Tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", thi công "3 ca, 4 kíp" được các chủ đầu tư, nhà thầu phát huy tối đa, quyết tâm đưa dự án về đích đúng kế hoạch.
Làm xuyên đêm, không lệ thuộc thời tiết
Những ngày cuối tháng 10, trên công trường dự án cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, dù đang là mùa mưa nhưng không khí lao động vẫn rất nhộn nhịp.
Đi dọc tuyến, chỉ còn một số đoạn ngắn ở các nút giao, đầu cầu là đang trong giai đoạn đắp đất. Còn lại đã chuyển sang giai đoạn làm cấp phối đá dăm, gia cố xi măng, có đoạn nhà thầu đã thảm xong bê tông nhựa lớp 1 và đóng hộ lan, chuẩn bị thảm lớp 2. Nhờ làm xong cơ bản phần nền nên việc thi công ít bị lệ thuộc vào thời tiết.
Tại điểm hạ cấp đồi Long Tương, 6 máy đục gắn búa vẫn đang đục phá từng vỉa đá. Kỹ sư Phạm Thế Công, chỉ huy trưởng công trường (nhà thầu Vinaconex) cho biết: "Vị trí này là một trong những điểm găng tiến độ của toàn dự án.
Do địa chất rời rạc nên phương pháp nổ mìn không thực hiện được, phải dùng máy đục thủ công nên rất mất thời gian. Phần đường, trừ các đoạn đắp đất gia tải đang trong giai đoạn chờ lún đã cơ bản xong nền, chỉ cần trời không mưa lớn là có thể thi công được".
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc", đơn vị đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát để nhận diện rõ thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và phân nhóm các dự án để tham mưu Bộ GTVT và cấp thẩm quyền tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn.
Xác định khối lượng công việc còn lại rất lớn, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã tham mưu Bộ GTVT, cấp thẩm quyền chỉ đạo các đơn vị xây dựng tiến độ thi công tổng thể, tiến độ chi tiết từng công trình, hạng mục, gói thầu.
Đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có kế hoạch hoàn thành ngày 30/4/2025, yêu cầu đặt ra là phải hoàn thành toàn bộ công tác nền, móng mặt đường, công trình cầu, hầm trước ngày 31/12 để tổ chức thi công hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông.
Các dự án còn lại cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ, đặc biệt là công tác xử lý nền đất yếu, thi công hầm, cầu lớn để bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Thời gian tới, Cục Quản lý đầu tư xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đơn vị, chủ động nắm bắt diễn biến thi công thực tế, nhận diện khó khăn ở từng dự án, từ đó tham mưu Bộ GTVT, cấp thẩm quyền đề ra giải pháp phù hợp ở từng thời điểm.
Tinh thần "vượt nắng, thắng mưa" cũng được nhà thầu Tổng công ty 319 quán triệt đến từng người lao động.
Trên công trường, hơn 500 kỹ sư, công nhân với hơn 300 đầu phương tiện, thiết bị các loại được huy động. Vật tư, vật liệu phục vụ giai đoạn nước rút đã được tập kết đầy đủ, đảm bảo thi công liên tục "3 ca, 4 kíp".
Kỹ sư Trần Đình Ngân, chỉ huy trưởng công trường cho biết, đơn vị tổ chức thi công cuốn chiếu các hạng mục phù hợp với thời tiết, phấn đấu đưa tuyến chính thông xe vào dịp 30/4/2025. Đơn vị tự xây dựng các chương trình thi đua và sẵn sàng thưởng lớn cho các mũi, tổ đổ đội thi công đạt sản lượng cao, vượt tiến độ.
Sát cánh cùng với các nhà thầu trong giai đoạn nước rút, các cán bộ của Ban quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) cũng làm việc không nghỉ, ngày ra công trường kiểm tra tiến độ, tối về tranh thủ hoàn tất hồ sơ, làm nội nghiệp để sớm có tiền cho nhà thầu thi công.
Ông Hoàng Chiến Thắng, Giám đốc điều hành dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi cho biết, tổng sản lượng 2 hai nhà thầu đạt giá trị tương đương 2.881 tỷ đồng, bằng 62% hợp đồng.
"Để đáp ứng tiến độ thông xe, chúng tôi yêu cầu nhà thầu duy trì 100% quân số và máy móc. Đồng thời, bổ sung cán bộ từ Hà Nội vào để làm công tác nội nghiệp, sẵn sàng làm việc xuyên đêm", ông Thắng nói.
Điều chuyển ngay khối lượng nếu nhà thầu làm chậm
Tại dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, trong điều kiện thời tiết miền Trung bước vào mùa mưa, các nhà thầu linh hoạt chuyển từ thi công nền đường sang làm cầu, cống.
Các mũi thi công gần 500 cầu, cống các loại đều có nhân lực, máy móc làm việc bất kể mưa gió. Đặc biệt, nhà thầu tập trung tối đa nhân lực, thiết bị thi công hệ thống 3 hầm xuyên núi. Tổng cộng có 4.000 nhân lực, gần 1.800 thiết bị được duy trì.
Ghi nhận tại hầm số 1 và số 2 có chiều dài lần lượt 610m và 700m, tiến độ thi công nền đường, bê tông vỏ hầm đang được nhà thầu Đèo Cả tăng tốc.
Đại diện nhà thầu cho biết, sau khi hầm số 1 và 2 đã đào thông, vượt tiến độ 4 tháng. Đến nay, cả hai hầm đã hoàn thành bê tông vỏ hầm, chuẩn bị lắp đặt thiết bị.
Riêng hầm số 3, nhà thầu bố trí nhiều máy khoan hiện đại, nhân lực bám công trường 24/24h. Ghi nhận ở cả hai mũi thi công cửa hầm phía Nam trên địa phận tỉnh Bình Định và cửa hầm phía Bắc qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, không khí rất khẩn trương với hàng trăm lao động và máy móc.
"Chúng tôi nỗ lực không ngừng để thông hầm vào ngày 30/4/2025", đại diện nhà thầu khẳng định và cho biết, để đưa dự án về đích vượt tiến độ 6 tháng, liên danh các nhà thầu đã tăng mũi thi công, tăng nhân sự, thiết bị đến công trường.
Dọc tuyến, những vị trí do nhà thầu phụ đảm trách nhưng khối lượng không đạt, năng lực yếu thì tổng thầu báo cáo chủ đầu tư để cắt, điều chuyển khối lượng.
Đại diện Ban Quản lý dự án 2 cho biết, sau 22 tháng, tiến độ dự án đạt hơn 45%, sản lượng gia tăng mỗi ngày. Lũy kế đến nay, dự án đạt gần 6.200 tỷ đồng trong tổng số hơn 13.400 tỷ đồng vốn xây lắp.
Riêng năm 2024, kế hoạch vốn bố trí cho dự án hạng mục xây lắp hơn 4.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân khoảng 2.700 tỷ đồng, đạt hơn 66%.
Tại dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, đến nay nhiều đoạn trên tuyến đã thảm bê tông nhựa, lắp đặt hộ lan, dải phân cách.
Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", mặt bằng đến đâu thi công đến đó, đến nay nhiều đoạn trên tuyến đã cơ bản hoàn thành.
Lũy kế sản lượng của dự án đạt hơn 61%. Hiện còn một số vị trí thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Bình, chủ đầu tư đang rốt ráo với địa phương giải quyết.
Tại dự án Vân Phong - Nha Trang, Ban Quản lý dự án 7 cho biết, hiện đang có 1.300 nhân lực và 800 thiết bị thi công.
Trên truyến, các nhà thầu đã thảm 77% lớp nhựa C19; lắp 53% dải phân cách, 53% hộ lan tôn sóng và 44% hàng rào. Sản lượng thi công lũy kế hơn 76% giá trị hợp đồng, tiến độ hoàn thành trước ngày 30/4/2025 là rất khả quan.
Tăng tốc thi công khi có cát
Tại khu vực phía Nam, dự án Vành đai 3 TP.HCM cũng đang được các địa phương đẩy nhanh tiến độ, dù thời tiết mưa liên tục.
Tại đoạn qua Long An, ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Long An cho biết, tiến độ dự án đạt hơn 50% giá trị xây lắp, cơ bản đạt các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT. "Chúng tôi quyết tâm thông xe kỹ thuật toàn tuyến trong năm 2025", ông Tuấn cho biết.
Trong khi đó, đoạn qua TP.HCM cũng đã bắt đầu tăng tốc. Đến nay, các nhà thầu đã huy động được khoảng 1,1 triệu m3 cát từ các nguồn cho dự án. Đến nay, đã có 2/13 mỏ cung cấp cát cho dự án, dự kiến trong quý IV/2024 sẽ hoàn thành cấp phép 11/13 mỏ còn lại.
Các đoạn Vành đai 3 qua Đồng Nai, Bình Dương sau khi bàn giao cơ bản mặt bằng cũng đã bắt đầu tăng tốc để bù lại tiến độ trước đó chậm.
Tại dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, không khí thi công đang diễn ra hối hả dù thời tiết vẫn sáng nắng, chiều mưa. Trừ đoạn qua Đồng Nai đang vướng mặt bằng một số vị trí, còn đoạn qua qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sản lượng đạt trên 50%.
Cả 3 nhà thầu đang triển khai đồng bộ phần đường, cầu trên tuyến. Một số đoạn đang gia cố bê tông xi măng, thảm nhiều lớp đá, tưới nhựa đường. Đường đã nên hình vóc, dự kiến hoàn thành sớm hơn nhiều tháng so với kế hoạch vào dịp 30/4/2025.
Tại cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, vừa bước qua giai đoạn khó khăn do thiếu hụt cát, các nhà thầu phải đương đầu với những trận mưa triền miên.
Đại tá Trần Hải Bắc, Giám đốc Ban điều hành TCT Xây dựng Trường Sơn, nhà thầu cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chia sẻ, những trận mưa lớn kéo dài nhiều tháng qua đã ảnh hưởng gần như toàn bộ tiến độ thi công, nhưng không vì vậy mà nhà thầu bị động.
"Ảnh hưởng lớn nhất là khi chúng tôi vận chuyển vật liệu, thiết bị nặng đến công trường. Tiến độ các cầu trên tuyến cũng bị ảnh hưởng không ít. Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng chúng tôi quyết nỗ lực để hoàn thành dự án trong 500 ngày đêm", đại tá Bắc nói thêm.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, sản lượng thi công cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đạt 46% kế hoạch, chậm 11%. Về nguồn vật liệu cát, hiện nhà thầu đã đưa về công trường 9,8 triệu m3, còn thiếu hơn 5,6 triệu m3. Ban đã làm việc với 5 tỉnh miền Tây để đảm bảo nguồn cát còn thiếu.
Ba nhóm dự án kế hoạch hoàn thành năm 2025
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT, 28 dự án/dự án thành phần (16 dự án/dự án thành phần do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản, 12 dự án/dự án thành phần do địa phương làm cơ quan chủ quản) có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, được chia thành 3 nhóm.
Nhóm 1 gồm 14 dự án/dự án thành phần (tổng chiều dài 742km) cơ bản không còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tại nhóm dự án này, nổi bật có 10 dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đang đạt giá trị thực hiện lớn, vượt tiến độ và đăng ký rút ngắn thời gian.
Trong đó, 6 dự án thành phần đăng ký rút ngắn tiến độ khoảng 6 tháng so với kế hoạch đang tăng tốc về đích dịp 30/4/2025 gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Vân Phong - Nha Trang.
Có 3 dự án thành phần đăng ký rút ngắn tiến độ 3 tháng so với hợp đồng đặt mục tiêu về đích tháng 9/2025 gồm: Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong.
Riêng dự án đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có 3 hầm xuyên núi lớn nhưng nhà thầu đã nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, đăng ký rút ngắn tiến độ 8 tháng so với kế hoạch để về đích vào cuối năm 2025.
Nhóm thứ 2 gồm 9 dự án/dự án thành phần cần phải quyết liệt, tập trung tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, vật liệu, nỗ lực tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" để hoàn thành trong năm 2025.
Về mặt bằng, có 2 dự án chưa đáp ứng tiến độ về GPMB là Hòa Liên - Túy Loan (tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 92%) và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua Khánh Hòa (tỷ lệ bàn giao đạt 89%), các địa phương cần phải khẩn trương bàn giao 100% mặt bằng sạch ngay trong tháng 10 này.
Về vật liệu, dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau, công suất khai thác cát phục vụ thi công chưa đáp ứng tiến độ, hiện chỉ đạt trung bình 50.000m3/ngày trong khi nhu cầu cần 76.000m3/ngày. Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh công tác khai thác cát biển, huy động cấp phối đá dăm để gia tải, giảm áp lực cho nguồn cát sông.
Tại dự án Hòa Liên - Túy Loan, thách thức ở nguồn cung vật liệu đá. Tương tự, dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang cần sớm giải quyết các thủ tục để nâng công suất khai thác các mỏ đá trên địa bàn mới đáp ứng tiến độ.
Nhóm thứ 3 gồm 5 dự án/dự án thành phần và đoạn qua cầu Phước Khánh thuộc dự án Bến Lức - Long Thành (tổng chiều dài 136km). Đây là nhóm dự án hiện đang gặp rất nhiều thách thức, cả về mặt bằng và nguồn vật liệu.
Nguồn vật liệu cho các dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP.HCM, mặc dù đã có nhiều chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được tháo gỡ. Các cơ quan chủ quản, các địa phương cần tập trung giải quyết dứt điểm để khai thác trong tháng 10/2024.
Nam Khánh
Đưa từng đoạn tuyến cao tốc vào khai thác
Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài 58km, trong đó đoạn qua Đồng Nai dài gần 30km, qua tỉnh Long An dài 2,7km và qua TP.HCM dài 26,4km.
Ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban Quản lý các đường cao tốc phía Nam (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) cho hay, các nhà thầu đang gấp rút hoàn thành những công việc cuối để chuẩn bị đưa vào khai thác trước hai đoạn trong tháng 11. Cụ thể là đoạn 3,4km từ nút giao với cao tốc Trung Lương đến quốc lộ 1 (Bình Chánh, TP.HCM) và 7km từ cảng Phước An đến quốc lộ 51 (Long Thành, Đồng Nai).
Ở hướng phía Tây, nơi tiếp giáp với cao tốc Trung Lương, nhà thầu đang thi công đoạn tuyến 250m, là đường nối giữa cao tốc Bến Lức - Long Thành với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đoạn này là một nhánh trong nút giao của Vành đai 3 qua tỉnh Long An.
Ông Trần Thiện Trúc, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An cho biết, do Vành đai 3 khởi công sau, nên tiến độ không song hành với cao tốc Bến Lức - Long Thành, theo hợp đồng phải đến tháng 12/2024 mới hoàn thành. Tuy vậy, để kịp kết nối, ngày qua nhà thầu đang gấp rút thi công phần nền, cấp phối dăm để chuẩn bị thảm bê tông nhựa và đưa vào khai thác. Cả hai đoạn tuyến này tuy không dài nhưng có ý nghĩa lớn trong việc giải tỏa ùn tắc cho hai cửa ngõ phía Đông, Tây của TP.HCM.
Bên cạnh đó, đoạn tuyến dài 18km từ quốc lộ 1 (Bình Chánh) đến đường Nguyễn Văn Tạo (Nhà Bè, TP.HCM) cũng đang hoàn thiện các nút giao, đường dẫn các đầu cầu, để phấn đấu đưa vào khai thác vào trước Tết 2025.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận