Xã hội

Những dịch vụ “lạ” thời Covid-19

06/04/2020, 06:36

Có những ý tưởng, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới thích ứng với bối cảnh đang rất khó khăn bởi dịch Covid-19.

img
Dịch vụ đi chợ thuê của Be nhận được hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động thì đâu đó vẫn có những ý tưởng, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới thích ứng với bối cảnh đang rất khó khăn hiện nay.

Những dịch vụ chỉ thấy trong thời dịch

Sáng thứ 7, chị Hoa (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) đã “nhờ đi chợ” thành công sau khi nhận ba túi hàng từ tay anh tài xế. Chị Hoa cho biết, sau khi có thông báo cách ly toàn xã hội, việc đi chợ mua đồ ăn cũng khiến chị phải cẩn trọng hơn. “Mấy hôm nay nhận được thông báo Be không chở khách nhưng lại nhận đi chợ thuê nên mình đã thử”, chị Hoa nói.

Lần đầu nhờ đi chợ thuê, chị Hoa chỉ chọn một số hàng hóa cần thiết tại một siêu thị trong khu vực: Bột gia vị, vài món rau xanh, một ít thịt gà, 2 lốc sữa chua, một gói nước giặt và thêm vài quả táo New Zealand đang được siêu thị giảm giá. Tổng tiền hàng theo hóa đơn bán lẻ mà siêu thị in chị Hoa phải trả là 311.780 đồng, cộng thêm tiền phí trả cho tài xế 34.000 đồng sau khi đã được áp dụng mã khuyến mại giảm tới 11.000 đồng. “Thực sự là tiện lợi, không phải chen ở siêu thị, cũng không lo lắng chuyện lây nhiễm Covid -19”, chị Hoa chia sẻ.

Sự thay đổi sản phẩm dịch vụ của Be được đánh giá cao nhờ sự nhanh nhạy để thích ứng với bối cảnh mới. Do đó, dù vận tải hành khách dừng hoạt động nhưng bù lại dịch vụ đi chợ thuê và vận chuyển hàng lại tăng tới 200% với hàng chục nghìn đơn hàng mỗi ngày.

Tương tự, mới đây Vietnam Airlines đã tung ra gói combo vé rất mới lạ cho phép khách hàng chọn trước chỗ ngồi trên máy bay và có thể mua nhiều ghế xung quanh (bên cạnh, trước, sau) để giữ khoảng cách, đảm bảo an toàn trong mùa dịch bệnh. Thậm chí khách hàng có thể chọn mua tới 18 ghế trống để có cảm giá yên tâm khi đi máy bay. Mức phí chọn ghế trống trong gói sản phẩm này cũng thấp hơn rất nhiều so với giá mua ghế trống bên cạnh như trước đây.

Không sáng tạo là “chết”

Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp, hơn 18.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quý I/2020, ông Hà Anh Tuấn, CEO Vinalink Digital cho rằng, doanh nghiệp phải chuyển đổi sản phẩm, tạo ra các sản phẩm theo “trend” (xu hướng), sáng tạo các sản phẩm phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay và khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho dịch vụ an toàn.

Lấy ví dụ với các khu nghỉ dưỡng hiện đang rất “ế”, ông Tuấn cho rằng hoàn toàn có thể thiết kế các combo du lịch: Khu nghỉ dưỡng riêng biệt, đưa đón khách bằng xe riêng, cung cấp thực phẩm để khách tự chế biến trong lúc “cách ly” và làm việc online… “Đó là trải nghiệm. Doanh nghiệp đừng bị động, đừng xem mình có gì mới mang ra bán mà hãy xem nhu cầu của người dùng để biến đổi theo tình hình”, CEO Vinalink Digital tư vấn.

Với các doanh nghiệp bán hàng hóa, ông Tuấn cũng cho rằng, việc đầu tiên là các doanh nghiệp này phải đưa sản phẩm lên bán online bởi hiện nay khách hàng là người chủ động lên các trang mạng tìm sản phẩm mà doanh nghiệp không cần quảng cáo như trước. Saigon Co.opmart là một trong số các trường hợp chuyển đổi cơ cấu sản phẩm rất thành công mà ông Tuấn đánh giá cao khi nhanh nhạy “thầu” cung cấp lượng lớn suất ăn cho các khu cách ly, “bắt tay” với các đơn vị khác tạo ra lễ hội giảm giá hàng ngàn sản phẩm để kích cầu…

Hay có những sự dịch chuyển ít người ngờ tới như một cửa hàng bán hải sản đã livestream cho khách trực tiếp chọn đồ, sau đó cân, chế biến và đóng gói ngay trước camera để khách giám sát rồi vận chuyển tới tận nhà. Hoặc trước đó, hàng loạt công ty mỹ phẩm chuyển sang sản xuất nước khử trùng, công ty may mặc chuyển sang sản xuất khẩu trang… đều thể hiện sự nhanh nhạy với thị trường trong bối cảnh hiện nay.

“Nếu không làm thì sẽ mất nhân viên, mất khách hàng nên các doanh nghiệp phải quyết tâm lao vào mà bán hàng. Phải bán hàng mọi nơi, mọi lúc”, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech khuyến nghị các doanh nghiệp.

Ông Bình cho rằng, nếu thời điểm này các doanh nghiệp dừng lại, coi đó là giai đoạn ngủ đông thì “một con gấu ngủ đông nếu sau đó không có thức ăn cũng sẽ chết”. “Nên vẫn phải bán hàng. Không thể buông xuôi, chấp nhận đóng cửa, đi chơi chờ dịch qua mới quay lại. Đến lúc dịch qua thì không thích ứng kịp”, ông Bình nói và nhấn mạnh: Nếu không tiếp tục bán hàng thì doanh nghiệp sẽ “chết” vì “đói”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.