được khắc phục, mang đến tín hiệu tích cực cho năm 2024. Theo Tổng cục Thống kê, xuất, nhập khẩu năm nay có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng, tuy nhiên phụ thuộc vào việc nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…
Trước những đòi hỏi mới, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho rằng, để duy trì tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường này, công tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được triển khai theo hướng cụ thể và sâu sát theo từng thị trường và ngành hàng.
Cùng với đó là khắc phục những hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như thông tin thị trường, khả năng tự chủ nguyên phụ liệu, năng lực sản xuất để đảm bảo yêu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu… Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần huy động hệ thống chuyên gia để huấn luyện và phổ biến về các tiêu chuẩn, quy định mới của thị trường xuất khẩu.
Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các hiệp định FTA, hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng như UAE, MERCOSUR... để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Một trong những hoạt động đó là Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau, quả khác của Việt Nam…
Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước (năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD). Trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam gồm Mỹ, với tổng kim ngạch 96,8 tỷ USD; Trung Quốc: 61,7 tỷ USD; EU: 44,1 tỷ USD; ASEAN: 32,7 tỷ USD; Nhật Bản: 23,5 tỷ USD…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận