Hạ tầng

Những cây cầu giúp dân thoát cảnh lũ về là... “bó chân”

21/06/2015, 11:09

Cứ mỗi khi lũ về, học sinh phải nghỉ học, người dân đành ngồi nhà chịu cô lập.

 

Vợ chồng cụ Hồng ở tuổi gần đất xa trời không phải
Vợ chồng cụ Hồng ở tuổi gần đất xa trời không phải lo con cháu đi về mỗi khi có lũ.

Với việc khánh thành và đưa vào sử dụng cây cầu treo Suối Than II, xã Tân Lập, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang vừa qua, những người thợ cầu Thuận An đã góp phần xóa thói quen bao đời nơi đây: Cứ mỗi khi lũ về, học sinh phải nghỉ học, người dân đành ngồi nhà chịu cô lập.

Cởi quần áo, bơi qua sông chỉ còn trong… ký ức

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có mặt tại xã Tân Lập, xã vùng 3 của huyện Bắc Quang, nằm cửa ngõ phía Nam cách TP Hà Giang khoảng 60 km. Tuy nằm ngay sát QL2 chỉ vài cây số theo hướng đi Hoàng Su Phì nhưng trong quá trình liên hệ công việc, kỹ sư Lương Cao Trung, Chỉ huy trưởng công trường thi công cầu treo Tân Lập đã khuyến cáo tôi tìm một chỗ gửi xe để anh ra đón khi tôi điện thoại thông báo đã có mặt tại ngã ba Hoàng Su Phì.

Từ ngã ba QL2 theo Tỉnh lộ 177 đi Hoàng Su Phì chừng 3 km, tìm được chỗ gửi xe, ngồi chờ 20 phút thì kỹ sư Trung xuất hiện đón tôi bằng… xe máy.

Thấy tôi “mắt tròn, mắt dẹt”, anh Trung cười: “Xe công vụ của bọn em đấy, từ đây vào chỉ hơn 4 km nhưng anh em mình bò cũng phải 20 phút  đấy. Đường đi khó lắm, chỉ xe tải năm tấn, loại hai cầu đi lại để chở vật liệu vào được thôi”.

Quả không sai chút nào, chiếc Honda Wave chính hiệu mà kỹ sư Trung chở tôi nhìn còn khá mới nhưng đã xuất hiện nhiều âm thanh lạ khi di chuyển trên đoạn đường vừa xóc, dốc, lại ngoằn nghèo chạy ngang sườn núi, phía dưới là dòng suối Than nước trong vắt: “Mới có bốn tháng mà nó đã như vậy rồi đấy anh, hồi làm cầu Suối Than II còn long lanh lắm nhưng đường này không xe nào chịu nổi”.   

Câu chuyện hai anh em còn đang dở thì Trung thông báo qua cua này sẽ nhìn thấy cầu treo Tân Lập và qua đó sẽ là cầu Suối Than II, đồng thời thống nhất sẽ đưa tôi qua tham quan cầu Suối Than II đã đưa vào sử dụng ngày 3/4/2015, chỉ sau 60 ngày thi công với chiều dài 90 m, rộng 2 m.

Hai anh em dừng lại bên cầu treo Suối Than II cũng là lúc bốn, năm đứa trẻ đang cởi trần lấy cây cầu làm nơi vui chơi. Qua phía bờ bên, ba cụ già đang ngồi phát “sóng ngắn” (tiếng địa phương nói chuyện với nhau).

IMG_1119_ă
Có cầu mới, người dân không còn phải lo lắng mỗi khi đi qua suối.

Ở cái tuổi 80, cụ Sình Quang Hồng, người dân tộc Pà Thẻn và vợ là cụ Tải Tả Mở cũng 80 tuổi, dân tộc Dao kể lại cho chúng tôi việc gần chục năm về trước đã có một trưởng thôn nơi đây bị lũ cuốn trôi, mấy ngày sau dân bản mới tìm thấy xác. Còn chuyện học sinh, người dân bị nước cuốn nhưng bám kịp vào cành cây thoát chết thì như cơm bữa. “Mùa mưa, dân đi làm nương, học sinh đi học ra đến bờ suối nhìn thấy nước là chỉ đứng nhìn nhau hai bên bờ rồi đi về thôi. Ai muốn qua bên kia làm thì cởi quần áo, một tay cầm giơ lên và một tay bơi qua. Cả đời người, chúng tôi sống ở đây vẫn giữ thói quen như vậy, chỉ đến khi có cái cầu treo mọi việc mới thay đổi, chỉ tiếc rằng ở tuổi gần đất xa trời rồi”, cụ Hồng nói.

Nhà nằm ngay sát mố cầu treo Suối Than II, chị Triệu Mùi Sính, người đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu lần người dân tắc suối 2 - 3 ngày, vui mừng nói với chúng tôi: “Hàng trăm học sinh dân tộc Dao và Pà Thẻn của hai xã Minh Thượng và Khát Hạ giờ đây đã có thể sáng đi học, chiều về nhà một cách an toàn”.

Nằm cách cầu Suối Than II về Hạ Lưu, cầu treo Tân Lập đang trong quá trình hoàn thiện. Nguyên Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập, ông Tẩn Kim Sinh, người chủ động hiến một phần đất vườn của gia đình để phục vụ thi công mố cầu chia sẻ với chúng tôi: Gần 450 hộ dân, khoảng 2.300 nhân khẩu thuộc các thôn trong xã chịu ảnh hưởng mỗi khi dòng nước suối dâng cao vào tháng 6, 7 hàng năm. Dân trong xã chủ yếu mưu sinh bằng trồng chè và làm nông nghiệp nên nghèo lắm, vì vậy lương thực phải lo ăn từng ngày, hễ nước lên cao là tự xoay sở lương thực tại chỗ để sinh sống. Có đợt nước dâng 2 - 3 tuần, hết muối ăn, bà con chỉ còn biết đi vay của nhau để ăn tạm.

Cả trăm em học sinh hai thôn Minh Thượng và Cát Hạ cứ mưa lũ về là sự học bấp bênh theo dòng nước suối. “Tân Lập là xã có điều kiện khí hậu khá thuận lợi về phát triển cây chè Shan Tuyết, hiện toàn xã có 645,9 ha chè, trong đó gần 100 ha chè cổ thụ. Xã có 8 cơ sở chế biến, công suất tiêu thụ 50 tấn chè búp tươi/ngày và chè là nguồn thu nhập chính của người dân trong thôn bản. Mùa thu hoạch chè ở Tân Lập đúng vào mùa mưa lũ, cầu tạm bị ngập và cuốn trôi, người dân phải cho chè vào túi để kéo qua suối”, ông Sinh xúc động nói và chỉ tay về phía dòng suối, nơi một thanh niên đang lấy đà chiếc xe Win Tàu để vượt qua cầu tạm: “Mai đây thêm cây cầu thứ hai hoàn thành, người dân và con em học sinh Tân Lập hết cảnh vay muối, không lo phải nghỉ học và cũng chẳng còn phải lo dòng suối cách trở nữa”, ông Sinh cho hay.

Và quyết tâm của những thợ cầu Thuận An

Là người ăn, ngủ tại Tân Lập từ khi thi công cầu Suối Than II, kỹ sư Lương Cao Trung cho biết, cầu Tân Lập được khởi công từ ngày 26/3/2015. Điều kiện để thi công khá khó khăn do việc vận chuyển vật liệu, chỉ duy nhất sử dụng được xe tải hai cầu loại 5 tấn, đường vào hiểm trở, quanh co và chỉ là đường dân sinh. Có nguồn vật liệu phải vận chuyển từ khu vực thị trấn Việt Quang lên, cách công trình gần 30 km nhưng không thể dùng xe lớn.

Bên cạnh đó, đặc thù Tân Lập là xã vùng cao, thượng nguồn của các mạch nước, suối nhỏ, chính vì vậy vào mùa mưa thường xảy ra mưa đá, lũ quét. Xác định điều này, Ban lãnh đạo của Công ty Thuận An đã quyết tâm phải hoàn thành cả hai cây cầu tại Tân Lập trước mùa mưa bão để đảm bảo điều kiện đi lại cho bà con. Trên tinh thần đó, những kỹ sư tinh nhuệ, những người thợ có tay nghề cao đã được Công ty huy động lên ăn, ngủ tại công trường, tranh thủ từng thời gian để đẩy nhanh việc thi công các hạng mục. “Anh em chủ động tính toán các hạng mục, qua đó tổ chức thi công ba ca, động viên anh em không nghỉ phép để cố gắng rút ngắn tiến độ cho công trình”, Chỉ huy trưởng  Lương Cao Trung tâm sự.

Đang phụ trách một tổ chịu trách nhiệm thi công mố trụ tại đây, Tổ trưởng Hoàng Văn Bắc, 35 tuổi nhưng đã tham gia các dự án cầu treo tại Ninh Thuận, làm cầu vượt Quán Bánh (TP Vinh) cho biết: Từ 16 Tết Nguyên đán vẫn chưa về nhà với mục đích tranh thủ bám công trường để đưa công trình hoàn thành vượt mùa mưa đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng để phục vụ người dân nơi đây. Ngày 15/6 vừa qua, cầu treo Tân Lập cũng đã được đưa vào sử dụng, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân các xã Chu Hạ, Minh Thượng, Khá Hạ, Khá Trung, Khá Thượng đi lại được an toàn mùa mưa lũ.

Cùng với hai cây cầu treo tại xã Tân Lập, trước đó, ngày 18/4/2014, cầu treo Nghiêm Đồng, xã Niêm Sơn dài 90 m, rộng 2 m, cách trung tâm huyện Mèo Vạc 24 km đi theo QL4C bắc qua sông Nhiệm chảy trên địa bàn xã Niêm Sơn cũng đã được những người thợ Thuận An hoàn thành sau hơn bốn tháng thi công. Cầu treo Nghiêm Đồng được đưa vào sử dụng đã chấm dứt cảnh chia rẽ giao thông đi từ xã Niêm Sơn sang thôn Bản Tại với nhu cầu đi lại của hàng nghìn lượt mỗi ngày, rồi các thôn lân cận nằm trong tổng số 3.700 nhân khẩu của cả xã sinh sống hai bên bờ sông Nhiệm mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Việc đi lại của người dân các thôn Bản Tại, Nậm Chuầy và các thôn lân cận thuộc xã Ngọc Long, xã Niêm Tòng đến trung tâm xã và trung tâm huyện Mèo Vạc cũng không còn cảnh ngăn sông, cách chợ. Chuyện người dân tự kết bè, mảng để chở người, phương tiện qua sông, mạng sống bị đe dọa hàng ngày, giờ đây chỉ còn trong ký ức nhờ sự quyết tâm của những người thợ cầu Thuận An.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.