Nằm bên kia sông Đakrông, các bản làng A Liêng, Vực Leng với những nếp nhà đặc trưng của đồng bào dân tộc Vân Kiều - Pa Cô quay mặt ra sông, tựa lưng vào núi đẹp như tranh vẽ.
Những năm trước, để qua đường Hồ Chí Minh nhánh Tây cũng như trung tâm xã Tà Rụt, huyện Đakrông bên này sông, người dân và các em học sinh nơi đây phải qua cầu tre dựng tạm...
Cầu A Liêng bắc qua sông Đakrông
Giao thông cách trở, giao thương hàng hóa nông sản, khó khăn
“Bây giờ nhà nước làm cầu xong thì khác rồi, bà con và các em học sinh đi lại, vận chuyển hàng hóa đều thuận lợi. Còn trước đây mỗi năm sau mùa mưa lũ bà con phải góp công sức làm cầu tre, nhưng chỉ được mấy tháng đến mùa mưa lũ cầu bị cuốn trôi.
Điểm Trường A Liêng, thuộc Trường Tiểu học Tà Rụt cũng nằm bên đường Hồ Chí Minh nên các cháu phải qua sông bằng bè, thuyền nhỏ chông chênh nguy hiểm lắm”, vợ chồng anh Hồ Văn Cướt và chị Hồ Thị Thêm đang cuốc nhặt đất đầy cỏ cú để kịp trỉa bắp phía dưới cầu A Liêng cho hay.
Cầu A Liêng dài gần 129m, rộng 3,5m nối nhịp đôi bờ sông Đakrông từ thôn A Liêng với hơn 100 hộ dân với thôn A Vương cũ bên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây - là một trong những cây cầu dân sinh thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP), do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư triển khai tại xã Tà Rụt.
Cầu A Liêng kết nối đường Hồ Chí Minh nhánh Tây với bản A Liêng và một góc bản A Liêng
Cách cầu A Liêng chừng 5km về phía thượng nguồn sông Đakrông, cầu Vực Leng, dài gần 128m, rộng 3,5m cũng được từ dự án LRAMP.
“Bây giờ nếu nhà nước giao cho ít đất rừng thì bà con đỡ vất cả. Điện, cầu đã có rồi, dự án nước sạch cũng sắp triển khai rồi nên bà con phấn khởi lắm”, anh Hồ Văn Cướt chia sẻ.
Ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt cho biết, trước đây chưa có cầu bà con bên Vực Leng, A Liêng phải qua sông bằng bè, thuyền nhỏ rất nguy hiểm. Bây giờ đã có cầu nên bà con và các cháu học sinh đi lại an toàn, việc trao đổi nông sản, hàng hóa đều rất thuận lợi.
Tuy nhiên, trên địa bàn xã hiện nay còn chỗ qua làng A Đăng 28 hộ dân đang bị cô lập vào mùa mưa lũ, xã đã có đề xuất làm cầu cho bà con nhưng 2 bờ sông quá rộng nên cầu dân sinh không làm được, trước mắt trong nguồn vốn kế hoạch trung hạn sắp tới dự kiến có làm đường khoảng gần 1km từ trên Tà Rụt 1 về...”, ông Nhiếp cho hay.
Cầu Vực Leng và bản Vực Leng nhìn từ đường Hồ Chí Minh đoạn Đakrông - A Lưới
Cũng như Tà Rụt, những cộng đồng dân cư nhiều địa phương của huyện miền núi Đakrông sinh sống chủ yếu dựa vào nương rẫy dọc theo sông Đakrông. Việc có một cây cầu kiên cố để đi lại trở thành ước mơ chung của bao thế hệ của người dân nơi các bản làng.
Những nhịp cầu nối đôi bờ vui
Chỉ trong vài năm trở lại đây, những cây cầu dân sinh kiên cố lần lượt được đầu tư, nối nhịp đôi bờ đã biến ước mơ của người dân đồng bào dân tộc Vân Kiều - Pa Cô các xã nghèo bên kia 2 nhánh sông Đakrông của huyện miền núi khó khăn nhất tỉnh Quảng Trị thành hiện thực.
Trong đó, ngoài cây cầu dân sinh dài hơn 128m được đầu tư từ dự án LRAMP nối từ QL9 vào xóm 1 bản Cu Pua đã hoàn thành đưa vào sử dụng gần 2 năm nay.
Cầu dân sinh Cu Pua từ dự án LRAMP bên "cây cầu anh Tèo Sài Gòn" gần "chìm" dưới nước và cảnh người dân bản Cu Pua vượt sông trên 2 sợi dây cáp trước đó
Công trình cầu Chân Rò và đường dẫn do Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh phối hợp với Ban ATGT tỉnh Quảng Trị phối hợp triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 2 năm qua cũng đã giúp thoát cảnh “lụy đò”.
Cây cầu “nối nhịp yêu thương” này còn có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế- xã hội, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của hơn 1.425 người dân và học sinh các thôn Chân Rò, Ba Ngào và Khe Ngài của xã Đakrông phía bên kia sông Đakrông.
“Hồi chưa có cầu các cháu học sinh đi học, người dân phải đi đò qua sông rất vất vả và nguy hiểm, đặc biệt là khi nước sông dâng cao... Có cầu rồi thuận lợi lắm. Cho vàng bạc không mừng bằng cầu”- ông Hồ Phúc, thôn Chân Rò nói.
Cầu tràn Chân Rò
Ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, ngoài những cây cầu dân sinh nói trên, tại địa bàn huyện Đakrông còn có một số cầu dân sinh khác thuộc dự án LRAMP đầu tư tại các xã A Bung, Ba Nang.
“Những cây cầu dân sinh được đầu tư đã phục vụ nhu cầu tốt nhu cầu đi lại, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội cho bà con trên địa bàn”, lãnh đạo UBND huyện Đakrông cho hay.
Bên cạnh đó, dự án đường liên xã Đakrông - Mò Ó - Triệu Nguyên - Ba Lòng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cũng đang tiếp tục được triển khai. Trong đó, cây cầu thuộc dự án này bắc qua sông Đakrông, nối từ thị trấn Krông Klang qua bản Khe Luồi thuộc xã Mò Ó (huyện Đakrông) vừa hoàn thành đã giúp người bên kia sông dân thoát cảnh “lụy đò”.
Một góc bản làng, trường học bên kia sông trước đây người dân, học sinh phải "lụy đò"
Đặc biệt, cây cầu này cùng với dự án đường liên xã gồm 2 đoạn tuyến này khi hoàn thành sẽ giúp phá thế cố lập của các thôn bản, tránh lũ, cứu hộ cứu nạn, “khớp nối” hạ tầng giao thông giữa Ba Lòng với trung tâm huyện là thị trấn Krông Klang bên này sông và cả vùng nguyên liệu rộng lớn Khe Ngài, Chân Rò bên kia sông với QL9...
Đây cũng là công trình có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của vùng đất phía Nam sông Đakrông, tạo điều kiện thuận lợi để huyện bố trí quy hoạch lại khu dân cư, quy hoạch đất đai phục vụ di giãn dân, phát triển đô thị cũng như khai thác hiệu quả tiềm năng rừng và kinh tế gò đồi phía Tây huyện Đakrông...
Đakrông là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 78- 80%, chủ yếu là người Vân Kiều – Pa Cô, là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Trị và cả nước.
Cầu Khe Luồi trên "trục đường động lực" Đakrông - Mò Ó - Triệu Nguyên - Ba Lòng đang triển khai
Trong những năm qua, cùng với hạ tầng được đầu tư, nhiều hộ dân Đakrông đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 giảm còn 16,4% vào cuối năm 2021.
Thực hiện kết luận của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị, hiện nay huyện Đakrông cũng đang giao Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện để xin đầu tư một số công trình cầu tránh lũ mạn Tà Rụt – A Ngo và một phần A Vao để giảm bớt tình trạng giao thông những khu vực này thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa, qua đó giải quyết tốt hơn bài toán về dân sinh, vận chuyển hàng hóa...
Cầu Khe Luồi và một góc bản làng phía bên kia sông Đakrông, cây cầu này hoàn thành cũng đã giúp người dân và các em học sinh không còn phải qua sông trên những chuyến đò ngang mất ATGT...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận