Phối cảnh sân bay Long Thành. |
Sáng nay 17/6, báo điện tử VnExpress tổ chức cuộc phỏng vấn trực tuyến giữa Thứ trưởng Bộ BTVT Nguyễn Ngọc Đông, Cục trưởng Cục hàng không Lại Xuân Thanh với đông đảo độc giả về dự án xây dựng CHK Long Thành.
Xây CHK Long Thành là việc cấp thiết, dài hạn
Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến, đa số độc giả đều có ý kiến xác đáng và đồng tình với dự án sây bay này. Ngoài ra, độc giả cũng quan tâm đến các vấn đề về sự cần thiết phải lựa chọn địa điểm Long Thành; vấn đề sử dụng đất, phương án GPMB và tái định cư; việc lựa chọn công nghệ, kỹ thuật và mô hình quản lý, vận hành, khai thác sau khi dự án hoàn thành.
Tại cuộc phỏng vấn trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng việc xây dựng CHK Long Thành là cấp thiết, hiệu quả. Theo ý kiến của Thứ trưởng, việc lựa chọn vị trí xây dựng sân bay đã tính đến những vấn đề như môi trường, giao thông kết nối giữa sân bay và trung tâm thành phố.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông. |
Sân bay Long Thành đã được nghiên cứu từ những năm 1970-1980. Đây là một địa điểm về mặt điều kiện thời tiết khí hậu rất lý tưởng. Ngoài ra, việc chọn địa điểm Long Thành còn phụ thuộc vào yếu tố dân cư, nếu đông quá phải giải tỏa lớn thì sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Long Thành cũng nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, không chỉ phục vụ riêng TP HCM mà còn phục vụ cả vùng Đông Nam Bộ, kết nối cả hệ thống cảng biển, đường cao tốc xuống Vũng Tàu.
Cũng theo Thứ trưởng, việc xây dựng CHK Long Thành cấp thiết vì hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải.
Ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cũng khẳng định, nếu như không xây Long Thành thì sẽ sớm dẫn đến ách tắc vì đến năm 2020 các hãng hàng không Việt Nam sẽ có tổng cộng 180 đến 200 chiếc máy bay.
Bên cạnh đó, nhu cầu khai thác hàng không rất lớn, nếu không xây dựng sân bay Long Thành thì sẽ mất cơ hội phát triển du lịch quốc tế đến Việt Nam. Vì tất cả các sân bay cạnh tranh rất lớn, nơi nào đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí của hãng hàng không thì họ sẽ bay đến với chính sách mở cửa bầu trời ASEAN hiện nay.
Phát triển kết hợp hài hòa lợi ích hàng không
Tại cuộc phỏng vấn, Cục trưởng Cục hàng không VN Lại Xuân Thanh cho rằng xây dựng nhà ga sân bay cần tính đến dài hạn và việc này không hề ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể, cả 2 sân bay đều là khai thác cả tuyến nội địa và quốc tế trong đó Long Thành trở thành trung tâm chính về khai thác quốc tế. Tân Sơn Nhất chủ yếu phục vụ khai thác nội địa.
Theo định hướng tuyến quốc tế với tỷ lệ Tân Sơn Nhất là 10%, Long Thành là 90%, Nội địa với tỷ lệ Long Thành 20% và Tân Sơn Nhất là 80%, tuy nhiên sẽ không bó cứng tỷ lệ này.
Cục trưởng Lại Xuân Thanh. |
Về vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho rằng, Chính phủ sẽ giao UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án với yêu cầu nghiêm ngặt phải đảm bảo đời sống dân sinh như giải phóng mặt bằng, tái định cư đảm bảo đời sống dân cư. Thời gian giải phóng mặt bằng là khoảng 2 năm rưỡi đến 3 năm.
Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến, nhiều độc giả cũng quan tâm đến việc cắt giảm quỹ đất cho CHK Long Thành. Theo quy hoạch ban đầu là 5.000 hecta, cắt giảm còn 2.750 hecta. Theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, đây không phải là việc cắt giảm quy mô của CHK Long Thành đó là để lấy quỹ đất để phục vụ cho các hạng mục cơ bản của Cảng hàng không.
Cũng tại tọa đàm, nhiều độc giả chia sẻ thông cảm với áp lực mà ngành giao thông đang đảm nhiệm. Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư vào ngày 25/6 tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận