Kinh tế thế giới biến động khó dự đoán
Kinh tế thế giới năm 2019 trải qua nhiều biến động khó dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại quốc tế đều thấp, giảm so với năm 2018. Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung tác động tiêu cực đến thị trường thế giới, thị trường tài chính và chứng khoán gặp nhiều diễn biến, lên xuống bất ngờ. Cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp tục tăng tốc, thương mại điện tử vượt qua biên giới hành chính, giao hàng tận nhà, ở Việt Nam làm việc tư vấn, dịch vụ phần mềm do cho các công ty ở Mỹ, Singapore, nhận thù lao qua chuyển khoản (Gig economy), công nghệ in 3D (ba chiều)… mở ra những cơ hội chưa từng có cho phát triển kinh tế, giáo dục.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng giảm sút, thất nghiệp tăng lên, nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới điều chỉnh chiến lược đầu tư, rời khỏi Trung Quốc, đem lại những cơ hội và thách thức mới cho những nước trong khu vực.
Lợi thế so sánh của lao động giá rẻ và tài nguyên khoáng sản giảm sút, thay vào đó là người máy (robot), trí thông minh nhân tạo (AI) được vận dụng rộng rãi hơn. Thương mại điện tử, cho thuê nhà nghỉ (homestay) qua mạng lan rộng nhanh chóng đến vùng sâu, vùng xa. Đồng tiền thuật toán (cryptocurrency) đã xuất hiện và được một số nước chấp nhận lưu hành.
Biến động và khó dự đoán là đặc trưng của tình hình kinh tế thế giới hiện nay và còn tiếp tục trong năm 2020. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ thấp dự báo tốc độ tăng trưởng xuống thấp hơn 2018, chỉ còn 3,2%. Đáng chú ý là kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp khó sau nhiều thập kỷ tăng trưởng như vũ bão, tốc độ tăng trưởng giảm xuống mức thấp nhất từ 30 năm nay, chỉ đạt khoảng 6%/năm, nhiều doanh nghiệp phá sản, số lao động thất nghiệp tăng lên, nhiều tập đoàn đa quốc gia điều chuyển đầu tư sang các nước khác. Tuy vậy, những dự báo về một sự “sụp đổ” của kinh tế Trung Quốc là thiếu căn cứ.
Biến đổi khí hậu tiếp tục tác động xấu đến kinh tế toàn cầu. Cháy rừng quy mô thảm họa ở Australia, xói lở bờ sông ở Cà Mau trong khi Hội nghị COP 20 bàn về biến đổi khí hậu khí hậu ở Tây Ban Nha chưa đem lại những cam kết mong đợi.
Nhiều đột phá về tư duy kinh tế
Trước tình hình đó, chính sách kinh tế của các nước phải linh hoạt và điều chỉnh thích hợp, “cái gì đúng cho ngày hôm qua có thể không còn hiệu quả cho ngày hôm nay”. Đổi mới, sáng tạo, sẵn sàng đón nhận cái mới để tái cơ cấu và cải cách nền kinh tế, bộ máy của nhà nước là thái độ cần thiết hiện nay.
Trong năm 2019 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân là một bước đột phá về tư duy kinh tế, nhằm mục tiêu “phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Trong bối cảnh có nhiều thách thức như vậy, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ trong năm 2019 như: Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2019-2020 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Thụy Sĩ công bố đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay 61/141 nền kinh tế.
Chỉ số Năng lực Đổi mới Sáng tạo của Việt Nam cũng có cải thiện. Ngày 24/7/2019 tại New Delhi - Ấn Độ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019. Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc lên vị trí 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng so với năm 2018. Thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia.
Năm 2019 cũng ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, tiếp tục đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế và thương mại. Việt Nam đã thực hiện Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP), thực hiện các cam kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Hợp tác kinh tế Toàn diện (RCEP).
Minh bạch Ngân sách Nhà nước của nước ta tuy đã có tiến bộ nhưng còn hạn chế theo so sánh quốc tế, kinh tế càng phát triển khi minh bạch ngân sách cao hơn.
Mức độ minh bạch ngân sách nhà nước còn hạn chế, tình trạng lạm dụng ngân sách để chiêu đãi, đi nước ngoài vẫn chưa được ngăn chặn.
Nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động vận dụng chính phủ điện tử, cải cách hành chính, cắt giảm giấy phép con, thủ tục hành chính, qua đó gảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp và công dân.
Tăng trưởng vượt chỉ tiêu, xuất khẩu vượt ngưỡng 500 tỷ USD
Giữa tháng 12, Tổng cục Thống kê tính lại tổng sản phẩm quốc nội, công bố GDP Việt Nam tăng thêm 25,4%, GDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD/người, mở ra khả năng tăng thêm bội chi ngân sách, tăng nợ Chính phủ mà vẫn dưới mức an toàn, tuy thu nhập thực tế của người dân không có gì thay đổi.
Tổng cục Thống kê công bố ngày 27/12/2019 kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 7,02%/năm, vượt chỉ tiêu tăng GDP 6,8% do Quốc hội giao, trong đó công nghiệp chế biến, chế tác đóng góp 2,5%, dịch vụ và thương mại 2,75%. Nổi bật là tốc độ bán lẻ và dịch vụ thị trường trong nước tăng 11,8% trong khi lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng CPI chỉ tăng khoảng 2,6% so với năm 2018.
Tính chung 11 tháng năm 2019, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 177.560 doanh nghiệp, tăng 6,8%, số doanh nghiệp mới đăng ký đạt 138.139 doanh nghiệp, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 17,1% về vốn đăng ký. Đáng chú ý là vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2019 đạt mức khá cao với 12,4 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy vậy, mật độ doanh nghiệp hoạt động trên 1.000 dân còn thấp so với các nước trong khu vực.
Xuất khẩu và nhập khẩu vượt ngưỡng 500 tỷ USD, đạt 525 tỷ USD, tăng 9,2%, xuất siêu 10 tỷ USD, tuy còn thấp hơn so với năm 2018 nhưng vẫn là một thành tựu đáng ghi nhận trong điều kiện biến động hiện nay. Xuất khẩu hàng hóa đạt 263,45 tỷ USD, tăng 7,9%, xuất siêu 1 tỷ USD.
Tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam trong năm 2019 có thể đạt trên 17 triệu lượt khách, tăng khoảng 16% so với năm 2018. Cũng xin lưu ý là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, chiếm tỷ trọng rất lớn nhưng tỷ lệ giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ khoảng 30-50%.
Sản lượng công nghiệp tăng 9,5%, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tác năm 2019 dự kiến tăng khoảng 11%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Lần đầu tiên tập đoàn kinh tế tư nhân Vingroup đã sản xuất ô tô du lịch nhãn hiệu VinFast chứ không chỉ lắp ráp các xe nước ngoài như một số hãng khác.
Nông nghiệp đã vượt qua hạn hán, dịch tả lợn châu Phi, đạt tốc độ tăng trưởng khá, đặc biệt xuất khẩu xoài, vải thiều… sang các thị trường có yêu cầu cao như: Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu là những tiến bộ đáng ghi nhận.
Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 giá trị gia tăng của công đoạn gia công bị giảm sút mạnh như sơ đồ dưới đây minh họa cho thấy sức ép tái cơ cấu kinh tế đang tăng lên, không chờ đợi một ai. Việt Nam phải nhanh chóng vượt qua khâu gia công, tích cực tham gia vào các khâu nghiên cứu - triển khai, thiết kế và công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng.
Lao động giản đơn ngày càng bị thay thế nhiều hơn bởi người máy và trí thông minh nhân tạo (AI) ở nước ta, chủ yếu ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/12/2019 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Trong đó có 3.883 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, tăng 27,5% về số dự án và giảm 6,8% về số vốn đăng ký so với năm trước.
Năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch luân phiên ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Ở trong nước, Đại hội Đảng bộ các cấp sẽ thảo luận những phương hướng mới phát triển kinh tế - xã hội, đem lại động lực mới. Hy vọng với kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2019, năm 2020 sẽ đem lại những thành tựu và tiến bộ mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận