Trong một vài năm gần đây, phương thức đầu tư BOT do tư nhân ngoại đầu tư đang rất được ưa dùng để xây dựng đường cao tốc tại nhiều nước, nhất là những nước kinh tế còn chậm hoặc mới đang phát triển, “khát vốn” tại châu Á như: Ấn Độ, Campuchia, Lào, Myanmar… và một số nước châu Phi.
Mở cửa cho nước ngoài đầu tư BOT đường cao tốc
Ấn Độ dù có hơn 3,3 triệu km đường, trở thành quốc gia có hệ thống đường bộ lớn nhất thế giới nhưng số km đường cao tốc quốc gia lại chỉ chiếm 2% trong khi chịu 40% lưu lượng giao thông.
Do đó, Chính phủ New Delhi đang tìm cách để tăng cường xây dựng đường cao tốc một cách nhanh chóng nhằm tạo điều kiện để duy trì phát triển kinh tế.
Ngay từ năm 2009, Ấn Độ chủ trương cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình cải tổ hạ tầng khổng lồ của chính phủ. New Delhi đưa ra một số sáng kiến về chính sách để thu hút đầu tư tư nhân vào xây dựng đường bộ như chấp nhận cho đầu tư trực tiếp nước ngoài 100% đối với tất cả các dự án phát triển đường; miễn thuế thu nhập 100% trong vòng 10 năm; hỗ trợ giai đoạn chuẩn bị như giải phóng mặt bằng; cho phép thời gian chuyển nhượng là 30 năm; các nhà phát triển có quyền thu và giữ lại tiền phí…
Chính vì sự cởi mở này, tốc độ hút vốn đầu tư và xây dựng đường bộ tại Ấn Độ rất đáng kinh ngạc. Chỉ trong năm tài khoá 2019, tổng đầu tư vào hạ tầng đường bộ tại nước này đạt 2,25 tỉ USD.
Trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại đây, không thể không nhắc tới cái tên Trung Quốc, nổi bật là Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc. Năm 2016, công ty này đã bày tỏ ý định tham gia đấu thầu hàng loạt dự án đường cao tốc, với tổng chiều dài lên tới 3.000km, trị giá tới 5,7 tỉ USD.
Tuy nhiên, Ấn Độ rất thận trọng với các nhà thầu Trung Quốc bởi chính quyền New Delhi và Bắc Kinh có một mối quan hệ rất đặc biệt, họ vừa là đối tác và cũng là đối thủ tiềm tàng của nhau.
Ấn Độ thường lựa chọn các nhà thầu xây dựng của Nhật Bản, cho phép tham gia vào các dự án xây dựng hệ thống đường sắt, tàu điện tốc độ cao, đường sá giao thông vì các tập đoàn của Nhật Bản đảm bảo khá tốt mọi tiêu chí mà Ấn Độ đặt ra, hơn nữa, trong quan hệ ngoại giao, an ninh, Ấn Độ không coi Nhật Bản là quốc gia có thể gây ảnh hưởng an ninh đến quốc gia của mình.
Tại Đông Nam Á, một số nước như Campuchia, Lào... đang tìm kiếm đầu tư nước ngoài vào xây dựng đường cao tốc theo phương thức BOT. Mới đây nhất, Lào đã ký một bản ghi nhớ với Trung Quốc về nghiên cứu tính khả thi để xây dựng đoạn đường cao tốc nối Thủ đô Viêng Chăn với tỉnh Champasak ở phía Nam.
Vừa cuối tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cũng ký khung thoả thuận hợp tác Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Yunnan của Trung Quốc để xây đường cao tốc Trung Quốc - Lào tại Thủ đô Viêng Chăn dưới hình thức BOT.
Theo thoả thuận, đường cao tốc này sẽ dài 109,1km, trị giá 13 tỉ USD với 4 làn, tiết kiệm thời gian từ Viêng Chăn đến Vang Vieng còn 1,5 giờ so với 4 giờ như trước.
Không riêng châu Á, tại châu Phi (Uganda, Zambia…) và châu Mỹ (Argentina), rất nhiều dự án BOT đường cao tốc có sự tham gia của Trung Quốc.
Lý do các tập đoàn xây dựng của Trung Quốc thường dễ dàng tham gia đấu thầu xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng ở các quốc gia này do ảnh hưởng của Trung Quốc tại các khu vực trên toàn cầu đang gia tăng.
Hơn nữa, đa phần những quốc gia này còn đang rất khó khăn về kinh tế, kinh nghiệm quản trị còn hạn chế. Một khi nhận được những đề nghị có nhiều lợi ích tức thì, dễ dàng, thật khó khăn để họ từ chối trong khi để các tập đoàn ngoại quốc uy tín khác tham gia cần phải có tiềm lực kinh tế mạnh...
Nhiều nước thực sự ngại vốn của Trung Quốc
Tuy nhiên, sự nhiệt tình và hào phóng trong hoạt động rót vốn của Bắc Kinh vào hàng loạt dự án hạ tầng khủng lại khiến nhiều nhà phê bình và phân tích e ngại rằng đây là “con bài” để đất nước đông dân nhất thế giới tạo sức ảnh hưởng và ràng buộc các quốc gia nhỏ hơn trong nhiều vấn đề khác.
Điển hình, dự án đường cao tốc đầu tiên của Campuchia mà Tập đoàn Cầu Đường Trung Quốc (CRBC) đã trúng thầu rót vốn xây dựng theo hình thức BOT. Con đường nối Phnom Penh với thành phố bờ biển phía Nam Sihanoukville trị giá 2 tỉ USD và do Tập đoàn Trung Quốc cấp vốn toàn bộ, dự định thu hồi vốn bằng cách thu phí trong hơn 50 năm.
Tuy nhiên, theo Asia Times, nhiều nhà quan sát lo ngại, với dự án này, Campuchia sẽ ngày càng bị lún sâu vào nợ nần với Trung Quốc (vốn đã đạt mức khoảng 4,5 tỉ USD). Hơn nữa, CRBC khó có thể thu hồi vốn tại tuyến đường này trong vòng 50 năm vì chủ yếu xe qua lại đây là xe tải.
Vì vậy, Campuchia sẽ buộc phải cho phép Trung Quốc được ưu tiên phát triển các khu vực dọc đường cao tốc hoặc một số nơi khác. Ông Koji Sako, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Mizuho cho biết, “dù các dự án BOT không trở thành các khoản nợ chính thức nhưng vô hình trung, chúng sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường sức ảnh hưởng”.
Tại châu Phi, theo ước tính từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc châu Phi (CARI) thuộc Đại học John Hopkins, đã có 17 nước ở “lục địa đen” đang rơi vào tình thế nợ nần rủi ro với Trung Quốc, mà khả năng không thể trả nợ. Hầu hết các khoản nợ của Bắc Kinh đều liên quan tới các dự án hạ tầng đường bộ.
Các nhà phân tích cho rằng, những dự án hạ tầng khủng do công ty Trung Quốc tham gia xây dựng tại châu Phi quá đắt đỏ và để lại gánh nặng nợ nần khó có thể chi trả. Theo ABC News, các chuyên gia cảnh báo, Bắc Kinh đang sử dụng nợ xấu làm cái bẫy, cho phép quốc gia này tranh giành ảnh hưởng và sức mạnh toàn cầu.
Tuy nhiên, trước những cảnh báo và e ngại từ các chuyên gia, Trung Quốc nhiều lần khẳng định, mối quan hệ của họ với các nước sở tại trong các dự án BOT là cùng có lợi và Bắc Kinh không dùng nợ để gây sức ép.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận