Tên lửa Liên Xô viện trợ đã bảo vệ vững chắc bầu trời miền Bắc, bắn rơi hàng trăm máy bay địch, trong đó có “pháo đài bay” B-52 |
Đến ga Vinh và ga Đà Nẵng, tôi rất ấn tượng với chiếc đầu máy hơi nước được đặt ở vị trí trang trọng trong sân ga. Đó như là dấu tích lịch sử gợi nhắc mọi người về một quá khứ, hay đúng hơn một sứ mệnh hào hùng của các thế hệ đầu máy kéo tàu hỏa dọc đất nước.
Ở đường sắt, hệ đầu máy thường “trầm” hơn cả, nhưng công lao đóng góp thì to lớn lắm. Có lần trò chuyện với vị lãnh đạo Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội tôi mới biết, xí nghiệp đã được phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng, nhiều công nhân lái máy cũng được phong tặng Anh hùng lao động.
Dẫn tôi đi xem phòng truyền thống, vị lãnh đạo xúc động kể lại một thời quá khứ hào hùng của Xí nghiệp. Với tiền thân là Đoạn Đầu máy Hà Nội. Tháng 3/1955, Đoạn Đầu máy Hà Nội được thành lập và là đơn vị độc lập được tách ra từ Cơ vụ Đoạn Hà Nội (thuộc Tổng cục Đường sắt Việt Nam); quản lý, vận hành đầu máy xe lửa phục vụ vận tải đường sắt; Vận hành đầu máy xe lửa kéo tàu hàng và tàu chở khách trên năm tuyến đường sắt từ Vinh trở ra: Hà Nội - Vinh; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Đồng Đăng; Hà Nội - Lào Cai.
Anh hùng Lao động Lý Văn Du lái chuyến tàu bí mật chở tên lửa về địa điểm an toàn (1965). Ảnh: Sách "Quân chủng Phòng không - Không quân", trang 21 |
Cũng từ đây, Đoạn Đầu máy Hà Nội nhanh chóng cùng ngành Đường sắt - đơn vị mũi nhọn của ngành Giao thông vận tải đáp ứng yêu cầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Một trong những chiến công đáng kể nhất lúc đó là Đoạn Đầu máy được Bộ GTVT tin tưởng giao nhiệm vụ tổ chức một Ban máy kéo 20 chuyến tàu hỏa bí mật chở tên lửa và máy bay do Liên Xô viện trợ từ Mục Nam Quan qua Đồng Đăng về sân bay Bạch Mai an toàn. Ngoài ra, đơn vị đã tiếp nhận, vận chuyển vũ khí, khí tài cho hai trung đoàn tên lửa gồm hàng trăm xe cơ giới và bệ phóng tên lửa ròng rã một năm. Anh hùng lao động Lý Văn Du là người trực tiếp lái đoàn tàu này mang biệt danh 210 về đến điểm tập kết an toàn dưới làn bom đạn của giặc Mỹ.
Trong bốn năm giặc Mỹ đánh phá miền Bắc (1965 - 1968), với nỗ lực cao của mình, CBCNV Đoạn Đầu máy Hà Nội đã vận chuyển 1.795.000.000 tấn vũ khí, khí tài, lương thực.Năm 1973, Đoạn Đầu máy Hà Nội đã có trên 70 CBCNV tình nguyện vào chiến trường miền Nam làm đường Trường Sơn và tham gia công tác vận tải góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước năm 1975.
“Từ năm 1967 đến nay, Xí nghiệp được tặng nhiều bằng khen lắm nhà báo ạ, như Tổ lái máy 424 được tuyên dương tập thể Anh hùng lao động; Năm 1983 được tặng Huân chương lao động hạng Nhì; Năm 2007 được tặng Cờ đơn vị an toàn chạy tàu khá nhất. Toàn Xí nghiệp đã có 126 CBCNV được Nhà nước tặng thưởng huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, 384 huân chương hạng Nhì, 415 huân chương hạng Ba, 544 huy chương hạng Nhất, 218 huy chương hạng Nhì.
Những Anh hùng lao động như Lê Minh Đức (1958), Lý Văn Du (1962) và Trịnh Hanh (1983)... Nhưng điều quan trọng nhất là chúng tôi luôn trân trọng những công lao của các thế hệ cha anh. Họ như những tấm gương sáng để các thế hệ sau học tập, noi gương, điều khiển những đoàn tàu về đích an toàn. Mỗi hành khách được đoàn viên là một niềm hạnh phúc của chúng tôi”, vị lãnh đạo xúc động nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận