Nhiều hạn chế trong khai thác thiết bị an toàn trên tàu
Cục Đường thủy nội địa VN vừa tổng kiểm tra trên diện rộng hoạt động của phương tiện mang cấp VR-SB, rà soát điều kiện hoạt động của phương tiện, thuyền viên trên tuyến vận tải thủy bờ ra đảo.
Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, còn tồn tại, hạn chế trong quản lý, khai thác phương tiện VR-SB. Ảnh: minh họa
Kết quả kiểm tra 555 phương tiện cho thấy lỗi vi phạm thường gặp là không có giấy phép rời cảng cuối cùng; Thiếu trang thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện; Thiếu giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên; Không bố trí định biên an toàn tối thiểu của thuyền viên theo quy định; Ghi chép sổ nhật ký phương tiện không đúng quy định.
Theo báo cáo của các Sở GTVT, hiện chỉ có 32/63 tỉnh thành có phương tiện mang cấp VR-SB, với số lượng cụ thể như sau:
Tổng cộng có 1.910 phương tiện VR-SB đã đăng ký tại các Sở GTVT, với tổng công suất 980.494 CV, tổng trọng tải 1.829.394 tấn, 15.403 ghế hành khách.
Trong 1.910 phương tiện VR-SB có: 932 tàu hàng, 113 tàu dầu, 369 tàu khách và 496 tàu khác.
Phương tiện vận tải ven biển còn tồn tại bất cập trong việc đảm bảo an toàn khi hoạt động trên tuyền đường thủy nội địa như chưa có quy định về thực tập, diễn tập cứu sinh, cứu hỏa trên tàu; Một số thuyền viên còn hạn chế về kỹ năng khi sử dụng, khai thác các trang thiết bị an toàn trên phương tiện.
Nhiều trường hợp thuyền viên trên phương tiện chưa biết cách bảo quản, bảo dưỡng hoặc không có kế hoạch bảo quản, bảo dưỡng định kỳ đối với các trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa.
Mặt khác, rất khó kiểm soát định biên an toàn tối thiểu trong quá trình hành trình của phương tiện VR-SB trong thực tế. Do vậy, khi xuất bến kiểm tra thấy đủ, nhưng trên đường hành trình cần có sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng như cảnh sát đường thủy, biên phòng.
Tương tự, công tác giám sát việc chấp hành tuyến hành trình (không chạy quá 12 hải lý) của các phương tiện VR-SB hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn vì thiết bị trên phương tiện đôi khi bị trục trặc hoặc hoặc bị tác động kỹ thuật bởi thuyền viên trên phương tiện.
Về trung tâm dữ liệu AIS và trạm bờ AIS, theo Cục Đường thủy, hệ thống được đầu tư xây dựng từ năm 2015. Hiện tại, các thiết bị hiện đã xuống cấp, báo lỗi và chưa xác định nguyên nhân hư hỏng do không được bố trí kinh phí thường xuyên, không được vận hành, bảo trì và bảo dưỡng theo quy định. Nhiều máy thu tín hiệu AIS không hoạt động, ăng-ten và dây tín hiệu bị đứt, gãy, phần mềm nghiệp vụ AIS bị lỗi nên không xác định được chính xác tình trạng của trạm thu.
“Chủ phương tiện mang cấp VR-SB chủ yếu thực hiện đăng ký tại Sở GTVT các tỉnh, thành phố, nên mặc dù đã có quy định về chế độ báo cáo nhưng công tác quản lý phương tiện VR-SB còn nhiều khó khăn về số liệu cũng như là thực tiễn quá trình thực hiện.”, Cục Đường thủy nhận định.
Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam cần tăng cường huấn luyện thuyền viên điều khiển tàu VR-SB do thiếu các kiến thức hàng hải tối thiểu. Ảnh: minh họa
Tăng cường huấn luyện thuyền viên
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, khai thác phương tiện VR-SB, Cục Đường thủy nhấn mạnh cần xem xét, bổ sung chương trình đào tạo huấn luyện thuyền viên điều khiển phương tiện VR-SB.
Lý do, thuyền trưởng, thuyền viên điều khiển phương tiện VR-SB nói chung còn thiếu các kiến thức hàng hải tối thiểu như tác nghiệp hải đồ, xác định vị trí bằng địa văn, sử dụng radar.
Cùng đó cần nâng cao trách nhiệm các cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa trong công tác đào tạo, kiểm tra, sát hạch thuyền viên, người lái phương tiện.
Cục cũng kiến nghị ban hành thông tư quy định về điều kiện, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, hoạt động của cảng vụ đường thủy nội địa và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý Nhà nước tại các địa phương chưa có cảng vụ để làm cơ sở huấn luyện, đào tạo nhân sự thực hiện công tác quản lý nhà nước về cảng, bến thủy nội địa tại địa phương.
Ban hành cơ chế phối hợp thường xuyên giữa cảng vụ đường thủy nội địa, cảng vụ hàng hải, cảnh sát biển hoặc biên phòng để tăng cường giám sát, kiểm tra việc chấp hành tuyến hành trình, đảm bảo định biên an toàn tối thiểu của phương tiện VR-SB.
Khắc phục lại hệ thống thông tin AIS và trang bị đầy đủ trên phạm vi cả nước để giám sát việc tuân thủ vùng hoạt động theo quy định của phương tiện mang cấp VR-SB.
“Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, bố trí thêm nhân lực để các Sở GTVT kiện toàn bộ máy, xem xét việc thành lập cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Cục Đường thủy nội địa VN kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận