70 năm truyền thống ngành GTVT

Về thăm cái nôi những người của biển

04/06/2015, 13:05

Khi còn ở lứa tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, lớp thế hệ thanh niên chúng tôi-ai ai cũng say sưa, mê đắm...

124
Học điều khiển tàu bằng thiết bị điện tử

Khi còn ở lứa tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, lớp thế hệ thanh niên chúng tôi - ai ai cũng say sưa, mê đắm những bộ tiểu thuyết kinh điển được coi là sách “gối đầu giường” về lý tưởng sống, cống hiến cao đẹp của văn học Nga - Xô Viết, trong đó có tiểu thuyết “Thuyền trưởng và đại úy” của V.Caverin. Bộ tiểu thuyết gồm hai tập với hơn 1.200 trang in, “Thuyền trưởng và đại úy” dựng lại toàn bộ câu chuyện về thuyền trưởng Ta-ta-ri-nốp cùng đội thủy thủ trong cuộc hải trình trên con tàu thám hiểm “Xanh Ma-ri” của nước Nga trước Cách mạng tháng Mười năm 1917, "ám ảnh", thôi thúc tôi tìm về nơi đào tạo những "thuyền trưởng Ta-ta-ri-nốp" người Việt. Đó là Trường Đại học Hàng hải, Hải Phòng.

Kỳ 1: Nơi “thổi hồn” cho những con tàu vượt trùng khơi

“Thuyền trưởng và đại úy” cứ ám ảnh tôi suốt. Từ những trang viết của nhà văn Caverin ở bên kia nước Nga xa xôi đã kéo tôi trở về thực tại - với những con người cả đời gắn bó với biển cả, đại dương, sông nước của đất Việt chúng ta. Và lịch sử của ngành GTVT Việt Nam và Bộ Tư lệnh Hải quân với những trang hào hùng, bi tráng ào ạt, lần lượt xô về.

Cái nôi sản sinh những “thuyền trưởng” can trường

Ấy là huyền thoại của những chiếc tàu không số chở vũ khí đạn dược vào những năm 1965 -1967 đã đương đầu dũng cảm trước lực lượng hải quân Mỹ; là các chiến dịch vận tải đường Hồ Chí Minh trên biển đưa hàng hóa ra tiền tuyến; là các con tàu ngang dọc khắp các dòng sông, bến phà của miền Bắc phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thử hỏi trong ngành GTVT và Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam, có bao nhiêu những “Thuyền trưởng và đại úy” viết nên kỳ tích? Họ - những huyền thoại ấy từ trên trời sa xuống ư, ở đâu ra?

Trên mặt đường Lạch Tray, Ngô Quyền (TP Hải Phòng) luôn náo nhiệt, có một biểu tượng rất đặc trưng: Đó là hai khối trụ như hai chân tháp màu trắng, trên đỉnh đỡ một bánh lái con tàu cũng sơn màu trắng, chân đế là mỏ neo đúc bằng gang, màu nâu. Phần dưới bánh lái là hai trang sách cách điệu màu vàng, trang bên trái in dòng chữ “Đại học Hàng hải Việt Nam”, phía dưới phiên âm bằng tiếng Anh “Vi ma ru” như khẳng định sự hội nhập và vươn ra biển lớn. Trang bên phải ghi ngày thành lập trường (1/4/1956). Như vậy chỉ còn chưa đầy một năm nữa, trường tròn tuổi 60, đồng hành với 70 năm lịch sử phát triển của ngành GTVT.

Theo sắp xếp của Chánh Văn phòng nhà trường Lại Huy Thiện, tôi được Phó Hiệu trưởng Nguyễn Cảnh Sơn tiếp chuyện. Khác với vẻ ngoài chững chạc trong bộ đồng phục đặc trưng của ngành Hàng hải: Quần áo màu lam thẫm, cổ tay áo là bốn khoang trắng, trên ngực gắn phù hiệu mỏ neo hình tròn màu vàng, Tiến sỹ, Thuyền trưởng hạng Nhất Nguyễn Cảnh Sơn khá cởi mở. Ông kể tôi nghe bao thứ chuyện. Chuyện giảng dạy, quản lý, rồi xuống tàu đi biển, cả làm thuê cho nước ngoài. Dù có bôn ba, lặn ngụp khắp các chân trời góc bể, với ông tựu trung vẫn là tích lũy để truyền thụ kinh nghiệm và kiến thức cho các thế hệ sinh viên, trao đổi bổ sung cùng đồng nghiệp.

Tốt nghiệp Đại học Hàng hải năm 1979, ông được giữ lại làm giảng viên giảng dạy bộ môn Hàng hải học, Khoa Điều khiển tàu biển, làm Phó Trưởng bộ môn đến năm 1988. Từ 1999-2005 ông đảm nhận chức Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Trung tâm Thuyền viên.

Nhớ lại chiều cuối năm 2014, với khoảng thời gian ít ỏi khi Ban Giám hiệu giới thiệu khái quát về trường với Đoàn nhà văn của Trại sáng tác, khi tác nghiệp tôi may mắn ngồi cạnh Chánh Văn phòng Lại Huy Thiện. Anh chỉ cung cấp ngắn gọn: Đây là một loại hình trường rất đặc thù: Vừa giáo dục đào tạo, vừa lao động sản xuất, kinh doanh lại vừa làm công tác huấn luyện. Tìm hiểu kỹ mới biết, nhà trường chịu trách nhiệm đào tạo và huấn luyện. Ở bậc đại học có 31 chuyên ngành đào tạo và hai chương trình tiên tiến: Toàn cầu hóa và kinh doanh vận tải biển quốc tế logistics, thuộc 10 khoa, viện chuyên môn. Sau khi tuyển sinh hàng năm, số lượng sinh viên trong trường bình quân trên 20 nghìn. Với đội ngũ cán bộ, giáo viên giảng dạy gần 800 người đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn cùng với cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học và thực hành, sẵn sàng đáp ứng nguồn nhân lực hàng hải vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành GTVT và đất nước, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Những mùa vàng

Trong các khoa chuyên môn của nhà trường, có thể nói khoa nào cũng là then chốt, trọng yếu, có quan hệ hữu cơ với nhau. Nhưng có một khoa ra đời sớm nhất, gắn liền với lịch sử hình thành phát triển của trường ngót 60 năm qua: Đó là, khoa Hàng hải. Phó Trưởng khoa Nguyễn Kim Phương tiếp tôi nơi tầng 2, nhà A2, Khu hiệu bộ của trường. Sinh năm 1974 tại Kiến Thụy (Hải Phòng), Phương có thân hình cao to (trên 1m7), trắng trẻo. Là sinh viên xuất sắc được giữ lại làm giảng viên sau khi tốt nghiệp năm 1996. Sau 5 năm (2002 - 2006) làm nghiên cứu sinh ở Nga về, ông bảo vệ luận án Tiến sỹ và tiếp tục giảng dạy đảm nhận chức Phó khoa. Nguyễn Kim Phương cho biết, do đặc thù là khoa đi biển nên tất cả các thầy đều tham gia. Thế nên, vừa giảng dạy, có nhiều giảng viên còn đảm nhận chức danh Thuyền trưởng và Sỹ quan boong trên nhiều con tàu siêu trường, siêu trọng của Nhật Bản, Hàn Quốc (có tàu đến 250 nghìn tấn) cũng như trên tàu biển của các công ty trong và ngoài nước khác.

Khi nhắc đến hiệu quả đào tạo, về những thành tích nối dài trong việc xây dựng phát triển hơn nửa thế kỷ qua ở Trường Đại học Hàng hải, người ta nghĩ ngay đến Khoa Cơ khí - Đóng tàu. Chủ nhiệm khoa Lê Viết Lượng trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 59. Thân hình nhỏ nhắn, thư sinh, nước da trắng được tôn lên qua cặp kính cận. Mà kỳ lạ, tóc vẫn xanh đen như màu… nước biển. Từng tốt nghiệp Đại học Giao thông Đường thủy (1978), được giữ lại làm giáo viên giảng dạy. Là cánh chim đầu đàn của khoa, ông là người chủ trì xây dựng chương trình đào tạo đại học các chuyên ngành Máy tàu thủy và thiết bị tàu thủy. Cao hơn nữa, ông còn chủ trì xây dựng chương trình đào tạo Tiến sỹ và Cao học ở hai chuyên ngành trên.

Không chỉ đảm nhận trọng trách Chủ nhiệm khoa, Lê Viết Lượng còn là Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư của trường, Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư ngành GTVT. Như thế để biết uy tín, cống hiến và tầm ảnh hưởng của ông như thế nào trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu. Bởi vậy, suốt 8 năm qua (2006-2014) với vai trò “tư lệnh” khoa, ông đưa khoa gặt hái không ít những "mùa vàng", theo những con tàu rẽ sóng ra khơi. Nhìn gương mặt sáng sủa, tinh anh và nghe giọng Hương Sơn (Hà Tĩnh) của ông, tôi biết ông bằng lòng, mãn nguyện với đội ngũ quản lý, giảng dạy của khoa. Ông tự hào với Lê Tuấn Anh, là Tiến sỹ trẻ viết được trên 10 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín của thế giới trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc và 3 năm công tác tại trường; Nguyễn Anh Việt, Phó chủ nhiệm khoa, người có những kinh nghiệm và nhiều sáng kiến trong đào tạo; Phạm Quốc Việt - Chủ nhiệm bộ môn Động lực diesel tàu thủy, là giáo viên có nhiều sinh viên giỏi. Miên man cùng men say nghề nghiệp và niềm vui vô bờ của vị Chủ nhiệm khoa, tôi vẫn còn nhớ điều ông nói như một chân lý bất biến trước khi chia tay nhau: “Muốn ngành đóng tàu phát triển bền vững thì một trong những yếu tố quan trọng là phải nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực”.

Và tôi chợt hình dung những “con tàu đang lăn sóng từ hai phía” trên các vùng biển, các đại dương mênh mông và các dòng sông kia, có bàn tay và khối óc của những con người do khoa ông và nhà trường “thổi hồn” vào đó. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.