Mạng lưới ngân hàng vào cuộc
Về bao phủ BHXH bắt buộc, tính đến ngày 26/11, Bạc Liêu đã đạt tỷ lệ 93,4% chỉ tiêu được giao; riêng BHXH tự nguyện mới đạt 58,1% chỉ tiêu. Tuy nhiên, diễn biến dịch phức tạp trên địa bàn khiển mục tiêu tăng người tham gia BHXH tự nguyện trong thán cuối năm là điều không dễ dàng.
Chính vì vậy, sau khi được sự đồng ý của UBND tỉnh, cơ quan BHXH địa phương đã “nhờ” mạng lưới ngân hàng trên địa bàn đồng. Theo ông Lê Danh Đấu, Giám đốc BHXH tỉnh Bạc Liêu, đơn vị đã nhận được sự đồng ý hỗ trợ từ phía lãnh đạo các ngân hàng. Theo đó phía ngân hàng lập chỉ tiêu phấn đấu đến mỗi nhân sự ngân hàng, giúp BHXH, giúp an sinh xã hội tỉnh nhà bằng cách vận động vận động 3 người thân tham gia BHXH tự nguyện…
Nỗ lực vận động bà con vùng cao tham gia BHXH tự nguyện
Như vậy, từ nay đến cuối năm, sẽ có hàng chục ngân hàng trên địa bàn Bạc Liêu tham gia hành trình này, hứa hẹn giúp hàng ngàn bà con khó khăn tránh khỏi việc lọt lưới an sinh ở nhiều xã.
Năm 2019, Bạc Liêu có 724.055 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 88,08% dân số, cao hơn 2,88% so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, giảm còn 723.098 người tham gia. Năm 2021, Bạc Liêu được giao 774.277 người tham gia BHYT, nhưng đến ngày 26/11 mới có 544.781 người tham gia, đạt 70,4% chỉ tiêu.
Được biết, hồi đầu tháng 8, sau khi nắm tình hình, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã yêu cầu các cấp, các ngành cần khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ, trong đó chú tâm vận động 3 nhóm: NLĐ và chủ SDLĐ, HSSV, hộ gia đình. “Nhờ chỉ đạo sâu sát và quyết liệt nên không chỉ mạng lưới ngân hàng mà các cấp, các ngành trên địa bàn đều chung tay vào cuộc. Tất cả đều đồng lòng cùng hệ thống BHXH tỉnh Bạc Liêu vực dậy tỷ lệ bao phủ BHYT từ nay đến hết năm 2021”, lãnh đạo BHXH tỉnh cho hay
Bám làng, bám bản để lan tỏa an sinh
Huyện Đà Bắc Hòa Bình có trên 90% dân số là người Tày, Mường, Dao, Thái; kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nghề nông nên cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, phần lớn chưa hiểu về chính sách BHXH tự nguyện. Thế nhưng, do sự đồng lòng vào cuộc của hệ thống chính trị- xã hội, nên công tác phát triển BHXH tự nguyện tại Đà Bắc luôn là điểm sáng của tỉnh Hòa Bình. Tính đến giữa tháng 11, toàn huyện có 1.194 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 81% kế hoạch được giao, dẫn đầu toàn tỉnh về thực hiện chỉ tiêu này.
Lãnh đạo BHXH huyện Đà Bắc cho biết, để phát triển BHXH tự nguyện hiệu quả, BHXH huyện đã chú trọng bám làng, bám bản để đưa chính sách đến với đồng bào các dân tộc. Chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có lồng ghép tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Các hội nghị được tổ chức linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn bằng tiếng Việt và tiếng DTTS. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các trưởng thôn, trưởng bản trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.
Đây là cách làm hiệu quả, phù hợp với tập quán sinh hoạt mang tính cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS, trình độ dân trí không đồng đều. Với cách làm trên, khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ đã được xóa bỏ.
Đơn cử như trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11, BHXH huyện đã tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền tại xã Đồng Ruộng và Cao Sơn. Để đạt hiệu quả, BHXH huyện đã chọn những cán bộ biết tiếng dân tộc, hiểu phong tục, tập quán của bà con để tham gia tuyên truyền, vận động. Đồng thời, thông qua các trưởng thôn, trưởng bản và người có uy tín trong dòng họ giải thích cho người dân hoặc con cháu hiểu rõ lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Kết quả, riêng 2 hội nghị này đã vận động được 38 người đăng ký tham gia.
BHXH huyện Đà Bắc cũng luôn coi trọng công tác đào tạo nhân viên đại lý thu; ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền với các hội, đoàn thể. Bằng cách làm này, nhiều xã, bản đã trở thành điển hình trong phát triển BHXH tự nguyện, như xã Đồng Ruộng và xã Giáp Đắt. BHXH huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền qua loa phát thanh lưu động bằng tiếng Việt và tiếng DTTS; tuyên truyền trực quan bằng pano, áp phích; tổ chức quầy tư vấn tại các chợ phiên…
Những việc làm trên đã và đang giúp BHXH huyện Đà Bắc lan tỏa chính sách nhân văn trong đời sống bà con các dân tộc; cũng như góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (BHXH Việt Nam), tính đến tháng 11, toàn quốc có 1,24 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 73,1% kế hoạch Chính phủ giao và tăng 36.000 người so với tháng 9/2021. Trong đó, có tới 47 tỉnh, thành phố ghi nhận số tham gia BHXH tự nguyện tăng so với năm 2020 như: Nghệ An có 97.813 người tham gia (tăng 20.699 người so với năm 2020); Thanh Hóa có 72.315 người tham gia (tăng 12.750 người)… Thậm chí, những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư như TP.HCM, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh… cũng tăng đáng kể số người tham gia BHXH tự nguyện.
Ông Dương Văn Hào,Trưởng ban Quản lý Thu- Sổ thẻ, BHXH Việt Nam nhận định, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, việc tăng số người tham BHXH nói chung và nhất là BHXH tự nguyện nói riêng rất đáng ghi nhận, cho thấy sự cố gắng và sáng tạo từ BHXH các tỉnh, thành phố.
“Những cách làm hay, sáng tạo và bài học kinh nghiệm quý cần được nhân rộng trong thời gian tới, nhất là trong những tháng cuối năm, khi toàn ngành nỗ lực để đạt các mục tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2021”, ông Hào chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận