Bộ Công an cho biết, Luật Căn cước đã được Quốc hội khóa 15, kỳ họp thứ 6 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7. Hiện cơ quan chức năng đang tích cực xây dựng nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Căn cước.
Đáng chú ý, một số nội dung mới sẽ được quy định trong Luật Căn cước như: Cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 6 tuổi và dưới 14 tuổi; Thu thập dữ liệu về mống mắt và ADN để cập nhật vào trong cơ sở dữ liệu về căn cước.
Theo Bộ Công an, đối với những người đến thời điểm đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước, Cục Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) sẽ cấp thẻ căn cước theo hiệu lực của Luật Căn cước.
Còn người được cấp thẻ căn cước là trẻ em dưới 6 tuổi và trẻ em từ 6 đến 14 tuổi, người gốc Việt nhưng không có quốc tịch Việt Nam mà cư trú lâu dài, ổn định tại Việt Nam thì sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước.
Bên cạnh đó, người dân đến làm cấp mới, cấp đổi thẻ căn cước theo quy định của luật mới thì cơ quan chức năng sẽ thu thông tin về sinh trắc học gồm ảnh, khuôn mặt, vân tay và mống mắt.
Riêng đối với ADN và giọng nói, đại diện Cục C06 bổ sung, những thông tin này sẽ thu nhận qua các dữ liệu của cơ quan quản lý.
Ví dụ như: Cơ quan tố tụng tiến hành các biện pháp tố tụng, liên quan đến giám định ADN, giọng nói; Cơ quan xử lý hành chính đối với các đối tượng có liên quan thì sẽ thu nhận qua quá trình đến làm việc.
Trường hợp công dân có nhu cầu đồng ý lấy kết quả thông tin về sinh trắc học (ADN, giọng nói...) thì lực lượng thực hiện nhiệm vụ làm thẻ căn cước mới tiến hành giám định ADN để đưa vào thông tin của công dân.
Bộ Công an cũng khẳng định, sau thời điểm ngày 1/7, người đang sử dụng thẻ căn cước công dân mà chưa hết thời hạn ghi trên thẻ thì vẫn tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn.
Tuy nhiên, công dân có nhu cầu muốn đổi từ thẻ căn cước công dân (dù chưa hết thời hạn sử dụng) sang thẻ căn cước mới, cơ quan chức năng vẫn tiến hành đổi theo mong muốn của người dân.
Chứng minh thư nhân dân được cấp lần đầu tiên vào năm 1957, chứa 9 chữ số định danh và được cấp cho người từ 18 tuổi trở lên, thời hạn sử dụng 5 năm.
Năm 1964, giấy chứng minh nhân dân mới ra đời song về cơ bản không có nhiều thay đổi so với mẫu cũ. Từ năm này, công dân từ 14-17 tuổi được cấp giấy chứng nhận căn cước.
Năm 1976, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân hai miền Bắc và Nam, Chính phủ đã thống nhất sử dụng một mẫu giấy chứng minh chung. Điểm mới lần này là người từ đủ 15 tuổi trở lên được cấp giấy tờ này.
Năm 1999, Chính phủ ban hành quy định về giấy chứng minh thư nhân dân mẫu mới. Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp chứng minh thư.
Năm 2012, Bộ Công an cấp chứng minh thư mẫu mới với vật liệu thiết kế bằng nhựa. Đây là lần đầu tiên chứng minh thư được nâng từ 9 chữ số thành 12 chữ số.
Năm 2016, Luật Căn cước công dân quy định Bộ Công an lần đầu tiên là cơ quan cấp thẻ căn cước công dân thay giấy chứng minh thư. Thẻ căn cước công dân sử dụng vật liệu nhựa cứng, được in mã số định danh cá nhân gồm 12 số. Đặc biệt, mặt sau của thẻ có mã vạch điện tử.
Năm 2021, thẻ căn cước công dân gắn chip chính thức ra đời, nhiều thông tin như mã số định danh cá nhân, kích thước tương đương thẻ cũ. Điểm mới là chip điện tử gắn trên thẻ có thể lưu giữ hàng chục thông tin dữ liệu công dân.
Từ 1/7/2024, thẻ căn cước sẽ thay thế cho thẻ căn cước công dân. Mẫu thẻ căn cước sẽ lược bỏ thông tin về quê quán, bỏ dấu vân tay ngón trỏ so với mẫu thẻ cũ. Ngoài ra, thẻ căn cước sẽ có thêm thông tin về ADN, mống mắt, giọng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận