Rất đông phóng viên dự họp báo sáng 6/12 tại trường Tiểu học Quang Trung Ảnh: Hiếu Nguyễn |
Sáng 6/12, tại kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo địa phương.
Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo có số phiếu tín nhiệm cao thấp nhất trong số 31 người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.
Không biết do quá trình điều hành ngành có vấn đề hay do đang trong cơn tai tiếng liên quan vụ một học sinh lớp 6, trường THCS Duy Ninh bị tát 231 cái gây chấn động dư luận.
Vụ việc này không cần phân tích nhiều, cô giáo sai hoàn toàn. Sai thì phải biết nhận lỗi để sửa chứ đừng tìm cách chống chế: Nào là phụ huynh đã ký bản thỏa thuận tha thứ, con họ không vấn đề gì, vẫn đi học bình thường. Học sinh nói tục bị cô trừng phạt bằng cách cho ăn tát không phải một lần mà đã làm nhiều lần thì cô có gì phải sốc đến nỗi phải... nhập viện?
Chuyện đã lắng thì cô Hiệu trưởng lại xới lên bằng vụ “tra khảo” học sinh bằng cách trả lời hai chục câu hỏi, như thể hỏi cung để có cơ sở kết luận vụ việc.
Dư luận chưa hết choáng váng thì chuyện tát học sinh - như một bệnh dịch, đã lan ra tận Hà Nội. Một học sinh lớp 2 trường Tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa) được cho là bị tát hàng chục cái đã khiến lãnh đạo thành phố lập tức yêu cầu đình chỉ giáo viên đứng lớp.
Ngày 6/12, ban lãnh đạo trường này đã nhanh chóng họp báo cho biết: “Bước đầu xác minh, trong giờ hướng dẫn tự học, hai em gây mất trật tự, lúc này, cô giáo nói bâng quơ “mất trật tự thì tát cho nó một cái” và thế là em học sinh kia đã tát cháu P.”.
Nghe qua, ai cũng thấy mọi sự bất bình thường: Cô giáo gọi học sinh là “nó”, trừng phạt học sinh mất trật tự bằng cách cho bạn tát, có học sinh nào cả gan tát bạn đến chừng đó cái nếu cô chỉ nói “bâng quơ”?.
Trong cuộc gặp nói trên, nhà trường mời mẹ của cháu bé bị tát đến chia sẻ với báo chí nhưng không có cô giáo (cho dù cô này đang bị đình chỉ dạy 15 ngày). Nếu nhà trường và cô giáo đó đối diện với sự thật, đối diện với sai lầm của mình thì không cần né tránh, thậm chí phải xin đến đó để giãi bày.
Tôi không thích cách săm soi đời tư kiểu cô giáo đó con ai, vì cô ấy đã đến tuổi chịu trách nhiệm của mình, nhưng có vẻ như cô ấy “chưa đủ lớn”- hiểu theo một nghĩa nào đó. Vì thế, dư luận tò mò về gia thế nhà cô hẳn cũng không sai.
Vì sao ngành Giáo dục lắm chuyện lạ lùng đến vậy, hết trong Nam tới ngoài Bắc, từ trường điểm tới trường thường? Theo tôi, nguyên nhân xuất phát từ phương pháp giáo dục “đồng phục”, không phát huy vai trò cá nhân, học sinh không dám có chính kiến, dẫn đến cô bảo tát là tát bạn hoặc chịu để tát.
Đối với giáo viên thì xuất phát từ bệnh thành tích. Phải làm mọi cách để “trường mình không xấu”. Kiểu cô hiệu trưởng trường Duy Ninh khẩn nài báo chí đừng nói vì “trường sắp đạt chuẩn quốc gia”.
Nếu trường học giáo dục học sinh coi trọng giá trị cá nhân, biết trung thực, biết nhận lỗi sửa sai hẳn sẽ bớt đi những chuyện đau lòng như trên. Và ngành Giáo dục vốn coi trọng lễ nghĩa làm đầu cũng không có chuyện để một phụ huynh đến mạt sát thày giáo trường PTCS Trần Huỳnh, TP Bạc Liêu về chuyện cái quần cụt của con mình rồi đưa clip lên trang cá nhân để bị cộng đồng mạng “ném đá”.
Không có gì khó bằng “trồng người”. Việc khó thì phải có người giỏi, người có tâm để làm. Chúng ta chia sẻ với cái khó của ngành Giáo dục nhưng thày cô cũng nên chia sẻ với phụ huynh. Con cái là cả niềm ước mơ và tương lai của họ.
Con người, kể cả thày cô, không lúc nào toàn bích, nhưng phải học cách nhìn thấy lỗi và nhận lỗi.
Một người đi qua giẫm vào chân ta đau điếng, nhưng người đó quay lại xin lỗi thì chúng ta, cũng thường nở một nụ cười (cho dù méo xẹo) để nói: “Không sao!”. Nhưng nếu họ làm ta hay con cái chúng ta đau, rồi gian dối, trí trá để khỏa lấp, thì trách nhiệm của chúng ta là phải làm cho rõ, trước hết là để bài học làm người được sáng rõ trong chính môi trường giáo dục.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận