Xã hội

Nhịp cầu thay đổi nhiều số phận người trẻ

21/06/2019, 13:08

Hàng trăm bạn trẻ được tiếp sức từ chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi trẻ để thay đổi cuộc sống, có việc làm ổn định.

img
Thạc sỹ Đào Thị Hằng với thương hiệu mắm Thuyền nan

Giữa lúc khó khăn nhất của tuổi cắp sách đến trường, không tiền để học tiếp..., những cô, cậu học trò nghèo nhận được học bổng “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi trẻ. Hơn 30 năm qua, chương trình đã đồng hành giúp thay đổi hàng ngàn số phận trò nghèo hiếu học trên cả nước.

Cô bé bán khoai đậu 3 trường đại học

Nhà báo Đỗ Văn Dũng, Phó TBT báo Tuổi trẻ TP HCM cho biết, đã có hàng trăm bạn trẻ được tiếp sức từ chương trình “Vì ngày mai phát triển” để thay đổi cuộc sống, có việc làm ổn định và trở lại giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như mình.

Điển hình như: Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Bình Gấm, Khoa lão Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nhận hỗ trợ của chương trình năm 1998. Có thể nói, hoàn cảnh của Trần Bình Gấm như cô bé Lọ Lem trong chuyện cổ tích bởi Bình Gấm là cô bé bán khoai đậu ba trường đại học. Khi đó, gia đình em gần như kiệt quệ vì cha Bình Gấm qua đời bỏ lại 5 đứa con thơ. Mẹ Bình Gấm vì nuôi 5 con nhỏ nên mắc nợ tiền bị “giang hồ” hăm dọa khiến mấy mẹ con phải dắt díu nhau chạy trốn… Dẫu thế, Bình Gấm vượt qua tất cả cố gắng cắp sách đến trường.

Ngoài giờ học, Gấm phải bán vé số, bán khoai giúp mẹ lo cho các em. Năm 1998, Gấm đậu 3 trường đại học và chọn học Trường ĐH Y dược với ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo. Suốt 7 năm đại học Gấm vẫn tiếp tục vừa đi học vừa dạy kèm, làm thêm, thay thế mẹ cha gánh vác chuyện gia đình, kèm cặp ba đứa em để đứa thành SV đại học, đứa học trung học... Gấm là tấm gương sáng kiên trì vượt lên hoàn cảnh, bất chấp số phận nghiệt ngã khiến bao thế hệ học sinh nể phục, noi theo. Hiện Bình Gấm là bác sĩ chuyên khoa 2 Khoa Lão học, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM).

Tiếp xúc với chúng tôi, Bình Gấm luôn khiêm tốn khi nhắc lại chuyện mình đậu 3 trường đại học năm ấy. Gấm cho biết, mình mang ơn xã hội nhiều lắm nên phải cố gắng làm tốt nhiệm vụ để phục vụ người dân…

Thương hiệu mắm ruốc Thuyền nan

Chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi trẻ TP HCM ra đời từ năm 1988. Qua 31 năm (20/11/1988 - 20/11/2019) hoạt động, chương trình mang đậm tính nhân văn sâu sắc đã làm thay đổi số phận nhiều người... Trong đó có các chương trình như Tiếp sức đến trường, Các tấm gương nghèo vượt khó, Nâng bước trò nghèo, Tiếp sức tân sinh viên... để các em không vì hoàn cảnh quá khó khăn mà dở dang ước mơ vào giảng đường đại học.
Tuỳ theo tình hình kinh tế và nguồn vận động, mỗi năm có mức học bổng khác nhau. Ví như chương trình Tiếp sức đến trường năm 2018 mỗi em học sinh nghèo hiếu học được hưởng học bổng 10 triệu đồng. Trường hợp đặc biệt là 15 triệu đồng/em.
Bên cạnh đó, báo Tuổi Trẻ còn thực hiện chương trình “Xã hội từ thiện” nhằm giúp các mảnh đời bất hạnh, cứu trợ thiên tai bão lũ, thực hiện các chương trình hướng về Hoàng Sa - Trường Sa thông qua nhiều hoạt động trong suốt 31 năm qua với tổng kinh phí hơn 280 tỉ đồng…


Một trường hợp khác cũng nhận được sự giúp đỡ từ chương trình “Vì ngày mai phát triển” là Thạc sĩ Đào Thị Hằng, người nổi tiếng với thương hiệu mắm ruốc Thuyền nan. Là chị cả trong gia đình đông anh em (7 anh chị em) nghèo khó ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, Hằng đậu thủ khoa ĐH Nông lâm Huế năm 2004 và được nhận học bổng “Vì ngày mai phát triển”.

Hằng đã tốt nghiệp đại học trong tốp 3 điểm cao của trường, một trong 20 học sinh Việt Nam nhận học bổng Năng lực lãnh đạo trị giá 112.000 USD của Bộ Ngoại giao Úc. Thế nhưng, Hằng đã từ chối cơ hội nhận học bổng học tiếp tiến sĩ để trở về Việt Nam thực hiện giấc mơ xây dựng thương hiệu mắm Thuyền nan, một đặc sản của vùng quê Triệu Phong (Quảng Trị). Sau hơn 3 năm, thương hiệu mắm Thuyền nan đã được phân phối rộng rãi trong các cửa hàng thực phẩm sạch, Organic… uy tín trên cả nước, tạo thêm nhiều việc làm cho bà con quê nhà. Hơn 3 năm nay, Hằng đều trở lại với chương trình giúp nhiều suất học bổng “người đi trước rước người đi sau” cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như mình.

Thầy cãi nghèo rớt mồng tơi

Nhà báo Đỗ Văn Dũng, Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ nhớ lại một trường hợp cảm động nhất, nghèo khó nhất mà khi thực hiện chương trình trao học bổng nhiều người rớt nước mắt trước gia cảnh nghèo túng của sinh viên Nguyễn Văn Cải ở huyện Củ Chi, TP HCM.

Cải lớn lên từ rau ốc và những tấm lòng bao dung. Cải đã 3 lần nhận học bổng từ giải thưởng Học trò giỏi hiếu thảo của báo Tuổi Trẻ năm 1988, 1999, 2000. Cải được sinh ra bởi người mẹ bệnh tâm thần, còn người chị bị bệnh ung thư (mất năm 2006). Cả 2 chị em đều không biết cha mình là ai. Cải đã có một tuổi thơ đầy khốn khó với ngôi nhà trú mưa, nắng dột nát. Trời nắng rọi khắp nhà, trời mưa nhà dột không có chỗ ngủ. Mẹ Cải mỗi khi lên cơn bệnh lại cởi hết quần áo, bỏ nhà đi lang thang, có khi trầm mình xuống sình bùn, hai chị em phải kiếm mẹ khắp nơi.

Lên 5 tuổi, Cải đã phải đi chăn trâu, chăn vịt, bán bánh kiếm tiền phụ chị lo cho mẹ. Suốt quãng đời học sinh một buổi đi học, một buổi Cải đi làm thuê làm mướn.

Khó khăn, cùng cực là vậy nhưng Cải học rất giỏi, luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Nhà của Cải được xây dựng cùng sự gom góp tình yêu thương của mọi người. Nền nhà do Huyện đoàn xây, mái ngói và vách do Chi hội Thanh niên Hoa bằng lăng của xã; điện là thày cô và học sinh của trường THPT Quang Trung kéo; tủ đựng thức ăn, bàn, ghế… do bà con trong xóm tặng.

Cải đậu 3 trường đại học nhưng chọn học Khoa Văn, Trường ĐH Sư phạm TP HCM. Sau khi tốt nghiệp, Cải xin về dạy tại Trường THPT Quang Trung huyện Củ Chi, TP HCM, cũng là ngôi trường cấp 3 cưu mang Cải.

Tiếp xúc với chúng tôi, thày giáo Cải chia sẻ: “Mong muốn được nâng bước cho các em học sinh và trả ơn cho các thày cô đã giúp mình hết lòng”. Suốt 17 năm tham gia Hội Khuyến học của trường, thày Cải đã cùng nhà trường vận động cấp hơn 3.000 suất học bổng, xây và sửa 43 căn nhà tình thương cho học sinh nghèo; Lập mô hình “người đi trước rước người đi sau” hỗ trợ học sinh nghèo của huyện Củ Chi. Hiện thày Cải đã bảo vệ luận văn tốt nghiệp thạc sĩ Quản lý giáo dục năm 2016 và đang là Phó hiệu trưởng trường THPT Quang Trung (Củ Chi, TP HCM).

Hơn 650 tỉ đồng cho từ thiện xã hội

“Vì ngày mai phát triển” thực sự là cầu nối vạn tấm lòng của bạn đọc báo Tuổi Trẻ cùng bền bỉ chung tay chăm lo cho thế hệ trẻ VN, những nhân tài của đất nước vững bước vào đời. Những bạn trẻ vượt khó, học giỏi đã không đơn độc khi nhận được sự đồng hành.

Nhìn lại đời mình, nhiều bạn trẻ nhà nghèo hiếu học nói rằng lúc họ khó khăn nhất thì Tuổi Trẻ đã có mặt với chương trình “Vì ngày mai phát triển”. Và không chỉ là một học bổng, Tuổi Trẻ đã nâng bước các bạn đi tiếp chặng đường dài.

Trong gần 31 năm hoạt động, chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ, đã trao hơn 61.000 suất học bổng, giải thưởng cho học sinh sinh viên khắp mọi miền đất nước với tổng kinh phí hơn 370 tỷ đồng. Từ chương trình này, nhiều bạn trẻ đã vượt qua giai đoạn khó khăn, trưởng thành và thành công trong cuộc sống, trở thành những người hữu ích cho xã hội.

Đã có hàng vạn bạn đọc báo Tuổi Trẻ cùng chung tay, đồng hành thực hiện chương trình “Vì ngày mai phát triển”. Từ những người lao công, xe ôm, hưu trí đến những doanh nhân thành đạt, mỗi người đều không ngại ngần cùng Tuổi Trẻ tiếp sức cho tương lai thế hệ trẻ.

Báo Tuổi Trẻ còn thực hiện chương trình “Xã hội từ thiện” nhằm giúp các mảnh đời bất hạnh, cứu trợ thiên tai bão lũ, thực hiện các chương trình hướng về Hoàng Sa – Trường Sa với rất nhiều hoạt động trong suốt 31 năm qua với tổng kinh phí hơn 280 tỉ đồng…

Tổng kinh phí thực hiện các chương trình sau mặt báo của Tuổi Trẻ trong 31 năm qua là hơn 650 tỉ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.