Thế nhưng vì lý do an toàn, những cây cầu trên đã phải tháo dỡ khiến nhiều người tiếc nuối. Bởi đó là những cây cầu gắn liền với lịch sử, ký ức sâu đậm của người Sài Gòn - Nam bộ xưa và nay.
Nhớ lắm cầu sắt Phú Long…
Vào những ngày cuối tháng 5/2019, chúng tôi trở lại cầu sắt Phú Long (cây cầu nối giữa Q.12, TP.HCM và phường Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương) để ghi lại hình ảnh cây cầu trước khi bị tháo dỡ. Dù không phải là người con được sinh ra ở đất Sài Gòn, không được chứng kiến cây cầu như là một nhân chứng lịch sử nhưng khi bước lên cây cầu chỉ còn một nửa, tôi có cảm giác hẫng hụt, tiếc nuối… Cầu đã có tuổi đời 107 năm, gánh biết bao phận đời qua lại. Sứ mệnh cầu chấm dứt vào ngày 20/4 vừa qua khi TP HCM quyết định tháo dỡ vì lý do cầu không còn đảm bảo an toàn cho người dân hai bên bờ qua lại...
Những công nhân tháo dỡ cầu cho biết, nhìn bề ngoài cây cầu vẫn còn đẹp, tốt nhưng dưới bề mặt cầu, giữa các nhịp, khi tháo ra mới thấy các thanh sắt nối các nhịp đã hoen gỉ, mục hết. “Nếu trong năm nay không được tháo dỡ chắc chắn cầu sẽ sập. Lúc đầu chuẩn bị tháo dỡ, nhiều người dân phản ứng dữ dội, kéo lên cầu đòi đánh và ngăn cản công nhân thi công. Chúng tôi phải nhờ chính quyền can thiệp mới có thể tiếp tục tháo dỡ cầu…”, anh công nhân tên Hải nói.
Bà Nguyễn Thị Hoa, mở nhà hàng ngay sát chân cầu Phú Long nhìn cây cầu đang tháo ngậm ngùi: “Cây cầu đã quá quen thuộc với người dân, nhiều người đã gắn bó và mưu sinh cả mấy đời nhờ cây cầu này, nay dỡ đi ai cũng nuối tiếc. Tôi mở quán bán ở đầu cầu nhiều năm nên cũng thấy hụt hẫng. Trước đây quán tôi đông khách lắm, nhưng từ ngày cầu tháo dỡ đến giờ quán vắng tanh. Nhiều gia đình khác cũng đóng cửa quán bỏ đi nơi khác tìm kế sinh nhai…”.
Theo Sở GTVT TP.HCM, cầu có chiều dài 251,71m, tĩnh không thông thuyền 3m, là loại cầu dạng dàn thép Eiffel và dàn vòm thép được xây dựng từ thời Pháp. Việc tháo dỡ cầu Phú Long cũ nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, bởi hiện tại cầu Phú Long mới cách công trình cũ 1km về phía hạ lưu đã đáp ứng được nhu cầu lưu thông của người dân. Đồng thời, việc tháo dỡ bảo đảm đồng bộ tĩnh không thông thuyền đối với dự án cầu đường sắt Bình Lợi cho tuyến sông Sài Gòn, góp phần phát triển kinh tế vùng. Để giữ lại một phần di tích của cây cầu, tấm bảng ghi tên hãng làm cầu và năm xây xong cầu (1913) sẽ được cắt tháo ra đưa về bảo tàng TP HCM.
Kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường - Cảng TP HCM cho rằng, đây là cây cầu sắt lâu đời nhất nối vùng Sài Gòn - Gia Định với vùng đất cận kề Lái Thiêu - Bình Dương. Cây cầu là “nhân chứng” nối con người ở hai vùng đất với nhau. Nét độc đáo trong kỹ thuật xây dựng cầu Phú Long là các nhịp thép ở giữa gối lên trụ rồi lao hẫng về phía bờ như cánh tay đón lấy nhịp vòm từ bờ lao ra. “Đây là biện pháp kỹ thuật mà sau này ngành cầu đường hiện đại vận dụng thành cách đúc hẫng cân bằng, nối kết các nhịp cầu với nhau”, ông Trường nói.
Giữ lại hai nhịp cầu Bình Lợi
Cầu Bình Lợi được hoàn thành xây dựng tháng 2 năm 1902, thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang thời Pháp thuộc, là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn. Cầu được kết cấu vòm thép, mặt cầu bằng gỗ và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa. Cầu có một nhịp quay (do hãng thầu Levalllois Perret thi công), dài 276m gồm 6 nhịp.
Theo các nhà lịch sử, cầu sắt Bình Lợi chứng kiến bao thăng trầm của TP Sài Gòn, là chứng nhân lịch sử qua bao cuộc kháng chiến, là mối liên kết Sài Gòn với các vùng miền Đông.
Những năm gần đây, giao thương đường thủy phát triển, các tàu thuyền chở hàng hóa từ sông Sài Gòn hướng đi các tỉnh miền Đông ngày một lớn trong khi tĩnh không cầu thấp khiến tàu thuyền qua lại khó khăn. Do vậy, nơi đây thường xuyên xảy ra các vụ tàu thuyền va đập vào cầu. Trước tình hình trên, TP HCM đã trình Chính phủ cho phép làm cầu xe lửa mới có độ thông thuyền cao hơn để thay thế cầu cũ. Đến nay, cầu sắt Bình Lợi đang được gấp rút triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7. Cầu sắt Bình Lợi cũ sẽ tháo bỏ vì lý do an toàn.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, việc giữ lại, bảo tồn một phần cây cầu nhằm lưu giữ dấu tích của cây cầu hơn 117 năm tuổi đã gắn với không gian sông nước Sài Gòn - Nam bộ. Cạnh đó là để phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt, cầu đường Việt Nam và phát triển ngành du lịch thành phố.
Do vậy, các sở, ngành đã thống nhất giữ lại, bảo tồn nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi gồm: Nhịp số 1 và nhịp số 2 là phần đầu cầu và nhịp cầu quay tiếp giáp bờ sông Sài Gòn thuộc quận Thủ Đức (giữ toàn bộ hệ mố, trụ, nhịp dầm thép, mặt cầu và một đoạn đường ray) và giữ lại tháp canh. Ngoài ra, Sở GTVT cũng sẽ nghiên cứu phương án giữ lại phần đường xuống sông, đầu cầu và hệ mố, trụ nhịp số 6 phía bờ quận Bình Thạnh để làm bến thủy nội địa phục vụ vận tải đường sông trong tương lai.
Lưu chút hồn xưa cầu Nhị Thiên Đường
Cầu Nhị Thiên Đường do Pháp xây dựng năm 1925, là cây cầu lớn bắc qua Kênh Đôi, quận 8 của vùng Chợ Lớn lúc bấy giờ. Đây là một trong những cây cầu có bề dày lịch sử lâu đời nhất ở Sài Gòn, nối liền Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây, qua QL50.
Theo những người già sống ven cầu, cầu Nhị Thiên Đường lấy tên của một hãng dầu lừng lẫy trong Chợ Lớn thời giữa thế kỉ XX.
Điểm đặc biệt của cây cầu là thiết kế hàng cột xanh rêu trên cầu (tương tự sắc xanh của ô cửa sổ trong các biệt thự Pháp xưa) và các mái vòm cong dưới chân cầu có hình dạng cổ xưa khiến người ta liên tưởng tới những cây cầu huyền thoại của thành Rome hay giống như các cầu cổ nổi tiếng ở châu Âu. Ngoài ra, dù được thi công trong thời đại hoàng kim của cầu sắt nhưng Nhị Thiên Đường lại ngoại lệ khi xây hoàn toàn bằng bêtông cốt thép!
Đến năm 2003, xe cộ lưu thông trên cầu Nhị Thiên Đường ngày một lớn trong khi cầu có dấu hiệu xuống cấp, mất an toàn nên thành phố đã xây thêm một nhánh song song đó là Nhị Thiên Đường 2. Dù đã có cầu Nhị Thiên Đường 2 nhưng áp lực giao thông trên cầu vẫn không hề giảm thậm chí ngày càng xảy ra kẹt xe tại khu vực cầu do tải trọng khai thác cầu không đồng bộ, làm giảm năng lực lưu thông của cả hai cầu.
Sau nhiều lần họp bàn, TP HCM đã quyết định phá bỏ cầu Nhị Thiên Đường 1 để xây cầu mới thay vì trùng tu giữ lại nguyên vẹn cầu Nhị Thiên Đường 1 có tuổi đời hơn 90 năm. Theo Sở GTVT, nếu sửa chữa, trùng tu để giữ chiếc cầu cũ kinh phí 138 tỷ đồng, trong khi xây cầu mới chỉ khoảng 163 tỷ đồng, chưa kể việc trùng tu lại không đảm bảo sự cân đối, hài hòa của cầu Nhị Thiên Đường 1 và 2 trên mặt cắt ngang tổng thể của cả hai cầu… Do vậy, mặc dù đã phá bỏ hoàn toàn nhưng thiết kế cây cầu vẫn giữ nét kiến trúc cổ của các trụ đèn, lan can cầu. Hai tấm bảng đúc gang ghi tên Công ty xây dựng Levallois Perret (của Pháp) và số 1925 - năm hoàn thành cây cầu được giữ lại gắn vào cầu mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận