Chất lượng sống

Nhọc nhằn mở rộng đối tượng BHXH tự nguyện

09/10/2018, 09:00

Tính đến tháng 9/2018, trên cả nước mới có 241 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, chỉ chiếm gần 1% số người...

14

Cán bộ BHXH tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế

Dù nỗ lực, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện vẫn thấp

Theo BHXH tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, BHXH tỉnh đã có nhiều giải pháp được thực hiện, từ ra công văn hướng dẫn, phát tờ rơi tuyên truyền cho đến phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách bằng cách lồng ghép các chương trình văn nghệ, hài kịch… Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ mới khai thác được thêm 173 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia trên toàn tỉnh lên con số 450 người (đạt 48,13% so với chỉ tiêu được giao).

Còn tại Bình Định, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ có 1.512 người tham gia BHXH tự nguyện (đạt tỉ lệ 44,2% kế hoạch năm), giảm tới 694 người (tương đương 31,5%) so với cùng kỳ năm 2017.

Tại tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, chính sách BHXH tự nguyện cũng được toàn hệ thống từ BHXH tỉnh đến BHXH các huyện, thị xã đặc biệt quan tâm chú trọng. Hàng trăm buổi tuyên truyền, phổ biến lồng ghép chính sách đã được cơ quan BHXH triển khai đến người dân. Dù vậy, đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk cũng mới chỉ có 1.729 người tham gia BHXH tự nguyện.

Theo ông Nguyễn Thảo Nguyên, Phó giám đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, hàng loạt giải pháp đã được BHXH tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, kết quả vẫn phải phụ thuộc vào khả năng và nhu cầu của người dân.Vì vậy, sắp tới BHXH tỉnh sẽ tập trung vào các nhóm đối tượng cụ thể để có giải pháp xử lý. Ví như nhóm đối tượng là công nhân viên chức và người lao động sẽ tinh giản biên chế tại một số đơn vị. Đây là những người đã từng tham gia BHXH và có hiểu biết về chính sách nên cơ quan BHXH sẽ tiếp tục vận động, hỗ trợ để họ tham gia tiếp BHXH tự nguyện.

Theo BHXH tỉnh Bình Định, để nâng cao tỉ lệ tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh, ngoài việc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, BHXH tỉnh cần phải đẩy mạnh kiểm tra các hoạt động của đại lý thu. Cùng với đó, sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên đại lý thu trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện…

Tại Đắk Lắk, công tác mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng được BHXH tỉnh chú trọng. Hiện nay, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã ký hợp đồng đại lý thu với 165 tổ chức (gồm 606 nhân viên) trải khắp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đã phát triển hệ thống cộng tác viên dân số theo Chương trình phối hợp số 114/CTr-BHXH-DS-KHHGĐ giữa BHXH tỉnh với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh nhằm đưa tỉ lệ người tham gia BHXH tự nguyện tăng cao...

Lợi ích của BHXH tự nguyện ra sao?

Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Phó giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác.

Trước băn khoăn BHXH tự nguyện có lợi hơn so với các loại hình bảo hiểm thương mại khác không, bà Xuân cho hay, chính sách BHXH là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện, có sự bảo hộ của Nhà nước; còn các loại bảo hiểm khác (bảo hiểm thương mại) kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Về điều kiện tham gia cũng rất khác nhau, khi mục đích của BHXH tự nguyện hướng đến giải pháp an sinh xã hội; đồng thời không đặt điều kiện về sức khỏe và mức đóng được xác định trước là 22% vào quỹ hưu trí, tử tuất. Trong khi đó, bảo hiểm thương mại có điều kiện tham gia khá ngặt nghèo về tuổi đời, sức khỏe tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo hiểm.

Về quyền lợi, bảo hiểm thương mại tính theo lãi suất thị trường; trong khi đó, BHXH tự nguyện được điều chỉnh tăng tương ứng với chỉ số giá tiêu dùng từng năm (theo quy định của Chính phủ) và được công bố tại năm mà người tham gia hưởng chế độ. Người tham gia BHXH khi chết hoặc bị thương tật vì bất cứ lý do gì thì thời gian tham gia BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng BHXH; còn bảo hiểm thương mại quy định không trả tiền bảo hiểm trong một số trường hợp...

Một điều nữa, người hưởng lương hưu được tăng lương hàng năm (tính từ năm 2003 đến nay, Chính phủ nhiều lần điều chỉnh tiền lương hưu với mức tăng 7,5 - 9,3% lần. Cùng với đó, người hưởng lương hưu khi qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại thời điểm chết, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất. Đây là ưu điểm vượt trội của chính sách BHXH; trong khi bảo hiểm thương mại chỉ được hưởng theo hợp đồng đã ký kết, trường hợp DN rủi ro phá sản thì người tham gia có thể mất hết quyền lợi... 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.