Chính trị

Luận giải chữ Hòa, chữ Đồng của Bác Hồ

30/04/2020, 06:00

Bác yêu sự vẹn toàn, không chấp nhận sự cắt rời. Và khi con người đã Hòa rồi, tự nó có xung lực vượt qua mặc cảm, khó khăn để đạt tới cái thiện.

img
Bác Hồ gặp gỡ các Anh hùng, dũng sĩ miền Nam tại Phủ Chủ tịch tháng 3/1969 (Ảnh tư liệu)

Bác yêu cái sự vẹn toàn, không chấp nhận cái sự cắt rời. Và khi con người đã Hòa rồi, thì tự nó có xung lực để vượt qua mọi mặc cảm, khó khăn để đạt tới cái thiện.

Tấm lòng của Bác đối với đồng bào miền Nam thật sâu nặng. Ra đi từ cảng Nhà Rồng của Sài Gòn, đằng đẵng 30 năm, Bác về nước qua ngả đường cột mốc 108 ở biên giới Việt - Trung, đặt chân lên đầu nguồn Pác Bó, Cao Bằng. Từ đó đến cuối đời, dù muốn lắm, nhưng Bác không có dịp nào trở lại phương Nam.

Đến thăm tỉnh Quảng Bình năm 1957, ngồi trầm ngâm bên bờ sông Gianh, đăm chiêu nhìn về phương Nam với điếu thuốc lá bập trên môi lúc chiều gió phơn khô rát, Bác nói với người thư ký lâu năm của mình là ông Vũ Kỳ rằng, Bác đã đi đến nơi mà về chưa đến chốn!

Có lần Bác thiết tha đề nghị cho Bác đi thăm miền Nam ngay khi chiến tranh còn ác liệt. Bác tập leo núi, vai đeo ba lô có mấy viên gạch rèn luyện để có thể vượt Trường Sơn. Nhưng vẫn không thành, vì lý do sức khỏe và có lẽ còn do chiến tranh quá ác liệt.

Bác là con người của Hòa hiếu, muốn tắt muôn đời chiến tranh nhưng kẻ thù của dân tộc đâu có để yên.

Bác đã tuyên bố cho toàn dân Việt Nam, cho toàn thế giới biết rằng, Việt Nam muốn hòa bình, nên phải nhân nhượng, nhưng càng nhân nhượng thì thế lực xâm lược càng lấn tới.

Những tín hiệu hòa bình, hòa hợp để tổng tuyển cử sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 mà Bác và Chính phủ ta nêu ra suốt từ năm 1954 đến năm 1956 - thời hạn sau 2 năm thì tổ chức Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước - đều bị Mỹ - Diệm khước từ một cách thẳng thừng.

Quân Mỹ và quân chư hầu đổ bộ trực tiếp vào miền Nam, tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Khói lửa chiến tranh ác liệt trùm lên đất nước hình chữ S bé nhỏ, thân yêu.

Một cơ hội quý giá hòa hợp và hòa bình đã bị bỏ lỡ. Nhưng, nghĩa tình Đồng bào vẫn còn mãi. Bác luôn khơi dậy, nuôi dưỡng và làm lan tỏa cái nghĩa đồng bào đó.

Trong lúc kẻ thù ra sức chia rẽ, Bác viết thư nói rõ rằng, 5 ngón tay có ngón vắn, ngón dài, nhưng vắn hay dài đều ở trong một bàn tay. Trong mấy mươi triệu người Việt Nam thì có người thế này hay thế khác nhưng đều là người Việt Nam. Vì thế, Bác mong người Việt Nam cùng trong một bọc của Mẹ Âu Cơ phải yêu thương nhau. Đó là cái lý của sự Hòa.

Bác yêu cái sự vẹn toàn. Có chuyện rằng, trong lúc giải lao của một cuộc họp, mấy anh em đứng ngoài hành lang nói chuyện với nhau.

Một người kể câu chuyện vợ của một đồng chí hôm trước bị bệnh phải vào nhà thương cắt dạ con. Bác nghe thấy, ngay lập tức bật tiếng: “Sao lại cắt?”. Bác không chấp nhận sự chia cắt. Cũng như Bác kiêng từ “chết”.

Hết giờ làm việc, Bác cùng đánh bóng chuyền, anh em cứ đùa bằng cách hay “bỏ nhỏ” đến vị trí của Bác rồi chêm vào một câu theo thói quen: “Chết chưa!”. Bác loay hoay đỡ bóng rồi nói: “Không phải là chết!”. Một số anh em cảnh vệ có lúc làm vỡ chén, buột miệng kêu: “Ôi, chết rồi!”, Bác chữa ngay: “Cái chén bị vỡ, chứ không phải là chết!”.

Thế mới thấm cái đau của Bác với sự tan vỡ, không chấp nhận cái sự cắt rời. Con người là một thể thống nhất, một khối hòa trong tính đa dạng của cộng đồng. Vậy là, hòa bình, hòa hiếu, hòa hợp, thống nhất, chung đúc lại là chữ Hòa - đó chính là tấm lòng và tư duy nhất quán của Bác.

Năm qua đi. Tháng qua đi. Sức mạnh chữ Hòa, chữ Đồng của Bác vẫn còn đó. Lòng người Việt Nam vẫn còn đây. Cây đời đất nước Việt Nam vẫn cứ xanh, một màu xanh bất tận của sự sống. Bác đã đi xa, nhưng vẫn như còn đó, mang cái ấm áp của chữ Hòa, chữ Đồng hàng ngày tưới lên hình hài Tổ quốc yêu dấu.
GS.TS. Mạch Quang Thắng


Khi con người đã Hòa rồi, thì tự nó có xung lực để vượt qua mọi sự mặc cảm, mọi sự khó khăn để đạt tới cái thiện. Minh chứng rất rõ cho điều này là trong đại dịch Covid-19, người dân Việt Nam đã đồng lòng, đồng sức, đồng tâm “hòa làm một” để chống lại đại dịch một cách thành công trong khi ngân sách, điều kiện y tế còn hạn chế so với nhiều nước khác.

Việt Nam có cái mạnh mà nhiều nước muốn cũng không có, đó là đoàn kết, là chung một ý chí, là sự đồng cảm, sẻ chia, đồng tâm, đồng cam cộng khổ.

Từ lâu rồi, Bác Hồ đã hiện diện trong đời sống tinh thần này của người Việt Nam, tiêu biểu cho sức mạnh tinh thần quật cường được khơi dậy và lan tỏa từ chữ Đồng ở mọi nơi, mọi lúc. Nó càng bùng phát mạnh lên khi đất nước khó khăn, vì chữ Đồng đã trở thành giá trị văn hóa của toàn dân tộc, mà khi đã là giá trị văn hóa thì nó thẩm thấu một cách tự nhiên rồi phổ và truyền vào các thế hệ người Việt Nam.

Chiến tranh ác liệt đã lùi xa 45 năm, chữ Hòa, chữ Đồng đã được khảo nghiệm thêm. Nó đã thành công bởi việc thực thi đường lối của Đảng về hòa hợp dân tộc trong bối cảnh thế giới không mấy yên ổn. Việt Nam đã là đối tác hữu nghị với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mỹ và Việt Nam đã trở thành hai người bạn đối tác toàn diện. Người dân Việt Nam và người Mỹ, trong đó có cả những cựu chiến binh đã từng tham chiến ở Việt Nam, thậm chí có cả cựu binh gây chết chóc ở Việt Nam trong chiến tranh trước đây, đã tới thăm Việt Nam.

Đầy mặc cảm, đầy lo lắng nhưng kết cục là những cái bắt tay, cái ôm đầy cảm thông từ cả hai phía. Khó khăn lắm chứ không dễ dàng gì. Chữ Đồng, chữ Hòa hợp đã kéo họ xích lại gần nhau, thành bạn bè.

Người Mỹ đã vậy, thế còn người Việt hoặc người nước ngoài gốc Việt? Hòa hợp đã có, nhưng đâu đó vẫn chưa thật có một chữ Toàn: Chưa toàn thể, chưa toàn tâm, chưa toàn diện... Do từ đâu thì mỗi người đều có cách lý giải.

Ngày xưa, Bác Hồ đã giải một chữ Hòa ngay sau khi lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng cách mời cả Hoàng đế Bảo Đại, người mà mấy hôm trước tại Ngọ Môn của kinh thành Huế đọc chiếu thoái vị, trở thành công dân Vĩnh Thụy, ra Hà Nội tham chính, làm tới chức Cố vấn tối cao của Chính phủ.

Bác còn trân trọng mời cả những quan lại, trí thức của chế độ cũ tham gia bộ máy Nhà nước cách mạng mà có nhiều vị lúc đầu rất mặc cảm và không ưa gì cộng sản. Đó là sức cuốn hút từ tấm lòng chân thành vì đại nghĩa của Bác. Đó cũng là sự quy tụ vào một véctơ thống nhất của sức mạnh lòng người hòa hợp.

(Bài viết có sử dụng một số sách của Bảo tàng Hồ Chí Minh,
Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hồ Chí Minh toàn tập)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.