Bên lề

Những cơn sóng tranh giành quyền lực trong làng bóng đá Việt

03/10/2017, 10:23

Tuần vừa rồi, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã công bố HLV Park Hang-seo sẽ là HLV trưởng ĐTVN.

vff

Cuộc đua giữa các ứng viên đã nóng lên trông thấy

Hai bên cơ bản đã đàm phán xong và lễ ký kết được dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào ngày 14/10. Tuy nhiên, người hâm mộ đón nhận thông tin này không mấy hào hứng, bất chấp ông Park có một bản lý lịch đẹp khi từng là cánh tay phải của HLV Guus Hiddink tại World Cup 2002, giải đấu Hàn Quốc vào tới tận bán kết. Vậy thời điểm này, người hâm mộ Việt Nam quan tâm tới điều gì? Câu trả lời là cuộc đấu đá ở thượng tầng VFF.

Tháng 3/2018, Đại hội nhiệm kỳ VIII VFF sẽ diễn ra và thời điểm này cuộc đua giữa các ứng viên đã nóng lên trông thấy. Chính vì vậy, việc ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch thường trực VFF, ứng viên sáng giá nhất cho vị trí Chủ tịch nhiệm kỳ tới liên tiếp hứng chịu chỉ trích từ một luồng dư luận, đặc biệt là sau thất bại của U22 Việt Nam ở SEA Games 29 cũng không khó hiểu. Thậm chí, HLV Nguyễn Hữu Thắng dù đã từ chức cũng bị đem ra làm công cụ đấu đá, hạ uy tín lãnh đạo VFF, trong đó có ông Trần Quốc Tuấn.

Xoay quanh chiếc ghế Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VIII chắc chắn thời gian tới vẫn còn nhiều những cơn sóng gió nổi lên. Đáng tiếc, những cơn sóng tranh giành quyền lực sẽ khiến phần còn lại của đời sống bóng đá bị nhấn chìm. Cuộc đua vô địch V-League đang cực hấp dẫn nhưng cũng như hành trình sắp tới của tân HLV trưởng ĐTVN, nhận được quá ít sự quan tâm.

Với thể thao Việt Nam, có lẽ chỉ riêng bóng đá xảy ra tình trạng như vậy. Phải chăng, chiếc ghế Chủ tịch VFF quá “màu mỡ”? Câu hỏi này chỉ người trong cuộc mới dám và có thể trả lời. Nhưng từ ngoài nhìn vào, ai cũng hiểu phải có “mồi ngon” mới thu hút được “cá”.

Trên thực tế, bóng đá thế giới vẫn tồn tại những cuộc đua ở các liên đoàn, các CLB. Nhưng họ chạy đua công khai và cái họ mang ra đấu đá là các kế hoạch xây dựng, nâng tầm đội bóng, phát triển nền bóng đá. Hiểu theo cách khác, việc đấu đá phải dựa trên lợi ích của liên đoàn, CLB chứ không phải dựa trên lợi ích cá nhân. Còn ở xứ ta thì ngược lại, đấu đá người ngoài sáng, kẻ trong tối và quyền lợi cá nhân được đặt lên hàng đầu. Vì thế, dù ai lên làm Chủ tịch VFF thay ông Lê Hùng Dũng, nếu không có được tầm nhìn mang tính chiến lược, vẫn tồn tại tư duy nhiệm kỳ, bóng đá Việt Nam vẫn khó thoát khỏi bi kịch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.