Với họ, đây là đam mê, là duyên, là nợ. Đương nhiên, thử thách khi “gõ đầu trẻ” cũng không ít hơn so với khi còn thi đấu.
Sân chơi của cộng đồng
Nhiều người nghĩ trung tâm có nhiều học viên thì thu nhập của tôi phải cao lắm. Nhưng thực tế trái ngược hoàn toàn. Ngày xưa tôi đi dạy thêm còn để ra được chút tiền chứ từ ngày làm bóng đá cộng đồng lúc nào cũng phải giật gấu vá vai. Tiền thu của các con phải trang trải nhiều khoản khác nhau, sau khi trừ chi phí có tháng còn bị âm. Thời điểm hè học viên đông nhất nhưng đây cũng là lúc phải thuê thêm HLV, chi tiền làm tăng ca nên đâu lại vào đấy cả. Tôi có thể nâng học phí lên nhưng như vậy thì sẽ giảm cơ hội được chơi bóng của nhiều bạn nhỏ. Thôi thì mình làm vì cái tâm, thỏa đam mê là được.
Cựu danh thủ Ngọc Châm
Vài năm trở lại đây, bóng đá cộng đồng (hoạt động từ chính đóng góp của các học viên) đã trở thành khái niệm phổ biến tại Việt Nam. Đặc biệt, kể từ khi U23 Việt Nam làm nên kỳ tích ở Thường Châu (Trung Quốc), các trung tâm bóng đá cộng đồng càng nở rộ.
Là một trong những trung tâm bóng đá cộng đồng lâu đời bậc nhất Hà Nội, H.Y.S của HLV Nguyễn Đức Thắng hiện tại có cả nghìn học viên. Cựu cầu thủ Thể Công cho hay, anh ấp ủ làm bóng đá cộng đồng từ năm 2008 và bắt đầu lên đề án. Năm 2012, sau 4 năm chuẩn bị, anh cùng hai người bạn là Phạm Minh Đức và Lưu Danh Minh đã thành lập Trung tâm H.Y.S, viết tắt của ba từ Hanoi Youth Soccer. Cho đến nay, H.Y.S có ba cơ sở, khoảng 16 điểm tập ở khắp các quận, huyện ở Hà Nội.
Không có tuổi đời dày như H.Y.S, Trung tâm Bảo An của cựu tuyển thủ Mai Tiến Thành mới đi vào hoạt động hồi đầu năm 2019 nhưng cũng đã thu hút được hơn 200 học viên nhí, với 3 điểm tập luyện. “Tôi làm vì đam mê bởi bóng đá ăn vào máu rồi. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn qua trung tâm của mình sẽ phát hiện ra được những em nhỏ có tố chất đặc biệt, hướng các em theo con đường chuyên nghiệp”, Thành “rìu” chia sẻ.
Cựu Quả bóng Vàng nữ Đỗ Thị Ngọc Châm cũng có kiến giải tương tự khi quyết định mở Trung tâm CFF. “Tôi theo bóng đá chuyên nghiệp hơn 10 năm, lập gia đình xong thì giải nghệ. Nhưng bóng đá là nghề của tôi, không làm cách này thì sẽ làm cách khác. Bóng đá cộng đồng là công việc phù hợp, vừa giúp tôi tiếp tục gắn bó với trái bóng, vừa giúp tôi có niềm vui”, cựu tiền đạo của tuyển nữ Việt Nam chia sẻ và cho biết, Trung tâm CFF hiện có 7 cơ sở ở Hà Nội, quy tụ khoảng hơn 500 học viên sinh hoạt đều đặn.
Chẳng chịu kém cạnh người đồng đội cũ ở tuyển quốc gia, cựu danh thủ Văn Thị Thanh cũng thành lập Trung tâm Bóng đá cộng đồng mang tên mình ở quê hương Hà Nam vào cuối năm ngoái. “Ngoài việc tạo ra một sân chơi cho những em nhỏ yêu bóng đá, trung tâm cũng giúp nhiều cầu thủ nữ không theo được nghề hoặc đã giải nghệ có việc làm ổn định. Tất nhiên, đây cũng được coi như lời tri ân của mình với bóng đá - môn thể thao đã cho mình tất cả”, chị tâm sự.
Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng Trung tâm Văn Thị Thanh có tốc độ phát triển khá mạnh mẽ. Trung tâm đang có 10 cơ sở tập luyện trải khắp các huyện thuộc tỉnh Hà Nam. Mong muốn của chị là năm sau sẽ cho ra đời thêm hai cơ sở ở Thái Nguyên và Thái Bình. “Lúc cao điểm trung tâm cũng quản lý khoảng 200 bạn nhỏ từ lứa tuổi U5 đến U13. Rất nhiều em do bố mẹ biết đến tên tuổi tôi nên đưa con đến tập, gửi gắm với hy vọng con tránh xa được smartphone, tivi”, chị chia sẻ.
Khó nhất là phương pháp
Đặc điểm chung của bóng đá cộng đồng là có rất nhiều em nhỏ chưa hề biết chút gì về bóng đá. Rồi có cả những em mới 5, 6 tuổi, khả năng vận động còn hạn chế. Chính bởi vậy, việc huấn luyện các em không hề đơn giản. “Chúng tôi thường xuyên sàng lọc, chia các con ra thành hai nhóm, một là chơi cho vui, hai là chơi để phát triển. Như vậy sẽ dễ dàng trong huấn luyện và khiến các con không bị vênh nhau. Cũng chính bởi đối tượng đa dạng nên việc lên giáo án huấn luyện rất khó khăn và mất nhiều công sức”, cựu danh thủ Mai Tiến Thành chia sẻ.
Anh Thành cho biết thêm: “Lứa U10 ở Trung tâm Bảo An có tiềm năng lớn. Vào hè năm 2020, khi lò PVF tuyển quân, tôi sẽ đăng ký thi đầu vào cho một số cái tên mà mình tâm đắc nhất”.
Ra đời trước, đi vào hoạt động quy củ từ nhiều năm nay, H.Y.S của HLV Đức Thắng đã giới thiệu được gần 20 em nhỏ cho các lò đào tạo chuyên nghiệp như CAND, Viettel, Hà Nội… “Một số em đã có tên trong danh sách dự tuyển các đội tuyển trẻ và tôi rất vui vì điều này. Rõ ràng, nếu không có bóng đá cộng đồng, những em này hoàn toàn sẽ bị bỏ quên”.
Ở H.Y.S, HLV Đức Thắng chú trọng rất nhiều vào việc đào tạo đội ngũ HLV đứng lớp: “Trung tâm của tôi tuyển HLV rất kỹ. Ngoài kỹ năng chuyên môn, tôi còn yêu cầu phẩm chất đạo đức tốt, tác phong tốt và đặc biệt phải yêu trẻ. Nếu không yêu trẻ thì không làm được công việc này. Về phương pháp dạy, chúng tôi thường xuyên trau dồi, học hỏi từ các mô hình tiên tiến trên thế giới, để làm sao truyền đạt được ý tưởng cho các con, kể cả những bạn chưa biết gì về bóng đá cũng phải nắm bắt được”.
Trong khi đó, Trung tâm Văn Thị Thanh và CFF cũng đã và đang làm rất tốt việc phát hiện, đào tạo bước đầu cho những em nhỏ có năng khiếu đặc biệt, giới thiệu cho CLB Nam Định, PVF hay Viettel. “Nhiều bạn nhỏ, cô phải nói đi nói lại nhiều lần mà không làm được. Một số khác con rõ ràng không có năng khiếu nhưng bố mẹ mang con tới thì yêu cầu cô phải dạy cho con thành thế nọ, thế kia, nhìn chung là cũng rất áp lực và mệt mỏi. Nhưng chỉ cần nhìn thấy nụ cười của các con là mình lại cảm thấy phấn chấn. Tôi vẫn nói vui với bạn bè là tôi chắc là người mẹ đông con nhất”, Quả bóng Vàng nữ 2008 Ngọc Châm nói.
Không mong làm giàu
Các trung tâm bóng đá cộng đồng hiện nay gần như đều thu mức học phí từ 400-500 nghìn đồng/tháng/ học viên. Số tiền này sau khi trừ mọi chi phí, các trung tâm không để ra được bao nhiêu. Nói như HLV Đức Thắng, làm bóng đá cộng đồng mà mong giàu thì đừng làm. “Mỗi buổi học trung tâm thu về 100 nghìn đồng/ con. Nhưng trung tâm phải trả tiền sân, tiền thuê HLV, tiền sữa uống cho các con, rồi chi phí cho những lần đi thi đấu, tập huấn cả trong và ngoài nước…”, anh chia sẻ và cho biết, sắp tới H.Y.S sẽ ký kết thỏa thuận với một vài CLB nước ngoài về dinh dưỡng, huấn luyện.
Cựu nữ tuyển thủ quê Hà Nam Văn Thị Thanh thậm chí còn miễn học phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nên trung tâm của chị cũng thường rơi vào cảnh thu không đủ chi. “Các HLV tôi trả lương đầy đủ nhưng có tháng tôi chẳng có lương. Gia đình thấy vậy khuyên tôi dừng lại bởi gần như không có thời gian dành cho gia đình, thu nhập thêm cũng rất hạn chế. Nhưng làm rồi thì mê lắm, không bỏ được. Tuy không giàu vật chất nhưng tôi nhận được rất nhiều tình cảm. Đi tới đâu cũng có học viên của mình, được nghe các con chào cô thì thấy vui lắm, điều này có tiền cũng chẳng mua được”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận