Bạn cần biết

Những kiến thức "bỏ túi" cho các tàu thuyền và ngư dân

18/12/2016, 16:58

Để chuyến đi biển an toàn, người đi biển cần trang bị những kiến thức về thiết bị cứu hộ, yêu cầu cứu hộ…

images807848_Od_4

Cứu nạn trên biển

Hàng năm, nước ta luôn phải hứng chịu nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong khi đó, các hoạt động sản xuất của ngư dân và tàu thuyền trên biển chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất.

Từ thực tế các vụ tai nạn trên biển của các phương tiện khai thác hải sản cũng phải thừa nhận rằng, ý thức của chủ tàu và ngư dân trong công tác bảo đảm an toàn tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển vẫn còn hạn chế. Một số chủ tàu vẫn còn tư tưởng chủ quan, ra khơi hoặc bám biển khi có áp thấp nhiệt đới hoạt động gần bờ. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận và xử lý thông tin cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới của nhiều thuyền trưởng còn hạn chế nên việc điều động tàu cá, di chuyển và chủ động phòng tránh bão còn yếu, chưa linh hoạt. Đáng chú ý nữa là công tác xử phạt vi phạm hành chính về bảo đảm an toàn tàu cá còn nhẹ nên hiệu quả răn đe chưa cao...Chính vì những lý do trên khiến các vụ tai nạn và thiệt hại trên biển do bão lụt hàng năm vẫn còn cao.

Để hạn chế thiệt hại đáng tiếc về người và phương tiện khi gặp nạn trên biển, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, các địa phương đã thành lập hàng trăm tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để ngư dân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi không may gặp rủi ro. Mặt khác, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; nâng cao chất lượng đăng kiểm định kỳ và tăng cường kiểm soát chặt chẽ tàu cá tại các đồn biên phòng trước khi ra khơi.

Đặc biệt, trước mùa mưa bão năm nay, việc tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai cho ngư dân; xây dựng phương án, kế hoạch chuẩn bị đối phó phù hợp với thực tế; hướng dẫn ngư dân trang bị các thiết bị an toàn như ra-đa hàng hải, máy đàm thoại và các dụng cụ cứu sinh, cứu nạn… trước khi ra khơi đánh bắt.

Để chủ động hỗ trợ ngư dân trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, hiện nay, hệ thống thông tin liên lạc giữa Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành Thủy sản đã kết nối với các địa phương, các chủ tàu, các đài thông tin duyên hải, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của tỉnh và Trung ương.

Trước khi ra khơi, chủ tàu thuyền cần phải kiểm tra tình trạng của tàu, nhất là đối với các trang thiết bị an toàn, thiết bị khai thác, nếu phát hiện bộ phận nào bị hao mòn thì phải thay mới ngay. Đồng thời, sắp xếp các thiết bị gọn gàng, đặt đúng chỗ để bảo đảm tính chủ động trong công tác cứu chữa khi gặp sự cố. Tất cả các thuyền viên phải được hướng dẫn và sử dụng thành thạo các trang thiết bị an toàn, trang bị phòng hộ...

Khi xuất bến, các chủ tàu cần khai báo đầy đủ tần số liên lạc của tàu, số lượng thuyền viên, ngư trường hoạt động với trạm kiểm soát Biên phòng nơi phương tiện cư trú, đồng thời chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng, thông báo về vị trí tàu nhằm chấp hành sự điều động, chỉ dẫn của các cơ quan chức năng khi gặp bão.

1

Bộ đội biên phòng hướng dẫn ngư dân sử dụng hệ thống liên lạc 

Đặc biệt, các chủ tàu phải thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết trong quá trình hoạt động trên biển, đối với trường hợp gặp sóng to gió lớn đe dọa đến sự an toàn của tàu, sức khỏe thuyền viên thì nên ngừng hoạt động khai thác, tìm nơi tránh trú an toàn.

Khi gặp tình huống mất an toàn ngoài khơi, tàu lớn đánh cá xa bờ có thể liên lạc yêu cầu trợ giúp cứu hộ, cứu nạn. Chủ tàu, thuyền trưởng điều khiển tàu đánh bắt cá ngoài khơi khi gặp các tình huống khẩn cấp, cần liên lạc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam để yêu cầu cứu hộ cứu nạn khi có sự cố mất an toàn trên biển.

Số điện thoại của Trung tâm trực 24/24h để thực hiện các yêu cầu khi gặp nạn là: 04.37683050, Fax: 04.37683048. Bên cạnh đó, trung tâm còn thực hiện việc trực canh cấp cứu cho tàu cá thu phát trên tần số 7903KHz hoặc phát bản tin thời tiết trên tần số 7906 KHz.

Đặc biệt, thuyền trưởng chưa cho tàu, thuyền ra khơi xa ngoài phao số 0 khi thiếu thiết bị thu phát thông tin liên lạc (MF/HF) phù hợp trên biển.

Tàu thuyền hoạt đông trong mùa mưa bão, từ tháng 5 đến hết tháng 12 phải đặc biệt quan tâm, nghe và cập nhật bản tin dự báo thời tiết hàng ngày để có thông tin kịp thời về bão, thời tiết xấu và chủ động phòng tránh, đưa tàu về nơi neo đậu, trú ẩn an toàn gần nhất.

Khi gặp sự cố cần trợ giúp, phải gọi tới các trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải hoặc các đài thông tin duyên hải, thông báo: tên tàu, vị trí tọa độ, thời gian bị nạn, tình hình tai nạn, số người trên tàu, tình trạng sóng gió... và giữ liên lạc thường xuyên Khi cần cấp cứu phải phát tín hiệu: Mayday, Mayday, Mayday… hoặc Cấp cứu, Cấp cứu, Cấp cứu...

Với các tàu thuyền thường xuyên đánh bắt cá xa bờ, ngư dân cần chuẩn bị thuốc men phòng trường hợp có người ốm đau trong chuyến đi dài ngày trên biển.

tau-0612

Các tàu có thể liên lạc với đài duyên hải tại khu vực để yêu cầu ứng cứu khi gặp nạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.