Đường bộ

Những "bóng hồng" trên đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên

19/01/2022, 07:00

Những câu chuyện về đời, về nghề của những "bóng hồng" cắm chốt trên đại công trường khiến chúng tôi xúc động...

Những ngày Tết năm 2015, chúng tôi rất bất ngờ khi bắt gặp rất nhiều “bóng hồng” vẫn cắm chốt trên đại công trường nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Và những câu chuyện về đời, về nghề của họ mới thực sự khiến chúng tôi xúc động...

img

Để có tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên rộng đẹp như ngày nay, hàng trăm cán bộ, công nhân đã đón Tết ngay tại công trường để đẩy nhanh tiến độ

Bụng bầu vượt 700km lên Tây Nguyên ăn Tết cùng chồng

Sáng mùng 2 Tết Âm lịch 2015, đoàn lãnh đạo Bộ GTVT kiểm tra và chúc Tết cán bộ công nhân dự án BOT qua Gia Lai thuộc dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Cả đoàn rất bất ngờ khi thấy một người phụ nữ đang mang bầu, hì hụi nấu ăn tại lán trại của công nhân.

Chúng tôi hỏi sao bụng mang dạ chửa không về quê ăn Tết cùng gia đình mà ở lại công trường? Trò chuyện một lát chị cho biết, chị tên Cúc, quê tận Tiền Giang.

Trước năm 2017 Châu Thị Sỹ làm việc cho nhà thầu khác, tôi quan sát thấy những gói thầu Sỹ chỉ huy đều đảm bảo tiến độ và kỹ thuật hơn những gói thầu công ty tôi lúc đó. Năm 2017, biết Sỹ có nguyện vọng về công ty tôi, tôi nhận ngay. Và tài năng lãnh đạo của Sỹ ngày càng thể hiện rõ, anh em trên công trường rất nể phục. Một thời gian sau, Sỹ được bầu làm phó giám đốc.

Ông Lê Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn

Tết này chồng phải ở lại công trường dồn lực thi công đẩy nhanh tiến độ nên bắt xe lên Tây Nguyên với chồng.

“Em xin mãi chồng mới cho theo lên công trường. Bụng bầu đến tháng thứ 5, lại đi xa đến 700km, nhiều người cản nhưng em quyết đi cho bằng được lên động viên chồng, nấu cho các anh em bữa cơm ngày Tết”, chị Cúc nói.

Nhiều anh em công nhân khoe, Tết có bàn tay phụ nữ nấu ăn nên không còn cảm giác nhớ nhà. Trong giờ phút Giao thừa cũng ấm cúng hẳn.

“Bữa đầu em nấu theo khẩu vị miền Tây các anh ăn đồ ngọt không hợp nhưng ai cũng khen ngon vì mọi người sợ em buồn”, chị Cúc chia sẻ.

“Tuy xa nhà nhưng chúng em chẳng thiếu gì cả. Trong lán cũng có hoa đào, có bánh chưng, bánh tét. Ngày mùng 1 Tết, chúng em được chủ đầu tư đến chúc Tết, nay lại được các bác ở Bộ GTVT vào chúc Tết, em vui lắm”, anh em công nhân nói.

Đến tuyến đường Hồ Chí Minh qua Bình Phước, chúng tôi rất bất ngờ khi thấy một “bóng hồng” chia tay Thủ đô Hà Nội để vào Bình Phước ăn Tết cùng chồng.

Đó là chị Trịnh Minh Hồng, cán bộ tài chính kế toán của Ban QLDA, là vợ của anh Lê Ngọc Tuấn, cán bộ Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, quản lý dự án 14 cầu qua tỉnh Bình Phước.

Chị Hồng tâm sự: “Năm ấy, biết được thông tin cán bộ, công nhân viên ăn Tết trên công trường để thi công bảo đảm tiến độ dự án, em động viên chồng xin lãnh đạo ở lại công trường. Sau đó, em sẽ vào ăn Tết cùng chồng. Hai người cùng làm trong Ban QLDA, nên vợ chồng em rất hiểu công việc, thấu hiểu được sự quyết tâm của ngành GTVT. Chúng em đã nhất trí vui xuân cùng bà con trên đường Hồ Chí Minh”.

“Chị Hai” trên công trường Tây Nguyên

Ở gói thầu số 9A qua Đắk Lắk, chúng tôi bất ngờ khi một phụ nữ còn rất trẻ đại diện cho nhà thầu, báo cáo tiến độ công trình với lãnh đạo Bộ GTVT.

Đó là cô gái xinh đẹp Châu Thị Sỹ, khi đó chị đang là Phó trưởng ban điều hành gói thầu. Tết năm ấy, Sỹ gửi 2 con lại cho ông bà, ra công trường ăn Tết cùng anh em để điều hành gói thầu thi công xuyên Tết.

Không biết từ lúc nào, anh em công nhân cầu đường trên Tây Nguyên gọi Châu Thị Sỹ với cái tên khá thân thiện: “Chị Hai”.

Còn Châu Thị Sỹ chỉ cười mà không ngần ngại nói rằng: “Em cũng không biết. Nhưng vì đam mê những con đường mà em đã đánh đổi cả hạnh phúc gia đình”.

Với cái tuổi 36, nhưng Châu Thị Sỹ đã có gần chục năm làm chỉ huy trên công trường. Ít ai biết Sỹ là người “tay ngang”, không phải dân học ngành GTVT.

Sau khi ra trường với tấm bằng ngành xây dựng, một thời gian Sỹ làm cho Tập đoàn Trường Hải. Khi khởi công đường Hồ Chí Minh qua quê hương Sỹ (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), Sỹ nộp hộ sơ xin làm công nhân cầu đường.

Nhưng khi lãnh đạo Công ty TNHH Trường Sơn Anh xem hồ sơ thấy Sỹ có bằng cao đẳng xây dựng đã bố trí làm cán bộ kỹ thuật, giám sát công trường. Với lòng nhiệt tình, ham học hỏi Sỹ trở thành người chỉ huy trên công trường cầu đường.

Sỹ chia sẻ: “Lúc ấy, em cũng chẳng nghĩ gì nhiều đâu anh, em chỉ biết làm, rồi cái gì không biết em hỏi các anh chị kỹ thuật lớn tuổi. Mỗi lần đến đâu thấy các em nhỏ lần mò đường trơn đến trường, tuổi thơ em lại ùa về, và em mong những em nhỏ không phải vất vả đến trường nữa. Từ đó, em đam mê với những công trình giao thông”.

Đeo đuổi đam mê với những con đường khiến Sỹ phải đánh đổi nhiều thứ, trong đó có cả hạnh phúc gia đình. Tết 2015 đó cũng là thời điểm vợ chồng Sỹ chuẩn bị ly hôn.

Sỹ nói, có rất nhiều lý do để vợ chồng không thể hàn gắn được. Việc Sỹ phải bỏ 2 đứa con cho chồng chăm sóc để đi công trường hết ngày này qua ngày khác cũng chỉ là một lý do. “Em buồn lắm anh ơi, em chỉ biết làm việc trên công trường để vơi đi những nỗi buồn”, Sỹ tâm sự.

Hai năm sau khi ly hôn, chồng Sỹ cũng qua đời. Sỹ một mình nuôi 2 con nhỏ. “Nhiều lúc em muốn bỏ nghề, nhưng lại nghĩ nhà mình ở thị xã Buôn Hồ, con cái mình được đến trường trên con đường nhựa phẳng phiu. Nhưng còn bao cháu nhỏ trên Tây Nguyên đang lội bộ đến trường. Nên đến giờ em vẫn gắn bó với ngành cầu đường…”, Sỹ nói.

Dự án đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ bản đi trùng với QL14, có chiều dài 663km từ Đắk Zôn, tỉnh Kon Tum đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Trong đó, khoảng 134km qua đô thị các tỉnh Tây Nguyên và đoạn nối Kon Tum với PleiKu được triển khai từ năm 2008, hoàn thành cuối năm 2013, đầu năm 2014 và 419km chia làm 11 dự án thành phần với 6 dự án TPCP và 5 dự án BOT, được đầu tư trong giai đoạn 2013 - 2015.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.