Đưa vào khai thác trước nhiều đoạn tuyến
Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài 58km, trong đó đoạn qua Đồng Nai dài gần 30km, qua tỉnh Long An dài 2,7km và qua TP.HCM dài 26,4km.
Ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban Quản lý các đường cao tốc phía Nam (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) cho hay, các nhà thầu đang gấp rút hoàn thành những công việc cuối để chuẩn bị đưa vào khai thác trước hai đoạn trong tháng 11.
Cụ thể là đoạn 3,4km từ nút giao với cao tốc Trung Lương đến quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) và 7km từ cảng Phước An đến quốc lộ 51 (Long Thành, Đồng Nai)
Theo ghi nhận, các đoạn tuyến chuẩn bị đưa vào khai thác đến nay cơ bản hoàn thành các hạng mục chính. Nhà thầu đang hoàn thiện lắp đặt trạm thu phí, giá long môn, tấm chắn sáng, biển báo…
Ở hướng phía Tây, nơi tiếp giáp với cao tốc Trung Lương, nhà thầu đang thi công đoạn tuyến 250m, là đường nối giữa cao tốc Bến Lức - Long Thành với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đoạn này là một nhánh trong nút giao của Vành đai 3 qua tỉnh Long An.
Ông Trần Thiện Trúc, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An cho biết, do Vành đai 3 khởi công sau nên tiến độ không song hành với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tuy vậy, để kịp kết nối, nhà thầu đang gấp rút thi công phần nền, cấp phối dăm để chuẩn bị thảm bê tông nhựa và đưa vào khai thác.
Cả hai đoạn tuyến này tuy không dài nhưng có ý nghĩa lớn trong việc giải tỏa ùn tắc cho hai cửa ngõ phía Đông, Tây của TP.HCM.
Cụ thể, ở hướng phía Tây, cao tốc TP.HCM - Trung Lương thường ùn tắc ở khu vực Chợ Đệm. Khi đoạn 3,4km cao tốc Bến Lức đưa vào khai thác, các phương tiện từ miền Tây lên TP.HCM có thể ra theo đoạn này để đi quận 7, Bình Chánh.
Hay ở hướng phía Đông, phương tiện khi qua cầu Long Thành có thể rẽ theo nút giao 319 đi vào các đường bên trong huyện Nhơn Trạch, ra đoạn 7km cao tốc Bến Lức - Long Thành về Vũng Tàu, tránh các điểm ùn tắc trên quốc lộ 51.
Bên cạnh đó, đoạn tuyến dài 18km từ quốc lộ 1 (Bình Chánh) đến đường Nguyễn Văn Tạo (Nhà Bè, TP.HCM) cũng đang hoàn thiện các nút giao, đường dẫn các đầu cầu, để phấn đấu đưa vào khai thác vào trước Tết 2025.
"Chúng tôi cố gắng đưa vào khai thác các đoạn tuyến để phục vụ người dân đi lại thuận tiện hơn, nhất là dịp cuối năm", ông Vị nói.
Tăng tốc thi công Vành đai 3 khi cát về
Những ngày giữa tháng 10, PV Báo Giao thông trở lại dự án Vành đai 3 qua Long An.
Đứng trên cầu quay đầu thuộc gói thầu XL-03 nhìn xuống, các cần trục sừng sững vươn cao, nhịp nhàng nâng hạ những khối bê tông nặng trịch lắp lan can cầu.
Theo ông Phan Văn Lợi, cán bộ kỹ thuật Công ty CP Trung Thành, liên danh các nhà thầu đang thi công nút giao cuối tuyến thuộc gói thầu XL-03, hiện gói thầu đạt trên 62% giá trị xây dựng.
Các nhà thầu đang huy động 6 mũi thi công với tinh thần "3 ca, 4 kíp", đã thi công đắp cát 902m đường, đạt 100%. Sau khi hoàn thành 6 nhịp cầu vượt ngang, nhà thầu đã đổ bê tông 3 nhịp bản mặt cầu.
"Trời liên tục đổ mưa nhưng nhà thầu quyết tâm hoàn thành hạng mục cầu vượt ngang, cầu quay đầu để kịp thông xe kỹ thuật cuối năm nay. Đây là hạng mục quan trọng để kết nối thêm vào cao tốc Bến Lức - Long Thành", ông Lợi cho biết.
Đang giám sát lao động trên cầu vượt Tân Bửu, ông Nguyễn Đức Phương, phụ trách chung gói thầu XL-02, thuộc Công ty CP Đầu tư xây dựng dầu khí IDICO cho biết, gói thầu có 14 mũi thi công với hơn 150 cán bộ kỹ sư, người lao động.
Phần cầu trên tuyến song hành trái đã thi công 49/54 cọc khoan cọc nhồi. Đối với đường cao tốc (cầu Tân Bửu), đã gần xong cọc khoan nhồi, song song đó là lao lắp 88 dầm, hoàn thành bản mặt cầu 11 nhịp.
Tại gói XL-01, nhà thầu đang triển 7 mũi với khoảng 60 phương tiện thi công.
Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Long An cho biết, tiến độ dự án Vành đai 3 qua Long An đạt 50,84% giá trị xây dựng, cơ bản đạt các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT. Riêng gói XL-03 thi công một số hạng mục cầu, vượt tiến độ hơn hai tháng. "Chúng tôi quyết tâm thông xe kỹ thuật toàn tuyến trong năm 2025", ông Tuấn cho biết.
Trong khi đó đoạn Vành đai 3 qua TP.HCM cũng đã bắt đầu tăng tốc.
Tại gói thầu XL03 đoạn qua TP Thủ Đức, Tập đoàn Định An đã lao lắp 6 nhịp dầm đầu tiên của đoạn trên cao. Tại gói XL01, nhà thầu đang đẩy nhanh thi công nhánh A - đoạn đường dẫn kết nối lên cao tốc Long Thành. Đây là nút giao để kết nối cầu Nhơn Trạch sẽ hoàn thành dịp 30/4/2025.
Lãnh đạo Ban quản lý đầu tư các công trình giao thông TP.HCM cho biết, đến nay các nhà thầu đã huy động được khoảng 1,1 triệu m3 cát từ các nguồn. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre cũng hoàn thành các thủ tục để cấp những mỏ cát đầu tiên cho Vành đai 3.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre cam kết hỗ trợ cát cho dự án với tổng khối lượng là 10 triệu m3 cát. Đến nay, đã có 2/13 mỏ cung cấp cát cho dự án, dự kiến trong quý IV/2024 sẽ hoàn thành cấp phép 11/13 mỏ còn lại.
Các đoạn vành đai 3 qua Đồng Nai, Bình Dương sau khi bàn giao cơ bản mặt bằng cũng đã bắt đầu tăng tốc để bù lại tiến độ trước đó chậm.
Tận dụng thời tiết tốt, ngày không xong đêm làm tiếp
Tại dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu không khí thi công đang diễn ra hối hả dù thời tiết vẫn đang ở giai đoạn sáng nắng, chiều mưa.
Trong đó, dự án thành phần 1 qua TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã được tháo gỡ khó khăn về mặt bằng. Nhà thầu tận dụng từng mét đất đã có để thi công.
"Khó khăn lớn nhất của dự án là vướng mặt bằng, thiếu đất đắp. Dù vậy Ban quản lý dự án thành phần 1 cùng các nhà thầu đã nỗ lực, làm việc xuyên ngày đêm, ngớt mưa là lại làm để tránh ảnh hưởng đến tiến độ", ông Nguyễn Linh, Phó ban quản lý dự án 1 thông tin.
Tương tự ông Trần Văn Huyện, Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu thi công gói thầu số 21, dự án thành phần 1 (Công ty Cổ phần Lizen) cho biết, từ sau lễ phát động đến nay, đơn vị cũng đã triển khai thêm nhiều mũi thi công, huy động thêm nhân sự, máy móc làm việc liên tục.
"Hiện còn khoảng 2km mặt bằng nữa nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm cao độ làm các vị trí có đất trước, khi vào mùa khô, công việc sẽ được đẩy nhanh hơn. Anh em ai cũng đồng lòng, ngày không xong thì tiếp tục làm đêm, nhờ vậy đoạn này đường đã nên hình vóc", ông Huyện nói.
Còn dự án thành phần 2 mặt bằng cơ bản thuận lợi hơn với 124ha đất đã được bàn giao, công tác thi công triển khai trên diện rộng.
Trong đó, gói thầu số 9 thi công từ Km16+000 - Km23+000 đang triển khai phần cầu và phần đường.
Còn gói thầu số 10 - thi công xây dựng đoạn Km23+000 - Km 34+200 đang triển khai 42 mũi thi công với 384 nhân sự, 120 đầu máy thiết bị.
Phần cầu đang đúc dầm nhưng do mặt bằng hạn chế nên chưa khai thác nhiều được các hạng mục khác.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Ban QLDA thành phần 2 của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cho biết, mặt bằng của dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu thi công. Tuy nhiên, các đơn vị thi công vẫn gặp khó khăn do thiếu đất đắp nền.
Riêng dự án thành phần 3 qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sản lượng đạt trên 50%. Cả 3 nhà thầu đang triển khai đồng bộ phần đường, cầu trên tuyến. Đường đã nên hình vóc, tạo thành dải lụa dài xuyên núi hướng về phía biển.
Dự kiến đoạn tuyến này sẽ hoàn thành sớm hơn nhiều tháng so với kế hoạch vào dịp 30/4/2025.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53,7km, chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó dự án thành phần 1 dài 16km qua địa bàn Đồng Nai. Dự án Thành phần 2 dài khoảng 18,2km cũng ở Đồng Nai. Riêng dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5km qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án Vành đai 3 có chiều dài 76km, đi qua 4 địa phương, gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng.
Dự án chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án, gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58km, đi qua các tỉnh: Long An (2,7km), TP.HCM (26,4km) và Đồng Nai (28,7km). Tổng mức đầu tư đến nay gần 29.600 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận