Tránh tình trạng thu không đủ bù chi, càng làm càng lỗ
Điểm đáng chú ý tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung việc cho phép các tuyến Vân Phong, Ba Ngòi, Vũng Rô, Cà Ná, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải được điều chỉnh mức giá tương tự đơn giá của các tuyến Cửa Lò, Bến Thủy, Nghi Sơn, với mức đơn giá là 60 đồng/GT/HL thay vì 25 đồng/GT/HL như quy định hiện hành.
Theo Cục Hàng hải VN, các tuyến tại khu vực này có các điều kiện hoạt động, địa lý tương đồng nhau. Khoảng cách từ trạm hoa tiêu đến vị trí dẫn tàu xa, phát sinh chi phí đưa đón hoa tiêu.
Đơn cử, khoảng cách từ trạm hoa tiêu đến vị trí dẫn tàu tuyến Vân Phong là 125km đường bộ và 24 hải lý đường thủy, tuyến Ba Ngòi 80km đường bộ và 20 hải lý đường thủy. Trong khi đó, cự ly dẫn tàu để tính giá dịch vụ ngắn, khoảng dưới 6 hải lý/tuyến.
Với mức giá 25 đồng/GT/HL, có khoảng trên 50% lượt dẫn tàu của các tuyến này, doanh nghiệp chỉ thu được mức giá là 500.000 đồng/lượt. Do đó, doanh nghiệp càng làm càng lỗ vì doanh thu không đủ bù đắp chi phí.
Theo tính toán chi phí giá thành của các công ty, chi phí giá thành trung bình 4,5 triệu cho một lượt dẫn tàu tại các tuyến nêu trên. Bởi thế, việc điều chỉnh để bảo đảm bù đắp một phần chi phí giá thành cho doanh nghiệp.
Tăng giá dịch vụ hoa tiêu tại 13 tuyến dẫn tàu ở các cảng dầu khí ngoài khơi
Ngoài ra, dự thảo Thông tư mới cũng đề xuất sửa đổi mức giá và đơn vị tính cho tuyến dẫn tàu tại cảng dầu khí ngoài khơi. Nguyên nhân do Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực IX là công ty duy nhất được giao 13 tuyến dẫn tàu ở các cảng dầu khí ngoài khơi.
Đặc thù của tuyển là các mỏ đều ở xa đất liền. Tuyến gần nhất là mỏ Bạch Hổ cách bờ 62 hải lý, tuyến xa nhất là mỏ Trường Sơn cách bờ 277 hải lý.
Việc đưa đón hoa tiêu phải đi bằng máy bay hoặc tàu lai ra mỏ, chi phí và thời gian hoa tiêu phục vụ cho một lượt dẫn tàu tại các mỏ ngoài khơi cao hơn so với các cảng trong đất liền.
Ngoài ra, đơn giá để tính dịch vụ cho tuyến này là đồng/GT mà không tính theo hải lý (đồng/GT/HL) như các tuyến khác.
"Với mức giá như hiện tại, doanh thu không đủ bù đắp được chi phí cho một chuyến dẫn tàu, trong khi quy định công ty phải sử dụng 100% hoa tiêu ngoại hạng. Năm 2022, doanh thu của công ty khoảng hơn 10 tỷ đồng (chỉ bằng 0,7% doanh thu hoa tiêu trên cả nước)", Cục Hàng hải VN cho hay.
Từ đây, tại dự thảo Thông tư đề xuất mức giá của tuyến này được tính theo đồng/GT/HL để tương đồng với các tuyến khác. Đồng thời, điều chỉnh đơn giá trên cơ sở cơ cấu giá thành thực tế của doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ.
Thông tư số 54/2018 quy định, mức giá hoa tiêu được tính trên cơ sở dung tích tàu biển, khoảng cách dẫn tàu và đơn giá tại từng khu vực. Khoảng cách dẫn tàu phụ thuộc vào luồng hàng hải của từng cảng biển. Dung tích tàu biển dao động từ 100 GT (cỡ tàu nhỏ nhất phải sử dụng hoa tiêu) đến khoảng 200.000 GT.
Đơn giá hoa tiêu chia theo đơn giá nội địa và đơn giá quốc tế với mức độ chênh lệch giữa hai đơn giá khoảng 2-3 lần trên cùng một tuyến dẫn tàu. Mức giá cao tập trung tại khu vực cảng biển Hải Phòng, TP.HCM, Vũng Tàu do có nhiều tàu hoạt động quốc tế với dung tích lớn, tuyến dẫn tàu dài. Mức giá thấp tập trung khu vực Nha Trang, cảng dầu khí ngoài khơi với tuyến dẫn tàu ngắn, tàu dung tích nhỏ hoạt động nội địa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận