Y tế

Những hiểu lầm diệt trừ virus Corona “cười ra nước mắt”

16/02/2020, 06:46

Lo lắng thái quá trước dịch bệnh khiến nhiều người truyền miệng và thực hiện những cách “diệt” virus Corona chẳng giống ai, lợi bất cập hại...

img
Đeo khẩu trang chỗ đông người giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Ảnh: Tạ Hải

Đọc báo nước ngoài, chế ngay khẩu trang “tẩm muối”

Mấy ngày nay trên khắp các trang mạng chia sẻ rầm rộ thông tin “khẩu trang tẩm muối diệt virus”. Theo đó, câu chuyện bắt nguồn từ thông tin trên báo nước ngoài cho hay, một nhà khoa học Canada vừa phát hiện loại khẩu trang tẩm muối có thể diệt virus Corona trong vòng 5 phút.

“Trong lúc chờ đợi khẩu trang tẩm muối được bán trên thị trường, các bạn có thể làm theo cách sau đây: Hai chén muối khuấy đều với nửa chén nước lọc (đun sôi) cho muối tan. Rồi dùng cọ bôi lên nhiều lần dung dịch muối ở phía ngoài khẩu trang. Chờ khô, làm lại 2 lần nữa và sau đó có thể dùng khẩu trang đi ra ngoài. Nếu không có N95, có thể áp dụng tạm thời trên khẩu trang giấy chống bụi, hoặc khẩu trang bằng vải thường dùng. Nếu dùng khẩu trang vải, cứ 2 ngày giặt nó 1 lần và tẩm muối như vừa chỉ dẫn trên... Không chỉ “giết” Corona, mà muối còn “giết” được tất cả những virus khác trong không khí”… Nội dung này đã nhận được hàng nghìn chia sẻ chỉ trong vài ngày. Không chỉ bằng lời, nhiều bạn trẻ có hướng dẫn chi tiết bằng clip để mọi người dễ làm theo.

Nhận định về phát minh “khẩu trang muối” của nhà khoa học Canada, TS. Nguyễn Khánh Hòa, Viện Công nghệ tế bào gốc và gene, Bệnh viện Vinmec chia sẻ: “Thông tin này có cơ sở lý luận khá mù mờ, thậm chí có phần sai về bản chất khi tác giả cho rằng tinh thể muối sắc cạnh có thể xé rách virus. Thực tế cấu trúc của virus hoàn toàn khác với các sinh vật có cấu trúc tế bào. Nếu vi khuẩn, vật thể đơn bào có cấu trúc tế bào, có màng bao bọc tế bào tương bên trong, nó có 1 áp suất thẩm thấu nhất định. Thế nên khi gặp môi trường muối dung dịch đậm đặc hơn so với môi trường bên trong màng tế bào, muối sẽ hút nước của tế bào khiến chúng bị teo lại và chết. Nhưng virus không phải cấu trúc tế bào, nên không có hiện tượng bị mất nước. Như vậy nồng độ muối đậm đặc không làm ảnh hưởng đến sự sống còn của virus”.

Cũng theo TS. Hòa, với “sáng kiến” của cộng đồng mạng dùng khẩu trang ngâm muối phơi khô thì đó chỉ là cách để các hạt bụi và muối đặt cạnh nhau, lại càng không có ý nghĩa trong việc diệt virus….

Tương tự, BS. Nguyễn Quốc Thái, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai phân tích: “Câu chuyện khẩu trang phủ muối chỉ dừng lại ở ý tưởng rằng muối sẽ có tác dụng làm khô các hạt nhỏ dưới dạng aerosols (bụi khí < 10μm) hoặc droplets (giọt bắn, 10 - 100μm) để ngăn chặn và bất hoạt virus theo những cơ chế phức tạp. Qua tìm hiểu, trong những nghiên cứu này, muối được phủ ở màng lọc chứ không phải toàn bộ các lớp của khẩu trang. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chưa được hoặc không thể thực hiện được đầy đủ trong các điều kiện thực tế, đặc biệt là độ ẩm của môi trường. Trong những điều kiện độ ẩm nhất định, môi trường muối thậm chí còn tạo điều kiện tốt cho virus sống dai hơn. Do vậy, khi muốn phiên giải kết quả các nghiên cứu này ra thực tiễn thì cần suy xét thêm nữa”.

BS. Thái cũng lưu ý, việc giải thích cơ chế diệt virus của khẩu trang phủ muối theo cách truyền miệng hiện “rất ngớ ngẩn, chỉ lừa được trẻ con”. “Hiện nay, chưa có loại khẩu trang phủ muối nào được sản xuất đại trà mang tính thương mại vì không khả thi, thậm chí gây hại khi chưa được đánh giá đầy đủ. Đồng thời, các loại khẩu trang hiện nay có mục đích chính là lọc khuẩn/virus chứ không phải là kháng khuẩn/virus”, BS. Thái khẳng định.

Đóng cửa, bật điều hòa ở nhiệt độ cao để tiêu diệt virus?

Bôi tinh dầu vào khẩu trang chỉ có tác dụng “tâm lý”
Trước mẹo “bôi tinh dầu tỏi, tinh dầu tràm vào mặt trong của khẩu trang giúp đẩy lùi virus Corona”, TS. Nguyễn Khánh Hòa cho rằng: “Với tinh dầu, có tác dụng diệt virus khá rõ nhưng tùy loại virus chứ không phải loại nào cũng diệt được. Nhưng để đạt hiệu quả thì phải làm sao giữ tinh dầu ở dạng ẩm hoặc dung dịch lỏng. Một khi tinh dầu đã bay hơi thì cũng không còn tác dụng, chỉ mang lại tâm lý “yên tâm” hơn mà thôi”.


Khi khẩu trang và nước sát trùng khô khan hàng trong mùa dịch, nhiều người “dạy” nhau cách mua cồn 70 độ bởi “vừa rẻ lại khử khuẩn tốt”. Không chỉ rửa tay 1, 2 hay 3 lần mỗi ngày, mà nhiều chị em tranh thủ sát khuẩn thêm cồn mọi lúc mọi nơi. Theo TS. Trần Quang Bình, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, việc rửa tay sát khuẩn liên tục bằng cồn 70 độ, rất hại da tay, lại vô tình loại đi những vi khuẩn có lợi. “Cách đơn giản mà hiệu quả là chỉ cần rửa tay bằng nước và xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cần hạn chế với các loại cồn khử khuẩn, nếu quá lạm dụng sẽ lợi bất cấp hại”, ông Bình khuyến cáo.

Trước thông tin ở nhiệt độ trên 25 độ C có thể tiêu diệt được virus, không ít người tin chắc rằng, với nhiệt độ miền Bắc lạnh, mưa ẩm thì cứ đóng chặt cửa, bật điều hòa nhiệt độ 27-28 độ C “virus nào cũng chết”, tuy nhiên theo ông Bình cách hiểu này không đúng. “Việc dùng điều hòa liên tục trong mùa dịch bệnh, đặc biệt với điều hòa trung tâm càng khiến virus phát tán khủng khiếp. Kinh nghiệm từ Vũ Hán cho thấy, dịch lan nhanh bởi nhiệt độ ở đây rất lạnh, người dân đóng kín cửa, bật điều hòa cả ngày lẫn đêm”, ông Bình dẫn chứng.

Còn theo PGS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng dịch khẩn cấp Bộ Y tế, ở môi trường phòng đóng kín, bật điều hòa, nếu có người mang virus Corona sẽ tăng nguy cơ gây bệnh cho nhiều người. Ở môi trường phòng kín điều hòa, virus không thể phát tán ra ngoài nên sẽ lưu cữu lại trong phòng. Như vậy, khi người mang virus hắt hơi, nói chuyện… thì người khác sẽ hít vào tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngược lại, trong trường hợp phòng thông thoáng, có ánh nắng mặt trời chiếu vào virus sẽ bay ra ngoài. Lúc đó, mật độ của virus, vi khuẩn giảm đi sẽ ít đi khả năng gây bệnh. Mục đích mở cửa phòng thông thoáng là để virus được khuếch tán ra ngoài“, ông Phu phân tích.

Đối với các văn phòng dùng điều hòa tổng, các chuyên gia khuyến cáo cần thường xuyên làm sạch màng lọc của điều hòa, vệ sinh lau chùi bề mặt bàn, dụng cụ làm việc hàng ngày...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.