Văn hóa - Giải Trí

Những lễ hội Xuân Mậu Tuất không thể bỏ qua

12/02/2018, 14:28

Trên cả nước, từ mùng 3 Tết, các lễ hội đầu xuân sẽ bắt đầu được tổ chức.

18

Trảy hội Chùa Hương - Ảnh: Thanh Sơn

Miền Bắc: Lễ hội Chùa Hương kéo dài 3 tháng

Nổi tiếng nhất, thu hút đông đảo sự quan tâm nhất và kéo dài nhất trong các lễ hội xuân ở Việt Nam là hội chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội). Lễ hội được tổ chức từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Trong đó cao điểm nhất là vào giai đoạn từ rằm tháng Giêng đến 18/2 âm lịch. Hội chùa Hương trước hết được xem như hành trình trở về cõi Phật, tìm kiếm sự linh thiêng nhiệm màu trong những quần thể kiến trúc chùa - hang động - núi rừng.

Tại Thủ đô Hà Nội, trong ngày mùng 5 Tết sẽ diễn ra lễ hội Gò Đống Đa. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức để tưởng nhớ chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung - đại phá quân Thanh xâm lược, hiện được coi như quốc lễ. Phần nội dung giữ nguyên các nét truyền thống gồm lễ - thắp hương cầu siêu ở chùa Đồng Quang và hội - tổ chức biểu diễn nghệ thuật mô phỏng trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa năm xưa.

Ngoài ra, không thể không nhắc tới lễ hội khai ấn đền Trần diễn ra tại Nam Định. Hội bắt đầu bằng lễ khai ấn từ giờ Tý (nửa đêm) ngày 13 và kéo dài đến ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Bên cạnh đó, tại Quảng Ninh từ ngày 10 tháng Giêng kéo dài hết tháng 3 âm lịch cũng sẽ diễn ra lễ hội Yên Tử. Chùa Yên Tử không chỉ nổi danh với phong cảnh đẹp, di tích lịch sử cổ kính mà còn là trung tâm Phật giáo của cả nước - nơi phát tích của Trúc Lâm thiền phái.

19

Hội vật Làng Sình có truyền thống 200 năm, diễn ra vào ngày 9-10 tháng Giêng hàng năm - Ảnh: VSP

Miền Trung: Hội vật Làng Sình có truyền thống 200 năm

Tại cố đô Huế, từ ngày 9-10 tháng Giêng sẽ diễn ra hội vật Làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Hội vật có truyền thống hơn 200 năm, ban đầu được xem như hình thức tuyển chọn võ sĩ cho triều đình phong kiến, nay được phát triển thành lễ hội vùng miền không giới hạn người địa phương và du khách tham gia. Quy mô gồm vòng loại, vòng bán kết và chung kết với luật “lấm lưng trắng bụng”. Hội vật Làng Sình vừa mang yếu tố tâm linh đề cao sức khỏe, mùa màng tươi tốt, vừa là hoạt động thể hiện tinh thần thượng võ, kích thích tinh thần lao động của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên.

Tại thị trấn Phú Phong, Bình Định vào chiều mùng 4 và mùng 5 Tết âm lịch sẽ diễn ra lễ hội Tết Đống Đa. Tương tự như hội Gò Đống Đa, sự kiện này tổ chức nhằm tưởng nhớ chiến công của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn mà đặc biệt là anh hùng áo vải Quang Trung. Ngoài phần nghi lễ truyền thống, phần hội là các hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng...

Miền Nam: Lễ vía Bà Đen/Linh Sơn Thánh Mẫu kéo dài hết tháng 2 âm lịch

Ở các tỉnh phía Nam, lễ hội mùa xuân lớn nhất là lễ vía Bà Đen/Linh Sơn Thánh Mẫu diễn ra từ ngày mùng 4 tháng Giêng kéo dài đến hết tháng 2 âm lịch tại núi Bà Đen (TX Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh). Lễ hội tổ chức nhiều nghi thức dân gian như: Hát bóng rối chầu mời, hát chặp bóng tuồng hài “Địa Nàng”, múa dâng bông... Đặc biệt, trong lễ Vía chính thức của Linh Sơn Thánh mẫu - sẽ diễn ra hoạt động Trình thập cúng, được coi là phần lễ trang nghiêm nhất trong đợt lễ.

Ngoài ra, có thể kể tới lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu tổ chức từ ngày 14 đến rạng sáng 15 tháng Giêng tại trung tâm TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Đây là một lễ hội dân gian mang những nét văn hóa độc đáo riêng của vùng Ðông Nam bộ, trong đó có hoạt động rước kiệu Bà đi tuần du rất nổi tiếng. Đoàn rước đi theo lộ trình hướng tới chợ Thủ Dầu Một, cùng với sự hộ tống của hơn 30 đoàn lân sư rồng tạo nên không khí vui tươi rộn ràng ở khắp nơi, thu hút hàng triệu người tham dự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.