Xã hội

Nhiều ý kiến ủng hộ bỏ tục đốt vàng mã

22/02/2018, 14:47

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã.

dot-vang-ma-cho-nguoi-chet

Ảnh minh họa

Trên website của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa đăng tải công văn Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các Phật tử loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Trong công văn nêu rõ: "Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam".

Nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ đề nghị trên và cho rằng, đốt vàng mã là một hủ tục gây lãng phí cần được xóa bỏ. Thậm chí, có người cho rằng đốt vàng mã còn lãng phí và nguy hại hơn rất nhiều so với đốt pháo. Bỏ đốt vàng mã vừa giảm ô nhiễm môi trường, và quan trọng hơn là tiết kiệm được tiền của và công sức cho người dân.

Bạn đọc Lê Huyền Viết: "Rất tán thành. Đốt vàng mã tốn kém, dễ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường...Lâu nay người dân đến các dịp lễ, Tết người dân cứ đua nhau đốt vàng mã, có nhà thuê cả xe tải để chở về nhà, về đền chùa cúng, đốt. Nhà nào đầy đủ mất cả trăm triệu, cả chục triệu, ít cũng vài triệu. Vừa lãng phí mà không đúng với nhà Phật dạy".

Cùng tâm trạng, một độc giả chia sẻ: "Mừng quá! Từ lâu tôi đã mong người Việt bỏ tục đốt vàng mã để bớt tốn kém, ô nhiễm, hỏa hoạn,... Tất cả những suy nghĩ về đốt vàng mã đầy đủ cho các "Ngài", các cụ sẽ được phù hộ, cầu gì được nấy, mọi sự hanh thông đều do con người nghĩ ra. Thay vì làm những việc phù phiếm, mê tín, mọi người nên làm nhiều việc đúng đắn, việc tốt ngoài đời, ắt sẽ có cuộc sống tốt đẹp sau này".

Một số bạn đọc nhận am hiểu về phật giáo còn cho rằng, về bản chất, phật giáo không có tục đốt vàng mã, và cũng không có cầu may cầu tài. Đốt vàng mã thường đi đôi với việc cầu khấn van xin người mất phù hộ. Đó là điều mê tín rất không đúng với thuyết nhân quả của đạo phật.

Ngoài đốt vàng mã, một số ý kiến còn cho rằng, tại các đền chùa cũng nên hạn chế việc đốt hương.  "Có người vào chùa đốt cả nắm hương to, gây khói mù mịt rồi vừa khấn vái vừa chảy nước mắt. Các Đền Chùa cũng nên hạn chế để bát hương, chỉ cần nên có 1 Lư Hương loại lớn để ngoài sân Chùa và mỗi khách hành hương chỉ nên sử dụng 1-3 cây nhang là được..... Phật tại tâm, mọi người đến chùa thành tâm là chính chứ không phải lễ nhiều, hương khói nhiều mới được phật chứng", bạn đọc Nguyễn Nam viết.

Liên quan đến vấn đề này, trên trang facebook cá nhân, Tiến sĩ Lương Hoài Nam cũng chia sẻ: "Dù không thực hành Phật giáo, nhà mình đã quán triệt tinh thần này, từ nay không đốt vàng mã nữa. Đốt vàng mã không phải nghi lễ Phật giáo như lâu nay chúng ta lầm tưởng. Tục đốt vàng mã tốn giấy, từ đó tốn cây, gây ô nhiễm không khí. Thờ cúng thì hương hoa như ở Thái Lan, Myanmar, Campuchia là ổn".

Trước đó, trên webiste của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Tố Liên có bài viết cho biết, với quan niệm thông thường, sau cái chết, con người cũng có một đời sống, cũng có các nhu cầu như khi đang ở dương thế.

Một số người vì quá thương tiếc người thân đã mất, sắm đủ thứ vàng mã để đốt cúng nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ để người ở đã chết sử dụng ở cõi âm.

Việc làm đó đôi khi thái quá, người ta có thể sắm vàng mã với hình dáng nhà lầu, xe hơi, máy lạnh, điện thoại di động, tiền mô phỏng đô- la Mỹ… để cúng cho người đã chết.

Hòa thượng Tố Liên khẳng định Đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên.

"Tại sao ngày Rằm tháng Bảy là ngày lễ trọng thể của Phật giáo mà thấy một số tín đồ nhà Phật đốt rất nhiều vàng mã để cúng gia tiên. Xin hỏi giới trí thức Việt Nam hiện tại tìm thấy Phật giáo và Nho giáo dạy về thuyết đốt vàng mã ở kinh sách nào?", Hòa thượng Tố Liên đặt câu hỏi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.