Thế giới giao thông

Nhiều nước lo đèn laze uy hiếp an toàn bay

30/08/2016, 06:05
image

Không riêng ở Việt Nam, nạn chiếu đèn laze vào buồng lái máy bay đang trở nên đáng báo động trên toàn thế giới.

Việc vô tình chiếu tia laze cường độ ca

Việc vô tình chiếu tia laze cường độ cao vào phi công có thể uy hiếp an toàn bay

Không riêng ở Việt Nam, nạn chiếu đèn laze vào buồng lái máy bay đang trở nên đáng báo động ở nhiều nước trên thế giới. Tại sao hành vi tưởng chừng vô hại, vô ý lại khiến nhiều nước phát triển trên thế giới như Anh và Mỹ “lo sốt vó”.

Gây mù, uy hiếp an toàn bay

Khi những thiết bị laze được bán tràn lan và có thể mua bán dễ dàng, nạn chiếu tia laze vào buồng lái máy bay tăng mạnh trong nhiều năm trở lại đây, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và an toàn bay. Khoảng đầu tháng 2 năm nay, chuyến bay mang số hiệu VS025 tới New York (Mỹ) của Hãng hàng không Virgin Atlantic buộc phải quay đầu về Sân bay Heathrow vì bị tia laze từ mặt đất chiếu vào buồng lái. Trước khi hạ cánh, trao đổi với nhân viên kiểm soát không lưu, đội bay cho biết, một phi công gặp vấn đề về sức khoẻ do bị tia laze chiếu. Hãng Virgin xác nhận, lúc đó máy bay chở 252 hành khách cùng 15 thành viên phi hành đoàn, theo News.sky.

Để bảo vệ tính mạng của hàng trăm người, đội bay quyết định thực hiện biện pháp an toàn, quay đầu máy bay. Dù chuyến bay được hạ cánh an toàn nhưng hành khách phải đợi tới trưa hôm sau mới tiếp tục hành trình, mất thời gian và lỡ nhiều kế hoạch cá nhân. Anh Bethany McHutchinson, hành khách trên chuyến bay này ái ngại: “Dù hành động chiếu đèn laze là vô ý hay cố tình thì cũng vô cùng nguy hiểm. Nó đặt mạng sống của hàng trăm con người trên máy bay vào vòng nguy hiểm”.

Tổng thư ký Hiệp hội Phi công Hàng không Anh (BALPA) cho biết: “Đây không phải là sự việc hiếm có. Tỉ lệ vụ việc máy bay bị ánh đèn laze tấn công đang ở mức đáng báo động, với cường độ của đèn laze mạnh hơn bao giờ hết. Hành động này vô cùng nguy hiểm”.

Cơ quan Hàng không dân dụng Anh (CAA) ước tính, trong 6 tháng đầu năm 2015, Anh xảy ra 414 vụ chiếu laze; Còn từ năm 2009 đến tháng 6/2015 xảy ra hơn 8.998 vụ. Người phát ngôn Cơ quan Hàng không Dân dụng cho biết: “Chiếu đèn laze vào máy bay tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng và hành vi này bị khép vào tội hình sự”.

Không riêng tại Anh, vài năm gần đây, hàng không Mỹ cũng đau đầu tương tự. Thống kê từ Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), năm 2015, xảy ra 3.894 vụ chiếu đèn laze vào máy bay. Tính đến nửa đầu năm nay, phi công Mỹ phải đối mặt với hơn 2.750 vụ.

Bỏng mắt vì tia laze

Ông Patrick Murphy, chuyên gia độc lập về vấn đề an toàn tia laze đang điều hành trang web LaserPointerSafety.com cho biết, nhiều khi người dân không hiểu hành động mình đang làm là nguy hiểm. Có người từng nói: “Ôi, nó chỉ là đốm sáng nhỏ khi tôi chơi cùng với mèo thôi mà. Liệu có nghiêm trọng đến vậy?”. Hay có người cho rằng: “Loại đèn này cùng lắm là chiếu xa được 90 - 100m, làm sao mà xuyên tới máy bay”. Nhưng theo chuyên gia Murphy: “Họ đã nhầm. Nếu chiếu gần khu vực sân bay, nó hoàn toàn có thể gây nguy hiểm như lúc máy bay đang chạy trên đường băng, chuẩn bị cất cánh”.

Đánh giá độ nguy hiểm, BALPA cho biết, tia laze cường độ cao sẽ gây mất thị giác tạm thời. Theo đó, nếu bị chiếu đèn laze vào mắt, phi công khó có thể tiếp tục điều khiển máy bay an toàn. Kịch bản tệ nhất là cả hai phi công đều bị mất thị giác, không thể hạ cánh máy bay, thậm chí là không thể điều khiển máy bay. Như vậy, chỉ một tia laze xanh cường độ cao chiếu sai thời điểm có thể dẫn đến kết cục hàng trăm người thiệt mạng oan.

Thậm chí, ngay cả khi máy bay hạ cánh an toàn, hậu họa để lại cho phi công cũng rất lớn. Phi công có khả năng bị hỏng mắt vĩnh viễn nếu như bị một hoặc nhiều tia laze tấn công. Chỉ cần nhìn tia laze trong vài giây, võng mạc bị huỷ hoại với khả năng cao. Với phi công, khi thị lực suy yếu, sẽ không được điều khiển máy bay. Thực tế, một phi công của Hãng hàng không British Airways bị tia laze chiếu vào mắt khi đang điều khiển máy bay hạ cánh tại Sân bay Heathrow đã bị bỏng võng mạc mắt phải.

Trước xu hướng gia tăng đáng báo động, Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phải vào cuộc. Từ tháng 2/2014, FBI mở chiến dịch truy quét nạn chiếu laze. Chính phủ Mỹ coi hành vi chiếu đèn laze vào buồng lái máy bay là phạm tội liên bang, với mức phạt lên tới 5 năm tù và 250 nghìn USD. Song, chính FBI nhận định việc theo dấu và bắt giữ nghi phạm rất khó vì máy bay ở trên cao, không thể xác định được vị trí người chiếu laze ở dưới đất.

Ông Patrick Murphy cho biết, phần lớn các trường hợp đều khó có thể xác định được nguồn gốc tia laze. Theo ông, có một cách để phát hiện nghi phạm chiếu tia laze là khi máy bay thông báo sự việc, cơ quan chức năng lập tức triển khai trực thăng theo dấu tia sáng, xác định vị trí và phối hợp với cảnh sát mặt đất để nhanh chóng bắt giữ nghi phạm. FBI cũng treo thưởng 10 nghìn USD cho bất cứ ai cáo giác người chiếu laze vào máy bay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.