Kinh tế

Nhiều nghề ăn theo trông chờ bất động sản phục hồi

06/01/2023, 09:26

Theo thống kê, bất động sản ảnh hưởng tới 40 ngành, lĩnh vực khác. Do đó, khi bất động sản khó khăn, kéo theo nhiều lĩnh vực khác "tụt dốc".

Bất động sản tác động nhiều thị trường liên quan

Năm trước, khi bất động sản "vào mùa", giá thép tăng chóng mặt. Đến khoảng hết quý I/2021, thị trường thép xây dựng đã có 4 lần tăng giá liên tiếp. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, so với đầu tháng 12/2020, giá thép lúc đó cao nhất trong 5 năm qua. Giá dao động ở mức 15,580 – 16,600 triệu đồng/tấn.

img

Nhiều mã chứng khoán bất động sản "tụt dốc" (ảnh minh hoạ)

Thì nay, thị trường bất động sảm ảm đạm, thị trường thép cũng theo đó mà "đi lùi", cơ hội phục hồi chưa rõ ràng.

Theo báo cáo được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thành phẩm tháng 11/2022 đạt 1,825 triệu tấn, giảm 10,78% so với tháng 10/2022 và giảm 36,8% so với cùng kỳ 2021. Tiêu thụ thép các loại đạt 1,942 triệu tấn, tăng 2,87% so với tháng trước nhưng giảm 16,2% so với cùng kỳ.

Tính chung 11 tháng năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 27,12 triệu tấn, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 25,1 triệu tấn, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Tương tự với thị trường chứng khoán, kết thúc năm 2022, một năm đầy biến động, chỉ số VN-Index đã giảm 33%. Nếu tính từ phiên đỉnh cao lịch sử (phiên 6-1, đỉnh 1.528,57 điểm), chỉ số trên đã bị giảm gần 522 điểm (-52%).

Riêng bất động sản là tâm điểm trong tuần giao dịch vừa qua với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng 29,87% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp. Ngoài ra, chỉ số cổ phiếu bất động sản cũng tăng 4,11% trong tuần. Điều này cho thấy nhóm này tiếp tục có cầu vào mạnh. Tuy nhiều mã phục hồi tốt, song nhóm bất động sản vẫn nằm trong top các mã giảm điểm 1 năm qua.

Ngoài ra còn nhiều ngành nghề khác như nội thất, sản xuất đồ tiêu dùng, điện tử... bởi dễ dàng nhận thấy, một ngôi nhà hoàn thiện, khi đưa vào sử dụng sẽ kéo theo nhu cầu về một không gian sống đầy đủ tiện nghi. Khi đó những vật dụng cần thiết như: đồ nội thất (tủ, giường, bàn ghế…); đồ điện gia dụng (tivi, tủ lạnh, máy giặt…); camera, thiết bị an ninh; bồn chứa nước, máy nước nóng năng lượng mặt trời; bếp, vật dụng bếp; đồ trang trí cũng như rất nhiều thứ khác cần hiện diện để đảm bảo cuộc sống cơ bản cho người dân.

Chính vì thế trong bối cảnh hiện tại, khi thị trường BĐS đang gặp không ít khó khăn, thì nhiều ngành sản xuất, dịch vụ liên quan cũng đối mặt nhiều sự sụt giảm.

Thấp thỏm nỗi lo bất động sản ngưng trệ

Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM Lê Viết Hải cho rằng, ngành bất động sản có liên quan đến hệ sinh thái của ngành xây dựng như: Vật liệu, quản lý dự án, vận chuyển, bảo hiểm… Vì vậy bất động sản ngưng trệ, các doanh nghiệp xây dựng sẽ bị ảnh hưởng.

Vị này cho biết: “Năm 2021, tổng sản lượng ngành xây dựng đạt khoảng 82 tỷ USD đã đóng góp tỷ trọng không nhỏ cho nền kinh tế, nếu ngành xây dựng phát triển, đương nhiên kéo theo các ngành khác trong hệ sinh thái phát triển. Ngược lại, xây dựng gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế. Bởi không có công ăn việc làm cho lực lượng ngành này chắc chắn là tác động xấu đến xã hội, mà lực lượng lao động đó rất lớn”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nêu: “Doanh nghiệp bất động sản bán được hàng, chắc chắn ngành cung cấp đầu vào cho việc phát triển nhà ở cũng kích hoạt. Ví dụ như: vật liệu, xi măng, gạch đá, cát sỏi, sắt thép, thiết bị máy móc, thì sau đó công trường, nhà máy lại được sản xuất. Nhưng thực tế hiện nay, một số nhà máy đang phải dừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng do không có thị trường, hoạt động thị trường yếu, công nhân nghỉ việc… dẫn đến nguy cơ phá sản rất cao”.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) chia sẻ, quả thực, ở những năm bất động sản hưng thịnh, nền kinh tế cũng được hưởng lợi lớn.

Năm 2016 - thời điểm bất động sản phục hồi mạnh, Bộ Tài chính thu 171.000 tỉ đồng thuế, phí liên quan đến tài sản, trong đó có khoảng 148.000 tỉ đồng liên quan đến nhà, đất, cao nhất trong vòng 5 năm. Doanh số khả quan trên thị trường bất động sản thời điểm ấy cũng khiến ngành thép, ximăng, gạch xây dựng, nội thất, xây dựng… “được nhờ”.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam hoạt động sản xuất các loại thép xây dựng, ống thép, tôn mạ, thép cán nguội… tăng trưởng mạnh nhờ bất động sản.

Quay trở lại với tình hình hiện tại, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có, biểu hiện qua việc dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới... Điều này tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế.

Với những chính sách tháo gỡ điểm nghẽn của thị trường bất động sản vừa qua của Chính Phủ như: Thành lập tổ công tác rà soát dự án, ban hành các công điện về bất động sản, chứng khoán.... ông Nguyễn Văn Đính đặt hy vọng, nó sẽ tạo ra những thay đổi căn bản để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.