Giữa bộn bề công việc của chính quyền mới giành được, mà việc nào cũng quan trọng, khẩn cấp, Bác tự tay soạn thảo văn bản đặc biệt - bản “Tuyên ngôn độc lập”.
Bác nói rằng, trong cuộc đời mình, Bác đã viết nhiều nhưng chưa bao giờ Bác được viết một bản Tuyên ngôn với tâm trạng mừng vui đến thế!
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945
Chiều 23/8/1945, lần đầu tiên Bác Hồ đặt chân lên đất Hà Nội sau đằng đẵng hơn 30 năm, từ năm 1911 ở Sài Gòn về Pác Bó rồi xuôi về Tân Trào Việt Bắc…
Qua sông Hồng trên một con đò ở bến Phú Xá, tối đến Bác nghỉ ở nhà ông Công Ngọc Kha, một cơ sở cách mạng ở làng Gạ (nay là làng Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội).
Vẻ phong sương sau trận ốm nặng giữa những ngày rốt ráo cho Tổng Khởi nghĩa, vóc hạc của Bác lại phải gánh hàng núi công việc ken dày. Việc nào cũng quan trọng, cũng khẩn cấp.
Nhưng với Bác, có một công việc then chốt, nó đóng lại thời cũ và mở ra thời đại mới nên hình thức biểu đạt phải là một văn bản tuyên bố cho bàn dân thiên hạ trong nước và trên thế giới biết.
Chính đó là bản “Tuyên ngôn độc lập” mà Bác thay mặt Chính phủ lâm thời đọc tại cuộc mít tinh giữa biển người ở Vườn hoa Ba Đình chiều 2/9/1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bác tự tay soạn thảo văn bản đặc biệt này. Thảo xong, Bác muốn hỏi ý kiến của một số người về bản thảo.
Ngày 29/8/1945, Bác gửi một tấm danh thiếp mời Patti đến gặp mình trước 12h trưa tại nhà số 48 Hàng Ngang. Lúc này Patti là Trưởng phòng Đông Dương, Cơ quan Tình báo chiến lược OSS của Mỹ ở Hoa Nam (Trung Quốc) đang có mặt tại Hà Nội, một cơ quan có quan hệ ủng hộ, giúp đỡ lực lượng Việt Minh chống phát-xít Nhật.
Sau khi biết nội dung bản thảo, Patti rất ngạc nhiên và thích thú khi thấy Bác đưa vào bản thảo một số câu trong bản “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ, thổi vào đó ý nghĩa mới với thủ pháp đảo trật tự và thay thế một số từ.
Ngày hôm sau (30/8/1945), Bác mời một số người thân cận đến góp ý kiến vào bản thảo. Bác nói rằng, trong cuộc đời mình, Bác đã viết nhiều nhưng chưa bao giờ Bác được viết một bản Tuyên ngôn với tâm trạng mừng vui đến thế!
Tại sao vậy? Tại vì:
1. Bác đặt sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào quyền chính đáng chung của các dân tộc trên thế giới. Bác có sự hiểu biết sâu về nhiều nước trên thế giới, hiểu rõ giá trị “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ năm 1776 cũng như Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1789, rồi dẫn mỗi Tuyên ngôn một đoạn, mà Người cho đó là “bất hủ”, cho đó “là những lẽ phải không ai chối cãi được”: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Bác dẫn Tuyên ngôn của Mỹ); “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Bác dẫn Tuyên ngôn của Pháp).
Từ Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp, Bác suy ra những quyền chính đáng của dân tộc và quyền con người. Mọi người, ai cũng có quyền do Tạo hóa cho, trong đó có quyền lớn nhất là được sống, từ đó, Bác “suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
2. Bác khẳng định tính chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và lập nên chế độ chính trị mới. Bác đã tố cáo thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta - đó là những hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.
Bác khẳng định, đối tượng đánh đổ để thiết lập chính quyền cách mạng là phát-xít Nhật và chế độ quân chủ phong kiến. Sự thực là từ mùa Thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa.
Khi Nhật đầu hàng Đồng Minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền cách mạng. Sự thực là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp.
Nhận định trên đây của Bác nhằm hai ý: Thứ nhất, ngăn ngừa chiến tranh sắp tới vì Bác biết rằng, thực dân Pháp hoàn toàn không có quyền hành gì ở Việt Nam nữa nhưng chúng lại đang rắp tâm tái chiếm Việt Nam.
Giá trị của bản “Tuyên ngôn độc lập” không chỉ ghi dấu ấn cá nhân vị lãnh tụ của dân tộc mà còn là sự tự khẳng định sức mạnh của toàn dân, tiếp nối truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam đúc kết từ hàng ngàn năm.
Đầu tháng 9/1945, theo sự phân công quốc tế, quân Đồng Minh vào Việt Nam để giải giáp quân Nhật: Bắc vĩ tuyến 16, quân Trung Hoa dân quốc (Tưởng Giới Thạch) và phía Nam vĩ tuyến 16, quân Anh kéo vào. Đáng chú ý là quân Anh ủng hộ thực dân Pháp, làm bức che cho quân Pháp kéo vào Nam bộ để tái chiếm Việt Nam.
Do thấy trước được điều đó, nên Bác tuyên bố: “Chúng tôi - Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới - đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng quyết liệt chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”.
Thứ hai, khẳng định cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam là “đứng về phe Đồng Minh chống phát-xít”. Như vậy, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam càng thể hiện tính chính nghĩa, tiến bộ, góp phần cùng nhân dân thế giới trừ bỏ chủ nghĩa phát-xít.
3. Bác tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời có quyền hưởng và bảo vệ tự do, độc lập. Từ những lý lẽ trên đây, thay mặt Chính phủ lâm thời, Bác tuyên bố rằng, nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thực đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.
Tuy chỉ là văn bản của một Chính phủ lâm thời nhưng đây là văn bản ghi nhận một dân tộc giành chính quyền một cách chính đáng: Từ tay phát-xít Nhật; đứng về phe Đồng Minh chống phát-xít; từ sự chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến.
Giá trị này làm cơ sở để tiến tới những bước vững chắc xây dựng một chế độ chính trị với giá trị pháp lý phổ cập trên thế giới: Một chế độ chính trị do dân lập ra, có Hiến pháp chỉ đạo hoạt động của các quyền lực Nhà nước và xã hội.
Bản “Tuyên ngôn độc lập” có ý nghĩa xây nền tảng vững chắc cho các quyền dân tộc cơ bản của dân tộc Việt Nam: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
76 năm qua, dân tộc Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách nghiệt ngã và luôn phát triển. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, những giá trị đó trong “Tuyên ngôn độc lập” chính là giá trị của văn hóa phát triển, giá trị của độc lập, tự do, giá trị của quyền con người, hợp với giá trị tiến bộ chung trong văn hóa nhân loại.
Với bản “Tuyên ngôn độc lập”, Việt Nam trở thành một thực thể tiến bộ trong một thế giới đa cực, toàn cầu hóa, góp phần tích cực phấn đấu cho cái đích cuối cùng là giải phóng con người, phản ánh rõ nét sự nghiệp giải phóng của Bác: Giải phóng dân tộc, Giải phóng xã hội - giai cấp, Giải phóng con người.
Mùa Thu này, với biết bao gian khó, cả nước đang đồng lòng phấn đấu thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, lời thề của Bác, lời thề độc lập, tự do, hạnh phúc, lời thề đồng lòng, đồng sức từ Mùa Thu ấy, từ buổi chiều ngày 2/9/1945 ấy vẫn vang lên.
Mạch Quang Thắng -
Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
-------------------------------
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, T3/2011 và trong Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, T2/2016)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận