70 năm truyền thống ngành GTVT

Những khát khao vượt đại dương (kỳ cuối)

15/06/2015, 15:29

Vượt qua khu “tổ hợp” thể dục thể thao có các tốp sinh viên tập luyện trong buổi chiều xuân nắng gió thênh thang...

103
Trên 85% sinh viên trường Đại học Hàng hải tốt nghiệp ra trường có việc làm

Vượt qua khu “tổ hợp” thể dục thể thao có các tốp sinh viên tập luyện trong buổi chiều xuân nắng gió thênh thang, tôi tiếp tục đến Trung tâm Nghiên cứu hệ động lực tàu thủy thuộc Viện Nghiên cứu phát triển của trường Đại học Hàng hải. Đây là nơi thí nghiệm, nghiên cứu về động cơ đốt trong (ĐCĐT) của tàu thủy; là nơi dạy cho các Sỹ quan Hàng hải, sinh viên quản lý vận hành và thực tập tốt nghiệp Khoa Máy tàu biển.

Nơi mở ra những chân trời mới

Mỗi năm học bình quân có từ 200-300 sinh viên thực tập tại Trung tâm Nghiên cứu hệ động lực tàu thủy. Theo Giám đốc Trung tâm, TS.Trần Hồng Hà - qua thực hành các em biết được nguyên lý hoạt động, vận hành. Khi làm chủ được thao tác đó sẽ cải tiến, nâng cao khai thác hiệu quả của động cơ theo hướng: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu suất và hiện đại hóa.

Nghe kỹ sư máy khai thác Đồng Mạnh Hùng giới thiệu hệ thống đo lường và phân tích các thông số động cơ, tôi hiểu trung tâm có tầm quan trọng như thế nào trong việc hướng dẫn, sử dụng động cơ máy móc cho người học cũng như nghiên cứu và ứng dụng. Tôi lại hình dung ngoài khơi xa kia, những con tàu đầy khoang hàng hóa mà vẫn chạy êm ru, không khói bụi, không tốn nhiên liệu, rì rầm cùng “biển hát chiều nay”!

Nhớ lại lời giới thiệu về trường của Phó phòng Quan hệ Quốc tế Trần Thế Nam đề cập đến việc đào tạo với sử dụng của Trường ĐH Hàng Hải. Ông tự tin và lạc quan cho biết: “Trên 85% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, 100% sinh viên ngành đi biển cũng vậy. Ở Nhật Bản, có những công ty còn đóng bảo hiểm cho các em”. Chừng như hồ nghi, nhà thơ Vũ Quần Phương trước đông đảo cán bộ, giảng viên đã chất vấn: “Các anh nói vậy, nhưng vấn đề là sinh viên ra trường có thuần thục không, sản phẩm có được đúng như “lò” đào tạo bài bản quy củ đó không…”? Mang theo điều băn khoăn tương tự, tôi quyết định tiếp cận những nhân vật là trung tâm và là đối tượng của đào tạo để kiểm chứng.

Gặp sinh viên Trương Xuân Hải sau khi em vừa thi vấn đáp xong môn Chuyển động điện, tôi hỏi cơ duyên nào em vào đây học, em tự hào cho biết: Ông ngoại là Bùi Văn Tự - cựu sinh viên khóa 13 của trường, từng làm việc tại Công ty công trình Đường thủy Hải Phòng. Chính ông ngoại là người “tiếp lửa” cho em thi vào Đại học Hàng hải này. Ông thường nói: “Đây là trường bán quân sự, ngoài trang bị về kiến thức còn rèn giũa cho con người phong cách ăn mặc, đi đứng, tác phong, hình thành tính quyết đoán và bản lĩnh”… Chưa hết, ông ngoại Hải còn “vẽ” ra trước mặt em cả khung trời mới: “Vào đó cháu sẽ được tập những bài tập về say sóng, ứng phó trên tàu bè khi gặp bão tố, sự cố, hiểm nguy”. Thì ra, những động lực “kích cầu” từ người ông ngoại kia đã biến những khát khao đại dương của em thành hiện thực. Và tôi liên tưởng Trương Xuân Hải như là “phiên bản” của Thuyền trưởng Ta-ta-ri-nốp cách đây gần trọn thế kỷ (năm 1917) trong “Thuyền trưởng và đại úy” của Ca-vê-rin. Trong các năm học, em đều xếp loại khá, giỏi. Là một thanh niên sôi nổi, hăng hái công tác Đoàn. Năm 2012 - 2014 được bầu làm Chủ tịch Hội sinh viên khoa Điện. Đặc biệt, tháng 12/2014, Hải được kết nạp vào Đảng khi tuổi mới 23. Với năng lực và phẩm chất như thế, sắp tới chắc chắn nhiều đơn vị trong ngành Hàng hải không bỏ lỡ cơ hội tiếp nhận chàng kỹ sư trẻ vừa tốt nghiệp Khoa Điện, quê ở Hưng Hà (Thái Bình) này.

Nếu như Trương Xuân Hải được người ông ngoại “tiếp lửa” thì Vũ Phương Thảo, sinh viên năm thứ ba Viện Đào tạo Quốc tế vào đây là hoàn toàn chủ động. Là người con của thành phố hoa phượng đỏ, biển cả, sông nước, những con tàu, những đoàn xe container, tiếng còi tầm và màu xanh áo thợ đã “ngấm” vào Thảo. Những hun đúc và mơ ước ấy đã tiếp thêm sức mạnh để em đoạt Thủ khoa với 27 điểm. Năm học 2013-2014, Thảo đoạt giải thưởng “Sao tháng Giêng” của Trung ương Hội Sinh viên và báo Sinh viên về lĩnh vực học tập và các hoạt động xuất sắc khác. Khi hỏi ước nguyện và con đường sự nghiệp, đôi mắt đẹp qua gọng kính cận của em ánh lên: “Trong tương lai gần sẽ học thạc sỹ. Xa hơn, nếu có cơ hội, muốn được cọ xát ở các lĩnh vực kinh tế, cảng biển; hoặc có thể truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm cho các em khóa sau...”.

Người “bẻ lái” con tàu Đại học Hàng hải đi đúng hải trình

Trong nắng nhạt chiều xuân đổ bóng những dãy nhà cao tầng của trường, đổ bóng những bộ đồng phục màu lam của nam, nữ sinh viên Hàng hải giờ tan lớp, đổ bóng cả biểu tượng bánh lái con tàu và trang sách cách điệu xuống mặt đường Lạch Tray với nhịp đời hối hả, cũng là lúc Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy Lương Công Nhớ dành cho tôi ít phút hiếm hoi sau cả ngày chỉ đạo, điều hành xử lý bao công việc. Bên ông, quá khứ và hiện tại đan cài. Câu chuyện của chúng tôi có lúc bị ngắt quãng bởi điện thoại của ông lại rung lên, hoặc cán bộ, nhân viên dưới quyền… lấp ló xin trình duyệt, ký.

Xuất thân trong một gia đình nhà nông tại huyện Duy Tiên (Hà Nam), Lương Công Nhớ có các anh trai tham gia quân ngũ. Không “già trước tuổi” lắm so với tuổi 58 của ông, nhưng những vết nhăn trên vầng trán rộng, vết rạn chân chim nơi đuôi mắt… cho thấy con người giữ các trọng trách lớn ở cơ sở đào tạo lớn này luôn phải trầm suy, căng óc là điều dễ hiểu. Tốt nghiệp Đại học Khoa Máy tàu biển của trường năm 1980, ông được giữ lại làm giảng dạy. Nhưng ông không giảng dạy ngay mà sau đó sang châu Âu một năm. Đó cũng là thời gian đáng nhớ nhất trong đời đi tàu, làm thủy thủ của ông. Ông hồi tưởng và sống lại bao kỷ niệm buồn vui, đắng đót ở xứ người, nhưng đọng lại là những tình cảm quý giá của những sỹ quan cao cấp Bungari. Ông bảo, mình làm thuê cho họ, nhưng họ rất trách nhiệm với tài sản, với con người và đất nước Việt Nam. Nhìn vào ánh mắt Lương Công Nhớ, tôi “đọc” được trong ông ao ước giá như thời gian quay trở lại…

Trở về nước, đầu năm 1982, ông làm giảng viên Khoa Máy tàu biển, sau đó kinh qua các chức vụ: Tổ phó bộ môn Diesel - Máy phụ; Phó chủ nhiệm, Quyền chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Khoa Máy tàu biển. Từ năm 2002 - 3/2012 giữ chức Phó Hiệu trưởng và từ tháng 4/2012 đến nay đảm nhận các chức vụ Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy nhà trường. Trong hơn 30 năm công tác, cùng tập thể lãnh đạo xây dựng trường thành Anh hùng Lao động, được thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Đến khi đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy, ông đã chỉ đạo quyết liệt đổi mới chương trình, mục tiêu đào tạo, giáo trình bài giảng, xây dựng đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất để trường trở thành trường đầu ngành GTVT, đứng trong tốp đầu các trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Hiệu trưởng Lương Công Nhớ nói đầy quyết đoán: “Muốn vươn tầm với thế giới, giáo viên Đại học Hàng hải phải thông thạo ngoại ngữ; NCKH phải có các công trình công bố thế giới; kiểm định trường đại học phải kiểm định quốc tế. Tiến tới thầy giáo và sinh viên phải làm việc chung với người nước ngoài, tức là đào tạo phải mang tầm quốc tế”.

Tôi tin những quyết tâm và viễn cảnh của ông đưa ra là có cơ sở, được hiện thực hóa. Bởi lẽ, hiện trường đã có sinh viên nước ngoài đến học, có giáo viên tiếng Anh chuyên giảng. Là con người luôn có ý tưởng táo bạo, chắc chắn Hiệu trưởng - Máy trưởng - Nhà giáo nhân dân Lương Công Nhớ sẽ tiếp tục “bẻ lái” con tàu Đại học Hàng hải đi đúng hải trình, kết nối các đại dương xanh.

Đâu đây nghe như có tiếng sóng xa vọng về. Có cả những giai điệu dạt dào cùng sóng gió xôn xao: “Từ nơi đây gửi tới đại dương/ những chàng trai/ người con của biển…/ Trường ơi mãi mãi/ buông neo trong lòng ta…”, như khúc hát “Mái trường đại dương” của một nhạc sĩ ở thành phố cảng mà thầy trò tự hào ngân vang mãi.

Hải Phòng - Hà Nội,mùa Xuân 2015

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.